Bạn đọc nói gì về Bài văn điểm 10?

Ngay sau khi trường ĐH Huế đồng ý cho đăng tải <a href="http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2005/8/72767.vip">bài văn đạt điểm 10 của thí sinh Nguyễn Thị Thu Trang</a>, đã có rất nhiều bạn đọc gửi thư đến chia sẻ ý kiến. Nhiều người khâm phục Trang, nhưng cũng không ít độc giả nhận xét bài văn không có gì mới lạ, không xứng đáng với điểm 10.

Điểm 10 cho một sản phẩm công nghiệp?

 

Theo quan điểm cá nhân tôi, đã gọi là 1 bài văn hay của một học sinh phổ thông được gọi là giỏi văn thì chí ít cũng phải có một chút ít gì gọi là hay, tối thiểu nhất là câu chữ. Khá hơn thì là trình bày lại những giá trị cũ kỹ trong đáp án bằng một văn phong mới. Khá hơn nữa thì là có những cảm nhận riêng độc đáo. 

 

Nhưng có lẽ các thày chấm bài đã chỉ dựa vào tiêu chí đủ ý để cho điểm 10 bài thi này. Ngoài việc (chắc là) viết đúng và đủ ý thì tôi không tìm thấy trong "cảo thơm" kia dù chỉ là 1 đoạn văn thực sự hay, 1 câu văn xuất thần hay chí ít cũng là 1 cảm nhận riêng của người viết.

 

Toàn bộ bài thi làm sống lại trong tôi hình ảnh những đoạn chữ nghĩa hết sức trật tự, ngay ngắn của một quyển “Giải đề thi đại học” vốn rất thịnh hành trong giới học sinh cấp ba cách đây chừng chục năm (Không biết bây giờ các em còn dùng nó không?). Bài văn này có thể khiến những người không tiếp xúc nhiều với môn văn học trong nhà trường phổ thông khâm phục về sự trôi chảy của những kiến thức được trình bày trong đó. Nhưng có lẽ nó không làm một thí sinh khối D hoặc C (có trình độ khá trở lên) nào ngạc nhiên, vì người ta có thể thấy nó ở trong nhiều lời giải mẫu. 

 

Tôi đánh giá bài thi văn này chỉ là một sản phẩm công nghiệp của hệ thống giáo dục hiện tại, được sản xuất hàng loạt và có lẽ nó hơn điểm các bài thi khác chỉ vì nó ít lỗi hơn (hoặc không có lỗi theo quan điểm của trường Huế) mà thôi. Trong tình trạng văn chương học trò "rợn tóc gáy" như hiện nay thì viết được bài văn này cũng là rất đáng khen ngợi, vì sự chăm chỉ mà chủ nhân của nó đã dành cho môn Văn, chứ không phải vì nó là một bài văn quá hay (và để viết ra nó thí sinh cũng không cần phải là một người quá xuất sắc).

 

Chưa kể nếu đọc kỹ thì vẫn có nhiều câu văn sáo rỗng hoặc thuộc lòng đến mức ngô nghê. Chẳng hạn câu cuối cùng “Khổ thơ khép lại nhưng lại mở ra một chân trời mới, tương lai mới trong hành trình chống Mỹ hôm nay: …” Hình như vì giáo khoa thư không thay đổi nên cảm thụ của thí sinh và người chấm vẫn đang bị lạc ở tận một chân trời nào đó.

 

(Dương Minh Việt, duongminhviet@gmail.com)

 

Tôi thích bài văn lạc đề của em Thanh hơn

 

Tôi nghe đồn về bài văn này rất nhiều và thật là tò mò. Nghe nói bài văn này dài 15 trang. Một điều mà 11 năm nay chưa hề xuất hiện. Phải nói rằng bài văn của Trang thực sự xuất sắc. Cách làm bài của em không đơn thuần là liệt kê các mốc thời điểm mà cách nối các sự kiện với nhau rất mạch lạc. Các ý trong bài được trình bày hêt sức hoàn hảo và trọn vẹn như những gì các thầy cô giáo dạy Văn cố gắng truyền tải đến học sinh. 

 

Trên đây theo tôi là 1 bài phân tích tác phẩm. Tuy nhiên, phân tích theo 1 dàn ý đã liệt kê sẵn, có lẽ học sinh chỉ cần học gạch đầu dòng các ý chính. Ngoài ra, không có 1 sự khám phá gì mới mẻ về tác phẩm đó cả.

 

Xin nói thật, tôi thích Bài văn lạc đề của em Thanh hơn. Tuy rằng lạc đề, nhưng đọc còn thú vị hơn 1 bài văn được điểm 10 với những đoạn phân tích cũ rích, cách hành văn sáo mòn.

(Hoàng Mai Trang, 198 Hoàng Văn Thụ ngarecuocdoi@yahoo.com)

 

Nhà trường nên xem xét lại

 

Tôi thấy bài văn ở câu một đã bỏ qua một tác phẩm của ông Xuân Diệu là tập thơ : "Tôi giàu đôi mắt". Trước khi ra tập thơ này Xuân diệu đã thốt lên khóc trong một bài thơ trên báo Nhân Dân (nửa cuối thập kỷ 70/TK20): "...Ôi giột lệ ta chan chứa tình người...". Và ra tập thơ trên kiểu "Đi bài concá".

 

Không biết nhà trường có dạy hay không? Nếu có dạy mà em bỏ qua thì sao được điểm tuyệt đối được! Nếu nhà trường bỏ qua cũng xin cho biết lý do. Mong được xem lại. Kính thư!

(Vũ Linh: Pháp - vu.linh@noos.fr)

 

Bài văn không đáp ứng được niềm mong đợi của tôi

 

Đọc xong bài văn, tôi có nhận xét đây là một học sinh nắm rất vững kiến thức, vững đến mức thuộc lòng, thể hiện em đã thụ hưởng một nền giáo dục hiện có. Qua bài làm của em, tôi có cảm giác đây là một bài văn mẫu nào, do một thầy giáo nào đó đã soạn sẵn ra từ trước. Nhưng sự thực nó không đáp ựng được cái hay mà tôi đón đợi.

 

Tính sáng tạo, có gì mới, có gì đột phá để tạo ra ấn tượng thì không hề có. Tất nhiên là ở mức bài văn học trò. Chắc nếu bài thi này được chấm ở Hội đồng thi Đại học Ngoại Thương Hà Nội thì chỉ được 8,5 đến 9 là quá lắm rồi. Xin các thầy đừng làm hỏng các em ở những con điểm như thế này.

(Nguyen Xuan NamNamngxuan@yahoo.com)

 

Tôi không bất ngờ!

 

Tôi thấy bài của Trang hay nhưng không quá xuất sắc. Có thể các năm trước Hội đồng chấm thi Đại học ở khối trường chuyên xã hội đã gặp những bài thi như thế này tuy không nhiều. Cách đây 4 năm tôi thi vào trường Đại học KHXHNV khối D, bài văn của tôi đạt điểm 9. Không phải là "văn mình, vợ người", nhưng tôi cho rằng cho điểm 10 này tùy thuộc vào từng Hội đồng chấm. Nếu bài văn của Trang xuất hiện ở Hội đồng chấm thi của tôi năm đó, biết đâu chỉ có điểm 9?

 

Nói thế để nhắc lại ý kiến của TS Đỗ Ngọc Thông và nhà phê bình Văn học Phạm Xuân Nguyên, điểm 10 vẫn không nên quá hiếm. Và không nên coi điểm 10 là Thần đồng. Tôi nghĩ có thể các hội đồng thi trước đây đã gặp những bài thi thế này, nhưng có một "phép lạ nào đó" mà họ không thể buông bút cho điểm 10.

(thie^n binh`cty IDS MEDIA  VIETNAM hoant@idsvietnam.com)

 

Một bài văn tuyệt hay!

 

Tôi đã dành ít thì giờ đọc bài văn Ng.Thị Thu Trang. Đúng là 1 bài văn hay và có nội dung sâu sắc. Bài văn thể hiện sự hiểu biết đến sâu sắc về các tác phẩm, về tác giả, về bối cảnh xã hội về con người, về vốn sống của tác giả. Tôi cho rằng, trong tương lai, chúng ta sẽ có 1 nhà văn hoặc 1 nhà phê bình văn học xuất sắc.

 

Tôi nghĩ nhà trường nên tạo cho Trang điều kiện tốt nhất trong quá trình học tập. Bộ Đại học nên cử Trang và các em có điểm thi xuất sắc đi nước ngoài học tập. Tôi tin rằng, 5-7 năm sau chúng ta sẽ có 1 thế hệ công dân tài năng đảm đương sự phát triển của xã hội 1 cách hoàn hảo. Chúng ta sẽ chẳng kém nước Nhật nếu như chúng ta có chiến lược đào tạo nhân tài 1 cách công bằng và minh bạch. Chúc cho cháu Trang thành công và mong được đọc nhiều tác phẩm văn học của cháu. 

(Tien Dung Ha Noi tung_linh_kt@yahoo.com)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm