Bạn đọc báo Dân trí: Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp, giữ lại kỳ thi đại học
(Dân trí) - Góp ý về kỳ thi quốc gia năm 2015, nhiều bạn đọc báo <i>Dân trí</i> cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp, giữ lại kỳ thi đại học và đề xuất phương án thi thứ 4 so với 3 phương án thi quốc gia mà Bộ GD-ĐT đưa ra trưng cầu ý kiến.
Nhiều thí sinh lo lắng về kỳ thi năm 2015 sẽ như thế nào!
Học sinh ở địa chỉ hộp thư kimtochung_vt_296@yahoo... cho biết, sắp đi học đại học,nhưng cháu có nhiều sự tiếc nuối khi thực hiện phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra, cả 3 phương án đều không hợp lý. Quan điểm của cháu là không nên gộp hai kì thi thành một. Nên bỏ kì thi tốt nghiệp phổ thông,thay vào đó sẽ tổ chức 2 kì thi đại học (một là vào đầu tháng 1, hai là vào đầu tháng 7).
Học sinh này lý giải, kì thi tốt nghiệp tổ chức rất tốn kém mà loại chỉ có một vài thí sinh,trong khi đánh giá không đúng chất lượng học sinh. Những học sinh sau khi học hết lớp 12 sẽ được cấp bằng dựa vào điểm của 3 năm cấp 3, không lên lấy kết quả năm cuối vì học tập là cả một quá trình lâu dài,dễ dàng nảy sinh tiêu cực. Cháu thấy mọi người khi đi làm, công ty tuyển dụng ít quan tâm đến bằng cấp 3 cho lắm.
Bên cạnh đó, kì thi đại học có tính phân loại cao, khó kiếm điểm từ 7 trở lên, nhưng kiếm điểm 5 trở lên khá dễ. Vì vậy cháu thấy Bộ nên lấy mức điểm sàn thấp nhất là 18. Nguồn vào không tốt thì đào tạo đầu ra khó giỏi được. Đề thi 2 đợt phải khó bằng nhau để đảm bảo công bằng cho thí sinh. Những ngành không đủ thí sinh, trường có thể tuyển sinh đợt sau.
Tổ chức 2 kì thi sẽ giảm áp lực cho thí sinh rất nhiều. Những thí sinh thi rớt sẽ phải chờ tới 1 năm để thi lại vào ngành, trường mình thích, trong khi áp lực đè lên vai thí sinh, nên thí sinh sẽ chọn học đại một ngành, trường mà mình không thích, trong quá trình học dễ dẫn tới chán nản, nợ nhiều môn rồi bỏ học, gây lãng phí nguồn nhân lực. Rất ít thí sinh dám ôn lại 1 năm để thi.
Còn học sinh lớp 12 ở địa chỉ phanphansokiu@... cho biết năm nay thi đại học, với 3 phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra là hơi quá sức với học sinh. Nếu gộp chung kỳ thi tốt nghiệp với đại học sẽ gây rất nhiều khó khăn như tỷ lệ đậu tốt nghiệp thấp và thậm chí rất thấp; nhiều bạn muốn thi tốt nghiệp xong ra học nghề cũng rất khó; ôn quá nhiều làm học sinh rối bời tâm trí, chi phí học cũng tăng cao nhiều học sinh không có tiền ôn thi… Do vậy, Bộ GD-ĐT nên xét tốt nghiệp chohọc sinh và thi Đại học như bình thường theo khối như trước đây... Đỡ tốn thời gian và tiết kiệm học phí.
Đồng quan điểm với các học sinh, độc giả ở địa chỉ tuongcongthanha4@... cho rằng: Nên bỏ thi tốt nghiệp, giữ nguyên thi đại học.Tốt nghiệp bây giờ chỉ còn là hình thức.Cả 3 phương án Bộ GD-ĐT đưa ra đều không giải quyết được vấn đề nâng cao chất lượng dạy và học, có chăng chỉ tăng áp lực cho học sinh. Bộ đã sửa thì phải sửa từ gốc, sửa không đúng chỗ thì chỉ làm sai càng thêm sai mà thôi. Muốn giáo dục tốt hẳn thì phải tập trung vào biên soạn chương trình phổ thông mới và giáo dục đại học. Bởi chương trình phổ thông của Việt Nam hiện nay quá nặng về lý thuyết. Bên cạnh đó, chương trình giáo dục đại học lạc hậu, học chay.
“Tôi nghĩ 3 phương án thi ĐH như Bộ nêu ra thật sự chưa hợp lí ở thời điểm hiện tại. Thứ 1, phần lớn các em HS lớp 11 - 12 hiện nay đang ôn theo khối và đùng 1 cái mà phải thi theo 1 trong 3 phương án trên thì rất dễ gây áp lực cho các em. Một năm các em không thể chuẩn bị kịp; Thứ 2: những người năm sau thi lại và những người thi liên thông họ đã đi làm vài năm rồi mà bây giờ phải học môn lại thì đó là điều không thể. Tôi nghĩ nên bỏ kì thi TNPT và nên giữ kì thi ĐH như hiện tại.Và nếu muốn tổ chức thi theo 1 trong 3 phương án thì có lẽ phải đợi đến năm 2017 hãy tổ chứ, lúc đó các em HS năm nay lên lớp 10 sẽ có đủ thời gian để chuẩn bị” - độc giả ở hộp thư tuanhaind93@... góp ý.
Đề xuất phương án thi thứ 4!
Cũng không đồng tình với 3 phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra, độc giả tuancan162@... đã đề xuất phương án thứ 4 là: thứ nhất, thí sinh thi 3 môn Toán, Văn, Anh để xét tốt nghiệp phổ thông (để là một lao động phổ thông bình thường cần như vậy là đủ).
Thứ hai, thí sinh tự chọn 1 trong 2 bài thi tổng hợp sau để xét vào đại học.
+ Bài thi Khoa học tự nhiên: Toán-tin (nâng cao)+ Lý + Hóa + Sinh
+ Bài thi Khoa học xã hội: Văn (nâng cao) + Sử + Địa + GDCD
Như vậy thí sinh cũng chỉ phải thi 4 buổi thi. Các bài thi ở phần thứ 1 làm bài trong 90 phút. Bài thi ở phần thứ 2 làm trong 180 phút.
Theo độc giả này, để làm được điều này thì trong năm học tới HS sẽ chỉ học 10 môn là: Toán-Lý-Hóa-Sinh-Tin-Anh-Văn-Sử-Địa-GDCD, có thêm một môn vận động là Thể dục. Với cách thi này thì ta vẫn đảm bảo học sinh được thi theo năng lực cá nhân, và vẫn đảm bảo được HS không bị học lệch nhiều.
Để vào đại học thì cần HS có kiến thức sâu về các môn năng khiếu, không nên bắt các em cào bằng tất cả kiến thức. Cũng không nên cho các em thi cả 11 môn thi rồi lấy kết quả để xét vào ĐH (như phương án 3 của Bộ) vì làm như vậy chỉ làm tăng áp lực không cần thiết cho các em, mà có thể vẫn không chọn được đúng người phù hợp cho trường ĐH.
Về phương án ra đề, theo vị độc giả trên, cứ ra đề môn nào ra môn đấy, không cần phải có câu hỏi tích hợp, điều này giúp giải phóng mối lo ra đề. Với bài thi Khoa học tự nhiên, có môn Toán là thi tự luận, còn 4 môn còn lại thi trắc nghiệm thì làm vào phiếu trả lời trắc nghiệm, trên phiếu đó có 4 khu vực trả lời cho 4 môn, khi chấm cũng sẽ rất đơn giản. Với bài thi Khoa học xã hội thì học sinh sẽ làm 4 môn ra 4 tờ giấy khác nhau cho riêng từng môn, việc chấm bài sẽ đỡ hơn. Thang điểm cho bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội là 20 điểm.
Hồng Hạnh (tổng hợp)