“Bao Công” giáo dục - đâu rồi?
Giữa những ồn ã của công cuộc chống tiêu cực hiện nay, điều mà mọi người khá “ngạc nhiên” là vai trò thể hiện quá mờ nhạt của lực lượng thanh tra các cấp của ngành giáo dục - đào tạo. Vì sao vậy?
Do năng lực, đạo đức của thanh tra kém cỏi? Họ bị vô hiệu hóa? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bà Đặng Huỳnh Mai, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, phụ trách thanh tra.
Trách nhiệm thanh tra - tới đâu?
Thưa thứ trưởng, theo Luật Giáo dục, thanh tra giáo dục được giao ba nhiệm vụ: thanh tra việc thực hiện chính sách và pháp luật về giáo dục; thanh tra việc thực hiện mục tiêu, kế hoạch, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, quy chế chuyên môn, thi cử, cấp văn bằng chứng chỉ; thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại và tố cáo. Xem ra, nhiệm vụ thì nhiều! Thế mà, hiện nay chính những tiêu cực của nền giáo dục đang xói mòn niềm tin của nhân dân. Thanh tra chịu trách nhiệm tới đâu?
Thanh tra chịu hai trách nhiệm: Một là chưa kịp thời và đầy đủ các sự việc. Hai là thanh tra chỉ có trách nhiệm kiến nghị xử lý. Còn xử lý thanh tra là của người trực tiếp quản lý theo quy định chung của nhà nước. Ngoài ra, nhiệm vụ thì nhiều nhưng lực lượng thanh tra lại mỏng: chỉ có khoảng 5 cán bộ chuyên trách trong 1 sở.
Không đủ người đảm đương nhiệm vụ, sao thanh tra lại “im lặng”?
Đâu có im lặng. Nhờ kiến nghị nhiều mới được như thế. Ngày nay còn có nghị định về thanh tra giáo dục rồi đó.
Thanh tra nhân dân tại các trường, nhất là ở những trường có vấn đề thường bị “vô hiệu hóa” bởi hiệu trưởng. Phải chăng, do “nồi cơm” của họ lệ thuộc vào quyền sinh sát của hiệu trưởng, nên ít ai dám nói ngược?
Có lẽ chỉ đúng một phần nhỏ đối với những trường có vấn đề. Thanh tra nhân dân là do đại hội công chức bầu ra. Nếu người được bầu có bản lĩnh, tập thể sư phạm mạnh lên thì sẽ không có những hiệu trưởng kiểu như thế này.
Bà đánh giá lực lượng thanh tra giáo dục của mình ra sao?
Nếu nói theo một nghĩa nào đó thì thanh tra cũng đã làm được nhiều điều từ việc kiểm tra thường xuyên ở góc độ chuyên môn đến công tác thanh tra toàn diện, thanh tra trọng điểm, những vấn đề nổi cộm… Nhưng nếu hỏi thanh tra có đủ độ tin cậy để mỗi người như một “Bao Công” hay chưa thì cũng phải thành thật mà nói rằng chưa được và cần phải phấn đấu nhiều.
Góc nhìn của bà có “màu hồng” không? Trong lúc đó tại TPHCM, Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Công Minh đã lên tiếng than phiền về đội ngũ thanh tra dưới quyền ông: trước nhiều vụ việc tiêu cực, đã không phát hiện được gì cả! Rất nhiều băn khoăn của các nhà giáo sau câu phát biểu này! Năng lực, đạo đức của thanh tra yếu kém!? Hay họ bị hy sinh… !?
Có lẽ thanh tra chúng tôi cần phải nỗ lực hơn nữa thì mới có thể đáp ứng yêu cầu của ngành cũng như của nhân dân và xã hội.
Niềm tin vào thanh tra - còn không?
Chúng tôi được biết, trong hai tháng phát động “Nói không với tiêu cực”, số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo trong giáo dục đã tăng rất nhiều - đến 512 vụ! Sao vậy? Vì trước đây, họ không tin có công lý ngay trong ngành giáo dục?
Công lý thì luôn luôn phải có và tồn tại. Nhưng có điều để tìm ra được chân lý nó còn tùy thuộc vào nhiều vấn đề. Ông bà mình cũng thường nói: Có ở trong chăn mới biết chăn có rận.
Nhưng, rõ ràng có tiềm ẩn những vấn đề nội bộ tại cơ sở, mà do thiếu lòng tin vào thanh tra, nên có cơ hội là bộc phát?
Theo tôi, phải nói là trước hết người ta thiếu lòng tin vào chính tập thể mà mình đang gắn bó và làm việc. Chẳng hạn nếu người ta tin vào ban lãnh đạo nhà trường, chi bộ, công đoàn, đoàn thanh niên thì các nhà giáo sẽ đấu tranh tại chỗ. Sức mạnh của quần chúng, sức mạnh của dân chủ cơ sở là vô cùng quan trọng. Người ta tin vào thanh tra thì mới khiếu nại, nếu không tin thì đã thưa vượt cấp rồi. Nhưng thành thật mà nói thì sự thiếu lòng tin vào thanh tra cũng có.
Chính vì vậy, đến khi báo chí vào cuộc thanh tra mới lật đật chạy theo?
Đó là những chỗ báo chí vào cuộc, còn có nhiều chỗ thanh tra làm không có báo chí đi theo. Tuy nhiên đôi khi chúng tôi cũng phải nói với nhau là không có gì qua được tai mắt của nhân dân. Bác Hồ cũng đã nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Bản lĩnh thanh tra - làm sao có?
Thế thì, cơ chế nào để giúp thanh tra nắm tình hình tại cơ sở?
Điều này đòi hỏi thanh tra phải có nghiệp vụ và nghệ thuật. Người làm công tác thanh tra cũng phải biết yêu và chăm chút công việc của mình. Vấn đề quan trọng hơn hết đối với thanh tra ngành giáo dục đào tạo là phải xây dựng hành lang pháp lý mang tính khả thi cao để mọi người tự giác thực hiện và có thể dựa vào đó mà thanh tra.
Mặc khác, cơ sở mỗi nhà trường phải mạnh từ ban giám hiệu đến chi bộ, công đoàn, đoàn thanh niên, kể cả từng tổ bộ môn và bản thân giáo viên. Trên cơ sở đó, thanh tra thường xuyên được tăng cường để ngăn ngừa, ngăn chặn tiêu cực phát sinh thì sẽ tốt hơn nhiều.
Theo bà, cơ chế nào đang trói tay thanh tra?
Đó chính là ý chí và bản lĩnh của những nhà giáo trong điều kiện khó khăn như hiện nay nên “Cái khó bó cái khôn” .
Tức là, bà hài lòng với cơ chế hoạt động hiện nay của thanh tra?
Không ai bằng lòng với những gì mình đang có cả. Chúng tôi luôn nhìn cả hai mặt được và chưa được. Nhưng nếu nhìn nhận một cách khách quan thì cái chưa được hiện đang trội hơn rồi.
Tuy nhiên, tôi mong muốn rằng cán bộ thanh tra giáo dục trước hết phải yêu nghề và thật sự yêu thương con người như bác Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Càng yêu nghề bao nhiêu, ta càng yêu người bấy nhiêu”, cho dù đó là những người chưa tốt, có như thế thanh tra mới dám đánh những đòn “trí mạng” vào người xấu để họ bừng tỉnh mà sống lại hoặc rèn luyện lại theo bản chất tốt đẹp của một nhà sư phạm.
Và tất nhiên trong đó có yếu tố bảo vệ người lương thiện. Mà muốn làm được điều này thì chúng tôi phải phấn đấu và rèn luyện: “Học, học nữa, học mãi”.
Theo Mai Lan
Sài Gòn Giải Phóng