Huế:

"Báo động đỏ" việc HS giảm mạnh tại trường ngoài công lập

(Dân trí) - Nhiều trường ngoài công lập tại Huế gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Số học sinh tuyển vào chỉ đạt được trên dưới 20% là một điều đáng báo động cho hệ thống trường này.

Số liệu trên được đưa ra trong Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện nhiệm vụ văn hóa - xã hội 2013 trình HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế kỳ họp thứ 7 khóa VI diễn ra từ ngày 10-12/12. Trong 5 năm qua, đã có thêm 4 trường THPT và 3 trường trung cấp tư thục đi vào hoạt động nhưng đang gặp nhiều khó khăn, nhất là trong công tác tuyển sinh.

Cụ thể trong năm học 2013-2014 này, Trường THPT Trần Hưng Đạo tuyển được 50/270 học sinh (HS), đạt 18,5%, Trường THPT Chi Lăng được 25/120 đạt 20,8%, Trường THCS&THPT Huế Star tuyển chỉ được 22/90 đạt 24,4%. Đặc biệt, Trường THPT Thế Hệ Mới không tuyển sinh được. Đáng buồn hơn, Trường THPT Nguyễn Trãi đã phải giải thể vì HS không đủ nhiều năm qua.

Học sin Trường THCS&THPT Huế Star trong giờ hoạt động ngoại khóa.

Học sin Trường THCS&THPT Huế Star trong giờ hoạt động ngoại khóa.

Tình trạng tuyển sinh thấp dần trong 2 năm trở lại đây đã xuất hiện tại các trường ngoài công lập, nhưng phải đến năm học này, con số HS ít ỏi vào trường là điều đáng “báo động đỏ”. Vì nếu năm sau tình trạng bết bát hơn, nhiều trường sẽ đứng trước bờ vực giải thể, hay hoạt động thoi thóp.

Theo các chuyên gia trong ngành giáo dục, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này. Như học phí trường ngoài công lập cao hơn, chất lượng đào tạo dù đã có rất nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa thực sự tạo được sự tin tưởng của nhiều phụ huynh. Một số trường quốc tế ngoài công lập dù đào tạo tốt, tuy nhiên với mức chi phí để học là khá cao, trong thời kỳ kinh tế khó khăn đã tác động đến các gia đình khá giả phải xem xét, suy tính.

Một yếu tố quan trọng nữa là trong kỳ tuyển sinh vào cấp 3 vừa qua, nhiều trường công lập đã lấy gần như “vét” số HS vào học với điểm thi thấp kỷ lục. Như Trường THPT Đặng Trần Côn (tại TP Huế) đã lấy cả những thí sinh có 5 môn với tổng điểm chỉ vỏn vẹn 1,25 (trung bình 1 môn là 0,25 điểm) để vào học. Nguyên do là thí sinh đăng ký vào không đủ nên phải lấy hết. Chính điều này nên số HS còn lại để vào các trường ngoài công lập không đáng là bao.

Ông Phan Công Tuyên, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh đã đề nghị HĐND, UBND quan tâm hơn với khối trường ngoài công lập. “Riêng ngành Giáo dục và Đào tạo cần tham mưu cho lãnh đạo tỉnh hướng giải quyết hợp lý để tiếp tục phát huy xã hội hóa giáo dục đào tạo” - ông Tuyên cho hay.

 

Nên tuyển dụng giáo viên là người trong tỉnh

Tuy có nhiều biện pháp cải thiện nhưng chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đồng đều giữa các vùng. Trong năm học mới, cả tỉnh Thừa Thiên - Huế giảm 3.000 HS so với năm học trước. Một số nơi có sĩ số HS/lớp thấp so với định mức của Bộ GD&ĐT, dẫn đến tình trạng thừa giáo viên.

Chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên hàng năm ở Huế hiện rất ít, nhưng trong thực tế vẫn còn tuyển dụng người ngoài tỉnh. Ban VH-XH đã đề nghị tỉnh có chính sách ưu tiên trong tuyển dụng giáo viên đối với con em tốt nghiệp ĐH loại giỏi. Và đặc biệt quan tâm con em dân tộc thiểu số 2 huyện miền núi Nam Đông, A Lưới và các huyện có vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh TT-Huế. Tỉnh nên chú trọng hơn đến chất lượng thật sự và tinh thần trách nhiệm, mẫu mực đạo đức của nhà giáo dù số lượng đạt chuẩn và trên chuẩn khá tốt: 99,4% và 67,2%.

Đại Dương