Bạn đọc viết:
Bao giờ dạy học và đánh giá đúng thực chất?
(Dân trí) - Bài viết “Giáo viên bị cuốn vào cuộc đua làm đẹp điểm số học bạ” trên báo Dân trí đã mở ra tiếng lòng của nhiều nhà giáo trong bối cảnh “mưa” điểm 10 và đếm không xuể những học bạ đẹp như mơ.
Giáo dục nước nhà đang đối diện vô số khó khăn, trở ngại trên con đường đổi mới căn bản, toàn diện. Một trong những vấn đề nan giải mà người ta nói nhiều, bàn nhiều và ca thán cũng nhiều là dạy học thực chất, đánh giá đúng thực chất.
Và một mùa thi cuối năm nữa đã về, khi học sinh bước vào hàng loạt kỳ thi cuối khóa, thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp… thì lòng người lại nhen nhóm nỗi trăn trở về thành tích ảo. Câu hỏi lớn vẫn vang lên mỗi mùa tổng kết: Bao giờ đánh giá chất lượng giáo dục đúng thực chất?
Chúng ta đang sống trong thời đại giáo dục mà hầu như tấm giấy khen mỗi mùa tổng kết lại được phát hàng loạt đến mức giá trị, ý nghĩa của tờ giấy danh dự ấy trở nên mờ nhạt, phôi phai đến mức không tưởng. Học sinh các cấp học đua nhau tốt nghiệp, hoàn thành chương trình và việc học sinh bị lưu ban gần như trở thành chuyện cá biệt. Danh hiệu học sinh giỏi, xuất sắc và những học bạ đẹp như tranh vẽ không còn xuất hiện rải rác mà dường như nhan nhản khắp nơi.
Trình độ dân trí tăng kéo theo chất lượng giáo dục được đẩy lên cao là lẽ tất nhiên. Nhưng rồi dư luận có quyền hoài nghi bởi chất lượng được báo cáo “đạt chuẩn”, “vượt chỉ tiêu” trong khi thỉnh thoảng lại xuất hiện tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp, đặc biệt là từng có tình trạng học sinh sáng học lớp 5 chiều về phụ đạo lớp 1 hoặc là học lớp 6 vẫn còn bập bẹ đánh vần, tô chữ. Và vì đâu, nhờ đâu mà học sinh yếu kém về học lực vẫn lên lớp đều đều như thế?
Phải thẳng thắn nhìn rằng căn bệnh sính bằng cấp, sính thành tích đang ăn sâu vào suy nghĩ của khá nhiều gia đình. Cho con đến trường, nhiều bố mẹ so đo tính toán đến mức chi li về thành tích của con trẻ.
Thấy con người ta có giấy khen mà con mình không có cũng năn nỉ ỉ ôi với nhà trường để trẻ có tấm giấy khen cho bằng bạn bằng bè. Và dẫu năng lực của con trẻ đến đâu đi chăng nữa cũng thích con được danh hiệu xuất sắc, giỏi, khá để rồi kỳ vọng từ gia đình biến thành lực đẩy vô hình đưa chất lượng giáo dục cứ theo đà mà tiến đến mức không phanh. Và tất nhiên nhiều đứa trẻ thiếu hụt về kiến thức, yếu kém về năng lực do nhiều lý do khác nhau cũng “xuôi theo dòng nước” mà mỗi năm lên một lớp đều đều.
Song song với kỳ vọng không giới hạn từ gia đình là căn bệnh thành tích trong giáo dục. Chiếc áo thành tích trong giáo dục đã từng tô vẽ nhiều gam màu tươi sáng lên bức tranh chất lượng. Tuy nhiên, góc khuất trong đó cũng đã đôi lần được chỉ mặt đặt tên: tình trạng gạ bài, gieo sạ điểm số, nâng khống chất lượng…
Lời tâm sự của một nhà giáo có lẽ cũng là tiếng lòng của chung nhiều thế hệ nhà giáo hôm nay: “Giáo viên chúng tôi cũng không vui vẻ gì khi chấm điểm cao hơn với năng lực học sinh có thể làm. Đến khi nào chúng ta thực sự công tâm trong việc không đặt nặng xét tuyển học bạ, hay điểm học bạ làm tiêu chí phụ trong tuyển sinh các cấp thì khi đó mới giảm tải được phần nào sự kỳ vọng vào một quyển sôt nguyên điểm đẹp”.
Bao giờ người thầy được dạy học thực chất và đánh giá đúng thực chất? Câu hỏi ấy không phải tự bản thân mỗi người thầy có thể tháo gỡ được. Bởi mỗi nhà giáo cũng đang bị sự chi phối của áp lực thành tích từ cấp trên. Chỉ tiêu chất lượng như cái khuôn ụp lên các lớp, đánh giá năng lực giáo viên lại dựa trên thành tích của học sinh.
Và phải chăng căn bệnh thành tích ấy không sớm được kê đơn, bốc thuốc, chữa trị thì sẽ ngày càng hiếm những nhà giáo chân chính thoát ra vòng xoay của thành tích, đi ngược lại xu thế thành tích ảo của ngành?
Bởi vậy, xin hãy cởi trói cho người thầy thoát khỏi áp lực thành tích. Và ngay mỗi một phụ huynh cũng cần sự đổi thay mạnh mẽ trong tư duy, nhận thức để nhìn nhận đúng, đánh giá xác thực và bằng lòng với năng lực của con trẻ…
Thùy Mai
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.
Xin trân trọng cảm ơn!