Bao giờ đủ sức cạnh tranh thế giới?

Chừng nào học sinh, sinh viên VN có năng lực cạnh tranh với thế giới?

Người quen của tôi có con học trung học thuộc dạng xuất sắc. Sau khi con nhận học bổng ở ĐH Sydney (Úc), người cha lên đường theo con để quan sát môi trường học tập mới. Khi về nước, anh than rằng, phải qua bên đó mới thấy học sinh ta lép vế. Nhất là so về độ hoạt bát, linh hoạt.

Tôi cũng từng có dịp kiểm chứng điều này, khi ngồi ghế giám khảo trong một hội nghị quốc tế về “Đối thoại an ninh lương thực thế giới”. Tôi và các giám khảo khác đánh giá báo cáo của một nhóm HS lớp 11 và 12 của Mỹ đã được tài trợ kinh phí đi sang tìm hiểu tình hình lương thực của Guatemala, Peru, Liberia, Nigeria trong 2 tháng.

Các em ở độ tuổi trung học, trình bày lưu loát, mạch lạc những ý tưởng giúp gia tăng lương thực. Nghe thuyết trình của các em, mà ngậm ngùi nghĩ đến những lứa học sinh tôi từng tiếp xúc khi ở nhà. Rất ít em có thể nói lưu loát một chủ đề lớn như vậy. Nó là kết quả của chương trình giáo dục và mục tiêu giáo dục mà chúng ta đang áp đặt.

Lịch sử bất cứ dân tộc nào cũng cho thấy thành công/thất bại trong xây dựng con người… đều khởi nguồn từ giáo dục.

(Ảnh: Tapchitaichinh)
(Ảnh: Tapchitaichinh)
 
Không nói đâu xa, cứ nhìn trong khu vực Châu Á. Nhật Bản khôi phục lại nền kinh tế chỉ 15 năm sau chiến tranh nhờ  đầu tư mạnh cho giáo dục, bắt đầu từ thành phần cơ bản nhất là cấp mầm non và mẫu giáo. Hàn Quốc cũng mất 25 năm cho việc tạo nền tảng.

Còn ở Việt Nam, cho đến nay giáo dục vẫn còn là một bức xúc lớn với những yêu cầu đổi mới, cải cách. Trong thời gian gần đây, dư luận đang quan tâm ba vấn đề nổi bật: đổi mới thi trung học, đổi mới tuyển sinh đại học và đổi mới SGK. Trong phạm vi bài viết này,  tôi xin đóng góp ý kiến vào ba chủ đề nói trên.

Lập trung tâm khảo thí vùng?

Những năm qua kết quả thi tốt nghiệp THPT phần lớn là con số thành tích chứ không thể hiện trình độ thực tế dù cuộc thi nào cũng tốn ngân sách rất lớn.

Để khắc phục hạn chế, Bộ GD đang đưa ra dự kiến tổ chức kỳ thi THPT Quốc Gia, lấy kết quả dùng cho tuyển sinh vào ĐH-CĐ. Bộ giao cho các trường đại học lớn ở các vùng tổ chức kỳ thi này.

Cả xã hội thở phào khi cuối cùng đã bỏ kiểu thi “ba chung” quá tốn kém mà ngày tựu trường bị kéo dài lê thê đến cuối tháng 10 vì chờ tuyển thêm sinh viên theo nguyện vọng bổ sung. Thay vào thi “ba chung” học sinh lấy điểm thi THPT Quốc Gia đính kèm theo đơn xin xét tuyển vào trường ĐH hoặc CĐ.

Nhưng hiện nay, cả học sinh và nhà trường đều lo lắng. Nhà trường lo làm đề thi và tổ chức coi thi và chấm thi nhưng không được chọn tuyển học sinh nào cả như thuở thi “ba chung”. Học sinh thì lo lắng liệu đề thi và môn thi mà trường ĐH tổ chức có sát chương trình các thầy cô trung học đã dạy không? Phải đăng ký thi thêm môn nào đáp ứng yêu cầu của ngành học trong trường ĐH mà mình chọn. Đề án đang trưng cầu ý kiến học sinh và phụ huynh, và các thầy cô có hợp lý và vừa sức học sinh không.

Chúng tôi nghĩ trước tiên nên thiết lập chuẩn kiến thức của học sinh tốt nghiệp THPT ngang bằng với thế giới và công bố rõ ràng để các thày cô biết mà soạn giáo án dạy tốt và học sinh biết bài vở mà học cho đúng.

Việc giao cho một trường đại học vùng tổ chức thi THPT Quốc gia cho học sinh trung học trong vùng sẽ không được khách quan. Kiến nghị Bộ GD ĐT xem xét cho lập một Trung Tâm Khảo thí tại từng vùng lãnh thổ.

Trung tâm đó sẽ cho học sinh đã có điểm trung bình cộng trên 5.0 suốt các năm trung học đăng ký thi lấy “Bằng cấp THPT Quốc gia” hoặc lấy “Chứng chỉ Đủ điều kiện vào ĐH-CĐ” để kèm theo đơn xin học ĐH hoặc CĐ. Cuộc thi này căn cứ vào chuẩn kiến thức các môn học từ lớp 10-12, được tổ chức 4 lần/năm để học sinh có nhiều cơ hội vào ĐH hoặc CĐ.

Các trường ĐH-CĐ cũng sẽ xét tuyển sinh mỗi năm 2 lần. Trung tâm khảo thí này có thể là một cơ quan tư, bám sát vào các bộ chuẩn kiến thức mà Bộ GD-ĐT đã ban hành. Cơ quan tư sẽ hoạt động khách quan và nghiêm túc dưới sự giám sát của quần chúng, mỗi cá nhân làm sai sẽ bị thay thế tức khắc.

Một đề nghị quan trọng nữa là trong qui trình tuyển sinh ĐH-CĐ các trường chỉ được căn cứ vào kết quả thi THPT Quốc gia, không nên chỉ căn cứ vào học bạ trung học. Học bạ trung học chỉ được dùng tham khảo thêm mà thôi.

Nếu chỉ căn cứ vào học bạ, chất lượng đầu vào của các trường sẽ rất thấp, và giáo dục VN sẽ tiếp tục xuống cấp.

Ai nên soạn sách giáo khoa

Một đổi mới nữa cần làm thời gian tới là SGK.

Có một điểm mừng là Bộ GD đã ban hành Bộ chuẩn kiến yhức và kỹ năng (BCKTKN) của tất cả các môn học cho các cấp học từ Mẫu giáo đến THPT. Đó mới chính là chức năng quản lý chất lượng giáo dục một cách cơ bản nhất.

Các giáo viên sẽ căn cứ vào Bộ Chuẩn này để soạn bài dạy học. Các nhà xuất bản sẽ tự động mời các chuyên gia dạy giỏi nhất các môn học để họ căn cứ vào BCKTKN của môn mình soạn sách giáo khoa và sách tham khảo. Có thể mỗi môn học sẽ có nhiều chuyên gia cùng soạn sách giáo khoa như ở các nước đang làm. Mỗi NXB sẽ biếu SGK của mình cho giáo viên các trường, tự giáo viên sẽ chọn sách nào bám sát BCKTKN nhất và dùng phương pháp dễ dạy nhất thì họ sẽ yêu cầu học sinh mua sách ấy.

Như vậy chúng ta sẽ có những sách giáo khoa hay nhất, thích hợp nhất cho các vùng/miền mà nhà nước không tốn ngân sách hàng ngàn tỷ đồng như trong nhiều đợt thay SGK thời gian qua. Chủ trương để các NXB trong nước xuất bản SGK là chủ trương rất đúng, Bộ không cần soạn sách giáo khoa làm gì cho tốn công quỹ.

Nếu Bộ cũng đồng thời tổ chức soạn SGK thì sẽ vô hiệu??? chủ trương cho các NXB tự xuất bản SGK. Bởi vì khi Bộ cũng xuất bản SGK, và Bộ lại có quyền bắt buộc các trường phải dùng sách của Bộ thì không NXB nào dám đầu tư cho các chuyên gia trong nước soạn SGK nữa làm gì.

Việc mà Bộ cần đầu tư là tổ chức rà soát BCKTKN cho hợp lý và tương đương trình độ quốc tế để các thầy cô và các chuyên gia viết SGK có thể sử dụng chính xác.

Nhân kỳ họp QH đang diễn ra, và sẽ xem xét nhiều quyết sách của giáo dục, chúng tôi mong các ĐBQH sẽ sáng suốt khi nêu ý kiến  về những chuyện lớn liên quan đến quốc sách hàng đầu này.

GS Võ Tòng Xuân
GS Võ-Tòng Xuân, Nguyên Đại biểu QH các khóa II, III, IV, Anh hùng lao động; Nguyên Hiệu phó ĐH Cần Thơ, Nguyên Hiệu trưởng ĐH An Giang và ĐH Tân Tạo, Đương kim Hiệu trưởng ĐH Nam Cần Thơ.
Theo Tuần Việt Nam