Năm đó, Huỳnh Ngọc Mỹ 17 tuổi, học năm thứ 2 A Trường Huỳnh Khương Ninh (Sài Gòn). Đề bài được thầy giáo Pháp văn đưa ra: “Mô tả một bức ảnh mà anh chị đã ngắm”.
Hồi ức của Ngọc Mỹ đã được cán bộ bảo tàng ghi lại: ngày 19/5/1950, Mỹ thấy ảnh trắng đen của Bác Hồ, tiểu sử và khẩu hiệu “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm” dán trên tường rào ngăn cách các lớp với bên ngoài. Mỹ lẳng lặng xem, đọc rồi đi vào lớp.
Huỳnh Ngọc Mỹ quyết định mô tả bức ảnh ấy, trên một tờ giấy chiếc, bằng bút chì: “Ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tường của trường tôi. Đó là một người khoảng 60 tuổi. Người có hàm râu thưa hơi dài. Trán Người rất cao chứng tỏ một khuôn mặt cương quyết, thông minh và hiền dịu. Đôi mắt sáng như sao trong đêm 30. Mũi của Người hơi dài và cao. Tóc Người trải dài theo vành tai rộng. Da mặt nâu và nhăn. Gương mặt Người cho ta thấy một con người lao động cần cù và có một cuộc sống gian khó. Cái nhìn của Người trong sáng, vầng trán của Người bao la, dường như say mê trong niềm mơ ước của một người cống hiến cả thể xác lẫn tinh thần cho Tổ quốc”.
Hai tuần sau, thầy Lê Văn Vị, giáo viên Pháp văn trả bài cho cả lớp. Riêng Mỹ, thầy gọi lên nói riêng: “Con à, con gặp thầy con mới làm nội dung như vậy được, chứ nếu gặp ông thầy khác thì con vào bót Catinat”. Bài viết được phê là “bài làm văn đặc biệt” bằng mực đỏ, cũng chỉ thầy và Mỹ biết.
Bà Hà Thị Tâm, vợ giáo sư Lê Văn Vị, vào năm 1986 có viết thư cho Bảo tàng TPHCM: “Tôi có biết cháu Mỹ là học sinh của trường, vì lúc còn sống chồng tôi có nhắc đến cháu Mỹ là người có đầu óc cách mạng. Thỉnh thoảng cháu có đến thăm thầy. Sau giải phóng, cháu đến thăm gia đình tôi, có đem theo bài luận văn làm vật kỷ niệm cho chúng tôi xem tỏ lòng kính nhớ ơn thầy”.
Mỹ lớn lên ở quê nội: xã Phú Chánh, lúc đó là tỉnh Thủ Dầu Một. Nơi đây là căn cứ địa chống Pháp. Thỉnh thoảng có đoàn văn công về xã trình diễn văn nghệ cho đồng bào xem. “Khi tốp thiếu nhi ca kết thúc buổi trình diễn bằng bài hát Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn các em nhi đồng, lòng tôi bồi hồi xúc động. Mãi sau này tôi vẫn thường nghe lén qua Đài Phát thanh Hà Nội và đôi lúc hát cho mình nghe - bà Mỹ kể lại với cán bộ bảo tàng - Lúc đó tôi vẫn chưa hiểu rõ về Bác Hồ, chỉ thỉnh thoảng nghe (lén) các chú, các bác cán bộ (bấy giờ họp ở nhà của nội tôi) kể chuyện Bác Hồ với tình cảm quí mến và khâm phục. Hình ảnh đó mỗi ngày thâm nhập vào tâm tư tình cảm của tôi”.
Ngày viết bài văn (lúc ấy gọi là bài luận văn), tâm trạng cô nữ sinh cũng rối bời suy nghĩ. Nhưng rồi Mỹ tính: có tả hình Bác mà bị bắt bẻ thì cũng có thể trả lời “Vì quê ở Thủ Dầu Một xuống đây chưa thấy hình nào được dán khắp nơi như hình Bác, thấy sao tôi viết vậy”. “Mặt khác tôi cũng muốn xem ý thầy có cảm tình với cách mạng không?”, bà Huỳnh Ngọc Mỹ kể.
Chúng tôi tìm đến Trường Mầm non 1 nơi trước đây bà Huỳnh Ngọc Mỹ làm quản đốc (nay trường là làng thiếu niên Thủ Đức) thì được biết bà Mỹ đã qua đời.
Bài văn 57 năm trước của cô học trò chính là tấm lòng của học sinh miền Nam dành cho Bác Hồ thời ấy.
Theo Đặng Tươi
Tuổi Trẻ