Báo động tình trạng học sinh thực dụng và vô cảm
(Dân trí) - Mới đây, hội thảo về đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục đạo lý dân tộc và ý thức công dân cho học sinh THPT TPHCM do Viện Nghiên cứu Giáo dục thuộc trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức đã công bố những kết quả đáng báo động về vấn đề đạo đức, lối sống và chấp hành pháp luật trong học sinh.
Lo lắng vì những công dân tương lai vô cảm và thực dụng
Theo PGS.TS. Ngô Minh Oanh, thời gian gần đây một bộ phận thanh thiếu niên, kể cả học sinh đang học ở các trường phổ thông có những biểu hiện lệch lạc như sống đua đòi, thích thụ hưởng, ích kỷ, vô trách nhiệm, thiếu trung thực, vô cảm với hoàn cảnh éo le của gia đình, xã hội. Nguyên nhân tình trạng này một phần do giáo dục của gia đình, môi trường sống của xã hội và một phần do giáo dục về đạo lý dân tộc và ý thức công dân ở nhà trường còn bất cập, chưa hiệu quả.
TS Ngô Minh Oanh cho biết mình và các đồng sự đã tiến hành khảo sát tại 20 trường THPT ở 12 quận/huyện của TP.HCM trong đó có 12 trường công lập và 8 trường ngoài công lập với tổng số 1.800 phiếu. Trong số học sinh được khảo sát thì 75,9% học sinh đạt khá, giỏi ở các trường công lập, 62,7% khá giỏi ở khối trường ngoài công lập và 92,9% ở cả công lập lẫn ngoài công lập đạt mức hạnh kiểm khá,tốt.
Kết quả có đến 57,4% học sinh tự nhận thiếu hiểu biết về lịch sử và truyền thống đạo lý dân tộc; 57,3% học sinh thiếu hiểu biết về hiến pháp và pháp luật; 49,8% không thích học các môn khoa học xã hội; 42,5% thiếu tôn trọng thầy cô giáo và nói xấu thầy cô; 34,8% lười làm việc và không biết làm việc nhà giúp đỡ cha mẹ; 46,8% sống thực dụng, chạy theo lợi ích vật chất và chọn nghề kiếm được nhiều tiền; 37,6% các em sống thiếu nhân ái, vô cảm; 42,9% thiếu ý thức trách nhiệm công dân, không tự giác chấp hành pháp luật…
Theo TS Oanh thì những điều chưa tốt chiếm một tỷ lệ khoảng trên dưới 30% làm chúng ta không khỏi lo lắng với một bộ phận học sinh đó sẽ như thế nào khi trở thành những công dân tương lai.
Giáo dục học sinh nền tảng lòng nhân ái và trách nhiệm
TS Huỳnh Công Minh, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ rằng có nhiều trăn trở với đời sống xã hội hiện nay trong chuyện chấp hành luật pháp của người dân. Một đất nước tiến bộ thì người dân phải chấp hành luật pháp và có cộng đồng trách nhiệm với nhà nước. Nếu chỉ dựa vào cơ quan quản lý nhà nước trong khi chính người dân không có ý thức trách nhiệm thì không bao giờ phát triển được.
Theo TS Huỳnh Công Minh, “muốn giáo dục đạo đức thì phải nắm được quy luật hình thành và phát triển đạo đức chứ không chỉ nói chung chung như kiểu hô khẩu hiệu được. Đạo đức học sinh hình thành tốt đẹp không phải từ lý thuyết áp đặc mà phải cho các em sự trải nghiệm, cảm nhận, thiết tha, trung thành với những hệ thống giá trị được cộng đồng trân trọng, tôn vinh”.
Do đó, ông Minh cho rằng 2 phẩm chất rất căn bản cần đưa vào nội dung giáo dục đó là tình thương, lòng nhân ái và trách nhiệm của con người. “Đó là cội rễ để hình thành những phẩm chất khác của con người, cũng như để hướng đến nền tảng thượng tôn pháp luật. Ngay từ mầm non thì kể những câu chuyện để xây dựng lòng nhân ái cho các em. Còn khi lên đến trung học thì cho các em tranh luận, để các em trải nghiệm với thực tế của xã hội, chính các em tổ chức thành nhóm, đội để giải quyết các vấn đề thực tế trong cuộc sống chứ không phải chỉ ngồi yên một chỗ ghi chép thật đủ để học thuộc lòng rồi cuối cùng ra đời lại không vững vàng”.
Bà Dương Thị Trúc Bạch, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho rằng giáo dục đạo đức học sinh từ những điều nhỏ nhất
Trong khi đó, bà Dương Thị Trúc Bạch, nguyên hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho rằng giáo dục yêu nước cho học sinh phải từ cái nhỏ nhất khi vừa bước chân vào trường. Giáo dục các em yêu nước thì trước hết các em phải yêu đồng phục, yêu mái trường của mình và từ chỗ hiểu trường mình, yêu trường mình thì mới nhân lên đến yêu đất nước”.
Với kinh nghiệm từng làm quản lý ở trường THPT, bà Bạch cho rằng “muốn giáo dục học sinh thượng tôn pháp luật thì trước hết phải dạy các em thực hiện tốt những nội quy nhỏ nhất trong trường, từ việc đến cổng trường phải xuống xe, bỏ mũ ra rồi mới vào trường, gặp thầy cô cúi đầu chào… Dạy các em ý thức, nghiêm túc với nội quy của nhà trường thì sau này ra đời, các em sẽ trở thành những công dân tôn trọng pháp luật”.
Nhiều ý kiến của các đại biểu tham dự cho rằng muốn giáo dục đạo đức, ý thức công dân của học sinh cần có sự thay đổi trong phương pháp dạy các môn đạo đức công dân cũng như các môn khoa học xã hội, văn hay lịch sử. Ngoài ra, nội dung sách giáo khoa cũng như bản thân các giáo viên cũng phải có điều chỉnh để góp phần định hướng tốt hơn cho những công dân tương lai của đất nước.
Lê Phương
(Email: lephuong@dantri.com.vn)