Bão lớn miền Trung, đắng lòng những đứa con xa nhà
(Dân trí) - Siêu bão lại đổ bộ miền Trung, người dân cả nước đau đáu hướng về khúc ruột Tổ quốc, làm quặn lòng những đứa con miền Trung đi học xa nhà.
Bão tiếp bão, miền Trung một lần nữa “gồng mình” với cơn bão số 10, có tên quốc tế là Wutip được các nhà chuyên môn đánh giá là siêu bão, với sức gió vùng gần tâm bão lên tới cấp 11, cấp 13, giật trên cấp 14, cấp 15. Tròn bảy năm sau đúng thời điểm cơn bão khủng khiếp Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng (2006), người dân dải đất miền Trung lại oằn mình trong giông bão. Người dân cả nước hướng về miền Trung với một niềm lo lắng, cảm thương cho đồng bào mình, còn những đứa con miền Trung xa quê, xa Tổ quốc, tim lại thêm một lần đau nhói.
Từ thành phố Kharkov (Ukraine), bạn Nguyễn Mạnh Tấn chia sẻ: “Mỗi lần có tin bão như này, mình lo lắng lắm. Lo nhất là gia đình mình ở Huế, mẹ và em gái có ổn không, nhà cửa đã chằng chéo lại chưa. Mình là con trai lớn, lại đi xa nhà nữa, cũng chỉ biết gọi điện về hỏi thăm, động viên mà thôi”.
Suốt hôm qua đến giờ, đã có bốn cuộc điện thoại đường dài gọi về từ Đông Âu để giúp Tấn có thể biết được diễn biến ở nhà. Hay tin Huế dù bị ảnh hưởng nhẹ hơn, Tấn cũng đỡ lo lắng cho mẹ và em, nỗi quan tâm bây giờ lại chuyển về Quảng Bình, vùng được dự báo là báo đổ bộ, nơi mà ông bà của cậu đang sinh sống.
Xa quê, dù khoảng cách chưa đến hàng nghìn cây số như Tấn, Hướng song 300km Hà Nội - Nghệ An cũng đủ để làm cô bạn Khánh Hòa trăn trở cả ngày vì bão. Giọng miền Trung đặc sệt của cô bạn như nghẹn đi: “Em lo lắm chớ, đi học ngoài ni ở nhà a răng? Mưa gió thì điện thoại lúc được lúc không, gọi về nhà mưa to lắm! Em chỉ mong làm răng, bão sớm qua mà đừng để lại nhiều hậu quả nặng nề chi cả, nhất là về người. Miền Trung quê em cứ oằn mình trong bão lũ thường xuyên nhưng mà bão mạnh ri thì xót lắm…”.
Trên trang Facebook của những bạn trẻ quê miền Trung, những dòng status liên tục được cập nhật theo từng diễn biến của cơn bão. Bạn Lê Tuyết tâm sự: “Hôm nay cuối tháng bận quá, từ tối hôm qua tới giờ điện về nhà liên tục hỏi han tình hình bão lụt tới đâu rồi. Hiện giờ mất hết mọi liên lạc từ ngoài kia, sao mình lo quá, chẳng biết Mẹ và Em trai ở nhà chống chọi với bão đến đâu rồi? Ông bà, các cậu, các cô bác, chú gì, các em có ổn hay không? Cầu mong cho mọi người được bình an...”.
Một bạn gái khác thì xúc cảm rất chân thành: “Miền Trung quê tôi bao đời vẫn thế, cái ăn, cái mặc, cái đói rồi đến cái thiên tai. Thuở nhỏ, nghe bão đến anh em bạn bè tôi thường hay vui mừng vì được nghỉ học, vì được đi lội nước, vì được ở trong nhà nhìn ra con sống nước chảy cuộn cuộn. Lớn lên một tí, nhìn những căn nhà chông chênh, nhìn những tiếng kêu khi mùa màng mất trắng mà lòng đầy suy nghĩ. Hôm nay, bão lại về, lòng lại thấy lo lo khi quê nhà chìm trong mưa gió”.
Mưa bão vẫn đang dày xéo dải đất Nghệ An – Đà Nẵng, lòng đồng bào cả nước đang mỗi phút, mỗi giờ ngóng và cầu mong cho miền Trung bình an. Trong giông bão, người miền Trung vẫn kiên gan chống chịu, những đứa con miền Trung thắt lòng: Thương lắm, miền Trung ơi!
Hải Nam