Bạo hành trẻ tự kỷ: Không thể chấp nhận!

(Dân trí) - Hành vi bạo lực đánh đập, hù dọa với bất kỳ đối tượng trẻ em nào, ở trong gia đình, môi trường tập thể hay ngoài đường đều không thể chấp nhận. Nhất là với trẻ tự kỷ, việc bị bạo hành sẽ làm cho tình trạng bệnh của các em trầm trọng hơn.

Giới thiệu trẻ vào trường chuyên biệt

Sáng 23/7, Phòng giáo dục, công an quận Tân Bình cùng đại diện UBND phường 15 xuống làm việc với chủ cơ sở Anh Vương, nơi vừa xảy ra vụ bạo hành trẻ tự kỷ gây bức xúc. Tấm biển hiệu trá hình: “Trường tiểu học chuyên biệt Anh Vương” chuyên nuôi dạy trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ treo trước cơ sở (tại 86 Cống Lở, phường 15, quận Tân Bình) đã được gỡ xuống.

Tấm biểu hiệu trá trình Trường tiểu học chuyên biệt tại cơ sở Anh Vương đã bị gỡ bỏ. 
Tấm biểu hiệu trá trình Trường tiểu học chuyên biệt tại cơ sở Anh Vương đã bị gỡ bỏ. 

Ông Trần Khắc Huy - Trưởng Phòng Giáo dục quận Tân Bình cho hay cơ sở Anh Vương, tính cả ông chủ Chu Văn Việt có 11 người, chỉ có 3 người xuất trình được bằng cấp chuyên môn. Chủ cơ sở cũng không có tài liệu, giáo trình dạy học mà chỉ là những cuốn tài liệu in từ trên mạng xuống. “Đây là nuôi chứ không phải là dạy”, ông Huy nói.

Khi cơ sở bị phát hiện bạo hành, đánh đập trẻ trẻ tự kỷ, có 27 trẻ đang được nuôi dạy tại đây. Trong đó, có 13 trẻ ở TPHCM (có một bé trai con ông Việt), các trẻ còn lại đến từ nhiều tỉnh như Long An, Tây Ninh, Bình Phước, Tiền Giang... Đến hôm 23/7, toàn bộ trẻ đều đã được trao trả cho gia đình.

Ông Trần Khắc Huy cho biết, trước mắt sẽ tập trung giải quyết cho những trẻ trên địa bàn, Phòng sẽ liên hệ giới thiệu phụ huynh gửi con vào Trường chuyên biệt Hướng Dương, quận Tân Bình (tối đa tiếp nhận được 7 trẻ) và một số trường chuyên biệt khác ở TPHCM.

Biết thông tin trẻ bị bạo hành, trong những ngày qua, nhiều gia đình đã đến đón con về. 
Biết thông tin trẻ bị bạo hành, trong những ngày qua, nhiều gia đình đã đến đón con về. 

Từ những sai phạm, hoạt động sai chức năng của cơ sở, đoàn kiểm tra kiến nghị với UBND quận Tân Bình chấm dứt ngay hoạt động của công ty TNHH Anh Vương trong ngày hôm nay, sau đó tiến hành kiểm tra hành chính đối với công ty.

Trung tâm Anh Vương được UBND quận Tân Bình cấp giấy phép hoạt động từ tháng 10/2009, do ông Chu Văn Việt làm chủ với chức năng nuôi dạy trẻ chuyên biệt. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động trường đã sai phạm như không có hiệu trưởng điều hành quản lý chuyên môn; không đảm bảo đủ giáo viên và giáo viên không có bằng cấp chuyên môn. Tháng 12/2013, trường bị đình chỉ.

Sau đó, ông Việt đã xin xin giấy phép từ Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM thành lập công ty THNN với chức năng là nuôi dưỡng người già. Nhưng trên thực tế Anh Vương tiếp tục nhận giữ và dạy trẻ tự kỷ.

Trẻ cần được thăm khám

Bác sĩ tâm lý Nguyễn Minh Tiến (Hội Khoa học tâm lý giáo dục TPHCM) cho hay hành vi bạo lực đánh đập, hù dọa với bất kỳ đối tượng trẻ em nào, ở trong gia đình, môi trường tập thể hay ngoài đường đều không thể chấp nhận.

Khi gửi con tự kỷ vào một cơ sở trường học, phụ huynh ai cũng mong muốn tình trạng của con được cải thiện nhưng nếu phương pháp giáo dục không đúng thì có thể trầm trọng trọng hơn. Phải chăng phụ huynh chưa được được tư vấn, chưa tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi quyết định gửi con?

Theo các bác sĩ tâm lý, trẻ bị bạo hành cần được thăm khám để đánh giá mức độ ảnh hưởng. 
Theo các bác sĩ tâm lý, trẻ bị bạo hành cần được thăm khám để đánh giá mức độ ảnh hưởng. 

Với những trẻ bị bạo hành tại cơ sở Anh Vương, bác sĩ Tiến cho rằng, chúng ta chưa biết rõ mức độ thế nào, diễn biến trong thời gian bao lâu nhưng khi bị bạo lực trong việc ăn uống, sinh hoạt ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Các cháu cần được thăm khám để xem xét mức độ tác động như thế nào.

Đối với trẻ tự kỷ, việc nuôi dạy rất phức tạp, các cháu cần một chế độ chăm sóc đặc biệt bởi những người có chuyên môn, có giáo án cụ thể để có sự hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển. Một cơ sở trá hình nhận nuôi dạy trẻ tự kỷ, với những nhân viên không có chuyên môn như cơ sở Anh Vương theo bác sĩ Tiến là lỗi của các nhà quản lý, không thể đỗ lỗi cho ai.

Nhất là nhiều vụ việc bạo hành trẻ em ở TPHCM, hầu hết xảy ra ở cơ sở đều đã nằm trong diện “dự báo” như bị nhắc nhở, bị xử phạt. Nhưng việc xử lý dường như không tới nơi tới chốn, khi việc đáng tiếc bị báo chí phanh phui thì các bên liên quan mới tích cực vào cuộc báo cáo, xử lý.

Từ sự việc này, ông Trần Khắc Huy cho biết sẽ xin ý kiến lên Sở GD-ĐT TPHCM về việc ban hành quy chế phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát các nhóm trẻ, trong đó có nhóm trẻ khuyết tật.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm