Băn khoăn với bút điện tử dạy và học tiếng Anh: Lại độc quyền
Một chiếc bút chấm đọc còn quá nhiều điều chưa rõ ràng cả về xuất xứ, chất lượng nhưng lại là sản phẩm duy nhất được ban chỉ đạo đề án dạy và học ngoại ngữ chọn giới thiệu cho các trường.
Khi Bộ GD-ĐT công bố năm đơn vị có bút chấm đọc đã được Bộ GD-ĐT thẩm định và đạt chất lượng tối thiểu, đơn vị từng độc quyền cung ứng bút chấm đọc Robot Teacher đã lên tiếng phản ứng. Những đơn vị khác bức xúc cho rằng chính Robot Teacher mới “mập mờ về nguồn gốc”.
Bút chấm đọc Robot Teacher từng được độc quyền vốn chưa được cấp bằng sáng chế. (Ảnh: Việt Dũng)
Mang thương hiệu Việt
Năm 2010, TS Doãn Hà Thắng, hiện là quyền giám đốc Trung tâm vật lý môi trường - Viện Vật lý VN, thông tin cho báo giới về sản phẩm Robot Teacher - một thiết bị nhận dạng, kiểm tra, đánh giá ngữ âm dùng cho dạy và học ngoại ngữ do ông sáng chế theo đề tài nghiên cứu cấp nhà nước. TS Thắng khẳng định đây là “chiếc máy dạy học tiếng Anh hiện đại được đăng ký cấp bằng sáng chế quốc tế và VN”. Nó khác với các loại bút chấm đọc có nguồn gốc Trung Quốc bán trên thị trường VN và ông là người đầu tiên đưa ra sản phẩm “made in Vietnam”.
Năm học 2011-2012, Robot Teacher là sản phẩm duy nhất được ban chỉ đạo đề án dạy và học ngoại ngữ giới thiệu cho các cơ sở giáo dục với lý do “đã được thẩm định về chất lượng”. Không những thế, sách giáo khoa tiếng Anh thí điểm lớp 3 thời kỳ đó đã đặt logo của sản phẩm Robot Teacher ngay bìa 1 của sách giáo khoa. Trên bìa 4 của cuốn này ở mục hướng dẫn những đồ dùng dạy học (cần có khi dạy học chương trình thí điểm) có liệt kê cụ thể thiết bị Robot Teacher. Với cách “danh chính ngôn thuận” này, Robot Teacher thật sự “đồng hành” cùng đề án chứ không phải đơn vị cung ứng thiết bị dạy học độc lập.
Tuy nhiên, chỉ khi chuyện lùm xùm giữa các đơn vị cung ứng bút chấm đọc nóng lên, nhiều phụ huynh mới bắt đầu tìm hiểu kỹ về Robot Teacher. Anh Nguyễn Văn Sơn, một phụ huynh có con đang học thí điểm tiếng Anh tại Trường tiểu học Dịch Vọng B (Hà Nội), cho biết: “Tôi thấy rất lạ khi trên bao bì Robot Teacher lại ghi “invented by Dr Thang in Tokyo, Japan. Assembled in Taiwan” (Sáng chế bởi TS Thắng ở Tokyo, Nhật Bản. Lắp ráp tại Đài Loan). Bao bì cũng in hình Doraemon (nhân vật truyện tranh nổi tiếng của Nhật Bản).
Cùng với dòng chữ trên bao bì “Bộ GD-ĐT giới thiệu và khuyên dùng công cụ học tập trong nhà trường”, nhiều người đều hiểu sản phẩm trên là sáng chế từ Nhật, lắp ráp tại Đài Loan - một sản phẩm ngoại 100%, ngoại trừ tên người sáng chế”.
Theo tìm hiểu của báo Tuổi Trẻ, phản ảnh của phụ huynh trên là đúng. Tuổi Trẻ đã liên hệ với TS Doãn Hà Thắng để tìm lời giải thích về việc này nhưng ông Thắng chưa hồi âm.
Trong khi đó, “Cục Sở hữu trí tuệ đến thời điểm này (19/9/2012) chưa cấp bằng sáng chế cho ông Doãn Hà Thắng”- ông Phạm Mạnh Hào, chánh văn phòng cục, sau khi kiểm tra thông tin tại bộ phận chuyên trách của cục đã cho Tuổi Trẻ biết.
Theo ông Hào, ông Doãn Hà Thắng đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ từ 25/8/2009. Ngày 25/3/2011, Cục Sở hữu trí tuệ đã công bố đơn này trên trang công báo của cục và tiến hành thẩm tra đơn theo đề nghị của ông Thắng. “Theo quy định, tối đa 18 tháng sau khi tiến hành thẩm tra đơn, phải có kết luận làm cơ sở để cấp hay không cấp bằng sáng chế” - ông Hào cho biết. Nhưng tới nay, thời hạn trên đã tới nhưng cục vẫn chưa cấp bằng.
Người dùng hoang mang
“Chúng tôi rất hoang mang khi sản phẩm được Bộ GD-ĐT giới thiệu và từng được khẳng định tốt nhất giờ lại có nhiều điểm không rõ ràng về xuất xứ, nói gì đến sản phẩm của doanh nghiệp khác” - một phụ huynh tại TP.HCM chia sẻ. Hoang mang, nhiều cơ sở giáo dục trả lại sản phẩm đã mua của các đơn vị được Bộ GD-DT thẩm định.
Robot Teacher đắt nhất Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, trên thị trường hiện nay, Robot Teacher không chỉ có giá trên 2 triệu đồng/chiếc mà bán với giá trên 3 triệu đồng/chiếc (theo hóa đơn bán hàng), cao nhất trong số các sản phẩm tương tự. |
Bà Dương Thị Lệ Thu, đại diện Công ty cổ phần Giáo dục và công nghệ TP.HCM, chuyển cho Tuổi Trẻ bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp sản phẩm “bút chấm đọc” của mình được Cục Sở hữu trí tuệ cấp tháng 7-2011 và cho biết công ty bà thiết kế phần mềm và phần cứng trong nước, nhưng lắp ráp tại Trung Quốc. Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, bốn đơn vị mà Bộ GD-ĐT giới thiệu cho các cơ sở giáo dục đều có chứng nhận đáp ứng yêu cầu tối thiểu hỗ trợ dạy học tiếng Anh và có kết quả giám định đạt yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em.
Bà Bùi Nữ Thục Vy, đại diện Công ty THHH đầu tư thương mại Tâm Nhật Minh, cho biết: “Bút chấm đọc của Tâm Nhật Minh có trên thị trường VN lâu rồi. Nhưng chúng tôi không hề biết đến việc đề án ngoại ngữ quốc gia đưa thiết bị bút chấm đọc vào giới thiệu. Đến tháng 8/2011, chúng tôi mới được NXB giáo dục mời đến thẩm định và được tham gia theo chủ trương của lãnh đạo Bộ GD-ĐT”.
Nói về ưu việt của Robot Teacher, TS Thắng cho rằng sản phẩm của ông là “thiết bị nhận dạng, kiểm tra đánh giá ngữ âm” chứ không đơn thuần là “bút chấm đọc” (chỉ có chức năng phát âm) có trên thị trường. Nhưng theo khẳng định của bà Bùi Nữ Thục Vy, “sản phẩm của công ty tôi và các đơn vị khác đều có chức năng kiểm tra”. Về nhận xét của TS Thắng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Đó chỉ là quan điểm riêng của Viện Vật lý. Tất cả các sản phẩm được NXB Giáo Dục thẩm định đều đạt chuẩn tối thiểu theo yêu cầu của bộ và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bản quyền”.
Vẫn “chấm” Robot Teacher?
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, thường trực ban chỉ đạo đề án dạy và học ngoại ngữ, giải thích: “Khi thí điểm, chúng tôi lựa chọn thiết bị mà nó có tính năng, tác dụng phù hợp và có thể thể hiện ở nhiều hình thức khác nhau. Còn khi triển khai đại trà thì mỗi người cần tính năng khác nhau. Trước khi Robot Teacher xuất hiện ở VN, trên thị trường đã có thiết bị đọc điện tử từ mười năm trước đó.
Các nhà cung cấp dịch vụ đã làm từ giáo trình dạy tiếng dân tộc, dạy tiếng Việt, kể chuyện cho trẻ em... có hết rồi. Nhưng đến nay Robot Teacher là thiết bị duy nhất có chức năng đánh giá. Đó là lý do giai đoạn đầu đề án chọn Robot Teacher”.
Trả lời về thông tin của một số đơn vị thử “chức năng đánh giá” của Robot Teacher - cái được xem là ưu điểm nhưng lại cho thấy kết quả thiếu chính xác, ông Hùng cho rằng “công nghệ so sánh giọng nói không phải là 100% đạt chuẩn. Nhưng về cơ bản khoảng 80-90% là nó chấp nhận được. Cái này là cái nghiên cứu chung của thế giới bây giờ là như vậy. Tất cả phần mềm dạy và học ngoại ngữ dùng trên máy tính hiện nay đều như vậy”.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng cho biết không biết chuyện Robot Teacher chưa được cấp bằng sáng chế. Nhưng nếu biết ông vẫn chọn sản phẩm này vì tính năng đánh giá của sản phẩm.
Theo Vĩnh Hà - Đăng Ngọc
Tuổi Trẻ