Bằng điểm sàn chưa chắc đã trúng tuyển đại học

(Dân trí)-Trao đổi với báo chí sau khi công bố điểm sàn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Với mức điểm sàn năm nay, số thí sinh dư trên sàn là 238.768 em. Các trường xét tuyển từ cao xuống thấp nên có khả năng nhiều thí sinh đạt điểm sàn nhưng vẫn trượt ĐH”.

Về cách xác định điểm sàn năm nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, từ khi có Thông tư 57, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường do các trường tự xác định trên tiêu chí đảm bảo chất lượng, năng lực tối đa của các trường. Do đó cách xác định điểm sàn cũng phải thay đổi cho phù hợp. Do vậy, Hội đồng điểm sàn quyết định xác định điểm sàn theo cách mới, dựa vào phổ điểm thi của thí sinh (tổng điểm bình quân của các thí sinh thay vì chỉ căn cứ vào chỉ tiêu như trước đây).

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.

Thưa Thứ trưởng, với cách tính điểm sàn như năm nay là không dựa vào chỉ tiêu như trước đây, liệu có gây ra tình trạng dư hoặc thiếu nguồn tuyển của các trường so với chỉ tiêu được giao hay không?

Theo mức điểm sàn năm nay, số lượng dôi dư thí sinh so với mức điểm sàn rất lớn. Cụ thể, hệ đại học, chỉ tiêu là 323.681 chỉ tiêu, số thí sinh đạt điểm sàn trở lên là 562.449. Số dư so với mức sàn là 238.768 (tăng hơn 100.000 so với năm 2012). Hệ Cao đẳng, chỉ tiêu 256.886, số thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên là 419.291. Số dư là 162.405.

Điểm sàn năm nay xác định trên phổ điểm của thí sinh chứ không xác định trên chỉ tiêu như mọi năm. Do vậy, thí sinh có thể dư với chỉ tiêu hoặc có thể thấp hơn chỉ tiêu, tùy thuộc vào chất lượng thí sinh hàng năm, ưu tiên đầu tiên cho chất lượng chứ không phải ưu tiên cho chỉ tiêu nữa. Các trường có thể tuyển đủ hoặc không đủ thí sinh theo chỉ tiêu theo đăng ký. Như vậy, có nghĩa là không phải tất cả thí sinh trên điểm sàn là vào học, các trường sẽ tuyển từ trên xuống dưới. Điểm sàn là 13 nhưng các trường tuyển thí sinh từ 18 - 19 điểm vào học.

Tùy vào các trường với sức hút của mình, uy tín của mình tuyển học sinh có chất lượng cao hay thấp, chứ không phải xác định điểm sàn như vậy là tất các thí sinh được vào học đại học.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.


Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT ra đề thi dễ để có điểm thi cao nhằm mục đích “cứu” với các trường ngoài công lập? Thứ trưởng nghĩ sao?

Năm nay, điểm thi tốt hơn là phổ điểm dịch chuyển dần về phía tay trái, nhiều thí sinh điểm cao, nhưng vẫn có nhiều thí sinh có điểm thi thấp như vậy đề thi không dễ, có tính phân loại cao. Phổ điểm chứng minh cho thấy đề thi hợp lý. Năm tới, Bộ sẽ tiếp tục ra đề thi như năm nay.

Vậy trong trường hợp các trường ngoài công lập vẫn không tuyển sinh được, Bộ GD-ĐT có phương án nào để giúp các trường?

Bộ GD-ĐT đã tạo một sân chơi chung cho tất cả các trường. Bộ không thể lo chuyện một vài trường nào đó tuyển chưa đủ chỉ tiêu. Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường không phải là chỉ tiêu pháp lệnh, mà là tính toán theo năng lực tối đa của mỗi trường, vì vậy có thể tuyển đủ hoặc ít hơn. Ngoài nguồn tuyển, việc các trường tuyển sinh được hay không còn dựa vào nhiều yếu tố khác như: Uy tín của trường, cơ cấu ngành nghề trường đào tạo, vị trí địa lý, và sự đánh giá, nhận thức của nhân dân đối với nhà trường cũng như việc xác định khả năng cho con theo học…

Với những trường tốp trên, Bộ có phương án gì để giúp các thí sinh đạt điểm giỏi mà vẫn không trúng tuyển nguyện vọng 1 không?

Các trường tốp trên, có nhiều thí sinh đạt điểm cao năm nay có trường ĐH Y Hà Nội, ĐH Y dược TPHCM. Tính về số lượng thì hai trường này có nhiều điểm cao vì các thí sinh xuất sắc tập trung hầu hết ở đây. Còn nếu phân bố ra các trường thì mỗi trường sẽ chỉ có 1, 2 em. Hai trường này sẽ có phương án để điều chỉnh chỉ tiêu giữa các khối, ngành, sao cho tiếp nhận được những thí sinh giỏi nhất. Bộ GD-ĐT chỉ quản lý tổng chỉ tiêu.

Riêng đối với Trường ĐH Y Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế và nhà trường. Sau cuộc họp này, chúng tôi đã kết luận hai nội dung: Thứ nhất là không cấp chỉ tiêu ngoài ngân sách, thứ hai là tổng chỉ tiêu vào trường năm nay sẽ không thay đổi. 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.

Năm nay, ở khâu xét tuyển có sự đổi mới so với năm trước là thời hạn xét tuyển được rút ngắn xuống, Bộ có phương án gì để kiểm soát các trường trong đợt xét tuyển này không?

Năm nay, Bộ sẽ kiểm soát chặt chẽ chỉ tiêu của các trường vì Bộ đã nói, các trường đã xác định chỉ tiêu dựa trên năng lực tối đa của mình rồi nên không thể tuyển vượt chỉ tiêu mình đã đăng ký.

Bộ sẽ có đợt thanh kiểm tra sau khi các trường xét tuyển, trường nào vi phạm chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị phạt nặng để đảm bảo cho các trường tốp dưới không gặp khó khăn về nguồn tuyển.

Năm nay, Bộ quy định điểm trúng tuyển nguyện vọng sau không được thấp hơn nguyện vọng trước, điều đó cũng hạn chế và tạo rào cản không cho trường top trên hạ điểm chuẩn.

Dư luận những năm trước từng phản ánh, Bộ GD-ĐT giấu phổ điểm, điều đó cho thấy Bộ không minh bạch, công khai. Vậy năm nay, Bộ có công bố phổ điểm không?

Năm nay, Bộ sẽ công bố công khai phổ điểm để cho xã hội cùng kiểm tra, tính toán, giám sát chất lượng của thí sinh, với phổ điểm ấy thì bất cứ ai cũng có thể biết được điểm sàn là bao nhiêu. Từ nay chúng ta sẽ sử dụng phương án này để tính toán điểm sàn cho những năm sau.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Hồng Hạnh (ghi)
 
Bạn đọc có thể tham khảo phổ điểm thi và tổng hợp kết quả thi ĐH,CĐ năm 2013 của Bộ GD-ĐT tại đây

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm