Bản sô-nát nơi đồng chiêm trũng

(Dân trí) - Cứ đến mỗi tối, sau luỹ tre làng, người dân trong xã Ninh Mỹ, Hoa Lư, Ninh Bình lại được nghe những âm nhạc bác học “đắt tiền” như Sonat Ánh trăng, Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ từ piano, violon... vang lên dìu dặt. Từ những bản nhạc này, đã có hàng trăm em thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ.

Hai ông đồ “gàn” và lớp học “xa xỉ”

 

Những bản nhạc giao hưởng bác học đó hồi đầu đã làm những người nông dân, chân lấm tay bùn lạ lẫm, khó chịu, lâu dần thành quen, thành "nghiện". Đó là tiếng đàn của 2 ông thầy "gàn" Nguyễn Quyết Thắng và Nguyễn Văn Bôi. 

 

Vốn là học sinh trường Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội (nay là Nhạc viện Hà Nội) nhưng sau đó ông Nguyễn Quyết Thắng lại trở thành một kỹ sư lâm nghiệp. Tuy đổi nghề, song niềm đam mê âm nhạc vẫn cuộn chảy trong ông.

 

Ngay sau khi nghỉ hưu, ông đã dành thời gian tĩnh dưỡng tuổi già gây dựng lại niềm đam mê nhạc của mình. Với cây đàn Organ S90 đã gìn giữ nhiều năm, ông đã dành tiền nghỉ hưu của mình đầu tư thêm cây violon mới để thực hiện niềm đam mê này. Trẻ con trong làng, trong xóm kéo đến xem rất đông, tiếng đàn của ông đã giữ chân bọn trẻ khỏi đi tắm nắng, tắm ao.

 

Say mê với tiếng đàn của ông, nhiều học sinh ngoài giờ lên lớp đã đến nhà nhờ ông dạy cho cách đánh đàn. Mới đầu có dăm ba em, dần dần, học sinh kéo đến rất đông vài chục em và thành một lớp học nhạc. Đến năm 1995, vào một ngày đẹp trời lớp học năng khiếu âm nhạc đã được ra đời.

 

Đến năm 2001, ông Nguyễn Văn Bôi, người bạn vong niên của ông Thắng (cùng làm cán bộ lâm nghiệp ở Thanh Hóa) ra Ninh Bình thăm bạn. Vốn là người mê nhạc từ nhỏ, ông Bôi đã bị mê hoặc bởi tiếng violon và lớp học nhạc của ông Thắng. Ông đã đi đến một quyết định từ bỏ cuộc sống ở thành phố Thanh Hoá ra Ninh Bình để thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc của mình. Ông Bôi đã mua căn nhà nhỏ cạnh nhà ông Thắng để vui sống tuổi già với người bạn tâm giao.

 

Tiếng piano, violon vang lên trầm bổng và dìu dặt ở vùng đồng quê, người biểu diễn là thầy Thắng, vừa biểu diễn, vừa ngất ngây theo điệu nhạc. Còn thầy Bôi đang tung tẩy cùng cây đàn violon cất lên những tiếng đàn réo rắt. Hai thầy giáo già của làng đang biểu diễn mào đầu để bọn trẻ con trong làng phấn khích hơn trong việc học nhạc…

 

Đã có lớp thì phải có dụng cụ để học. Hai ông đã đi khắp mọi nơi để tìm mua các cây đàn cũ về sửa lại. Ông Bôi đạp xe đi khắp tỉnh, còn ông Thắng rong ruổi với chiếc xe máy cà tàng hiệu Simson để "săn lùng" nhạc cụ. Hễ nghe tin ở đâu đó, dù xa đến mấy, có người bán nhạc cụ cũ hoặc đã hỏng là 2 ông mua về để sửa lại cho các em học.

 

"Tích tiểu thành đại", đến nay nhạc cụ ở đây kể ra thì đến nhiều nhạc sĩ cũng phải thèm, 5 chiếc đàn Piano, 7 chiếc Violon và 16 chiếc Organ, 7 ghi ta… với xuất xứ từ Đức, Pháp, Trung Quốc…

 

Để dạy một cách quy củ và bài bản, 2 thầy giáo già đã lùng mua các quyển dạy nhạc và tự soạn bộ giáo trình dạy nhạc để các em học 1 cách nhanh nhất.  Một loại nhạc bác học, tưởng chừng như xa xỉ với những miền quê nghèo khó, lại được "phổ cập" và phát triển ở vùng quê chiêm trũng Ninh Mỹ.

 

“Lò luyện” không học phí

 

Bản sô-nát nơi đồng chiêm trũng - 1

Thầy Thắng đang dạy Organ.

Thời gian trôi qua, lớp học "âm nhạc" sau lũy tre làng này  đến nay đã có hơn 100 em thi đỗ vào Nhạc viện Hà Nội, Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội và Trung cấp âm nhạc như em Ngọc Quy, Lã Tuyết Mai - Nhạc viện Hà Nội, Nhạc sĩ Đức Minh (ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội), Lê Xuân, Nguyễn Hoài Linh (ĐH Sư phạm khoa Nghệ thuật). Đặc biệt năm 2006, tại lớp học làng này có 4 học sinh đã đoạt giải trong cuộc thi đàn organ ở khu vực phía Bắc.

 

Ngoài ra, đã nhiều năm lớp khuyến nhạc này đã là nòng cốt văn nghệ của địa phương, tại các cuộc thi văn nghệ của huyện, tỉnh đều đọat giải nhất  và không ít lần đã làm khó ban giám khảo với những tác phẩm giao hưởng cổ điển của đàn piano, violon.

 

Điều đặc biệt nhất của lớp học là không thu học phí. Ông Thắng tâm sự: "Tôi không có tham vọng gì nhiều. Đây là niềm đam mê của mình và được truyền thứ đam mê đó cho người khác là mãn nguyện lắm rồi. Hơn nữa, học nhạc tức là học cái đẹp của âm thanh, gõ vào tâm hồn, khơi gợi sự rung động. Đó là học làm người".

 

Cô bé Sơn học piano mới có hơn 1 tuần mà đã đánh được bản "Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ" - bản nhạc mà 1 sinh viên năm thứ 3 khoa âm nhạc mới tiếp cận. Tuy nhiên, em vẫn không theo học được vì gia đình quá khó khăn.

 

Cũng nhờ âm nhạc nên đã làm thay tâm đổi tính những cậu bé được coi là ngỗ nghịch. Huy, một cậu bé đã từng là nô lệ của chích hút, phải vào cai nghiện ở Trại Giáo dưỡng Ninh Khánh… ra khỏi trại cai nghiện, cậu vẫn bị ám ảnh bởi thứ ma túy chết người kia. Thế rồi, nhờ tham gia các khóa học ở lớp nhạc này, nên không những Huy từ bỏ được ma túy mà còn là một tay đàn cừ khôi… và hiện nay trở thành một sinh viên của Nhạc viện Hà Nội. Gần đây, Huy thường trở lại lớp nhạc giúp thầy dạy nhạc cho các em.

 

Được biết, xã Ninh Mỹ là 1 trong 3 xã có nhiều đối tượng nghiện ma túy nhất. Nhưng âm nhạc của 2 ông đồ "gàn" đã lan tỏa tới thanh niên và cả những người già trong xã đã kéo đến lớp nhạc này để học tập âm nhạc và sinh hoạt văn nghệ.

 

Lớp học cộng đồng “đồ-mi-vi tính”

 

Bản sô-nát nơi đồng chiêm trũng - 2

Lớp học âm nhạc vi tính của xã Ninh Mỹ.

 

Lớp học "khuyến nhạc" hoạt động được 7 năm thì TTHTCĐ xã mới được thành lập. Và lớp học nhạc này điểm xuất phát đầu tiên và là thế mạnh của TTHTCĐ.

 

Ông Nguyễn Đức Dục, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Khi THHTCĐ thành lập, chúng tôi đưa lớp nhạc vào hoạt động, ý tưởng này không được thuận lợi, cho rằng THHTCĐ chỉ là sản xuất, trồng trọt chứ không phải là lớp nhạc vì nhạc này chỉ dành cho con nhà giàu. Nhưng đến nay, hầu hết thanh thiếu niên của xã đều biết chơi ít nhất là 1 loại nhạc cụ vì nhạc không chỉ là lời ca tiếng hát cho thanh niên mà đây còn là sân chơi âm nhạc cho nhân dân trong xã".

 

Từ ý tưởng lớp nhạc, Ban quản lý TTHTCĐ đã nảy ra ý tưởng phải "phổ cập vi tính toàn xã". Ý tưởng thì hay, nhưng tiền thì lấy đâu ra? Thấy tâm huyết của bố hết lòng vì cộng đồng, con trai ông Thắng là Giám đốc doanh nghiệp Đài Bắc đã đầu tư gần 20 cái máy tính để ủng hộ TTHTCĐ.

 

Khi có lớp tin học, ông Thắng đã mời một số cử nhân tin học và sinh viên trong xã về nghỉ hè tham gia giảng dạy. Học sinh ít tuổi nhất học ở đây là 5 tuổi, còn người lớn nhất theo học đã gần 70 tuổi. Đặc biệt là nhiều thầy cô giáo của trường tiểu học và THCS của xã cũng hào hứng theo học.

 

Với tác dụng đó, BQL trung tâm đã thuyết phục được UBND xã Ninh Mỹ đưa vào Nghị quyết: Bắt buộc các cán bộ dưới 40 tuổi của xã đều phải học vi tính và ngoại ngữ. Tuy 2 lớp học vi tính và âm nhạc thuộc TTHTCĐ của xã nhưng lại đều đóng tại nhà ông Thắng và ông Bôi vì hiện nay TTHTCĐ chưa có trụ sở, các lớp học chính sách, pháp luật, y tế… đều nhờ UBND xã.

 

Nhớ lại ngày đầu thành lập Trung tâm, ông Dục cho biết: “Khi thành lập Trung tâm, ngoài những chiếc đàn của 2 thầy thì cơ sở vật chất không có gì. Chúng tôi chia nhau đi xin được 10 bộ bàn ghế, 1 bảng đen cùng với  hơn 2 triệu đồng mà Tỉnh hội và huyện Hội cho.

 

Đầu tiên, Trung tâm đi mua đầu đĩa VCD về chiếu cho nhân dân xem cách nuôi ba ba, trồng trọt, đan lát đến thể thao… để mọi người học hỏi. Khi mở các lớp nghề, Trung tâm còn trích ra cho mỗi người đi học 30.000 đồng từ ngân sách của Trung tâm để lôi cuốn nhân dân tới học. Hiện nay, từ những lớp nghề này nhiều hộ gia đình đã thu được hơn 30 triệu đồng/năm”.

 

BQL Trung tâm là những người rất nhạy cảm và tâm huyết nên sau 4 năm hoạt động, TTHTCĐ xã có hơn 2 lượt vạn người đến nghe thời sự, chính sách, pháp luật… Ông Dục cho biết: "THHTCĐ là nơi giáo dục, chính trị, văn hóa của cả xã. Thậm chí tất cả mọi công việc của UBND xã đều qua THHTCĐ. Do đó, quyết tâm của BQL Trung tâm trong thời gian tới là vi tính hóa, ngoại ngữ hóa và cánh đồng 50 triệu cho nhân dân trong xã".

 

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm