Bài luận dự tuyển - Một hình thức đánh giá thí sinh hiệu quả

Việc yêu cầu thí sinh viết bài luận trong thi tuyển đại học không phải là điều mới mẻ. Bà Phan Thủy Chi, Phó Viện trưởng Viện ĐTQT, người phụ trách trực tiếp CT Cử nhân Quốc tế, ĐHKTQD, sẽ giúp giải đáp ý nghĩa cũng như việc thực hiện cách thi này tại Việt Nam.

Điều kiện bắt buộc trong hồ sơ dự tuyển ĐH Mỹ

 

Bài luận dự tuyển là một điều kiện bắt buộc trong hồ sơ dự tuyển của các trường đại học của Mỹ nhằm cho phép nhà trường lựa chọn thí sinh mà còn cho phép thí sinh lựa chọn nhà trường, để tìm đến sự phù hợp của thí sinh với chương trình/ngành nghề đào tạo.

 

Với các chủ đề mở, bài luận sẽ tạo “sân” cho thí sinh trình bày quan điểm của mình, qua đó cho phép đánh giá được thí sinh về cách tư duy, lập luận đối với những vấn đề xã hội, cũng như khả năng sử dụng và diễn đạt ngôn ngữ - vốn là những yêu cầu mà mỗi thí sinh phải đạt được đến một trình độ nhất định để theo học đại học, đặc biệt là đối với các ngành xã hội.

 

Một tác dụng khác của bài luận dự tuyển là cho phép thí sinh bộc lộ quan điểm, giá trị sống cơ bản và có thể cả những dự định tương lai, giúp Hội đồng tuyển sinh bước đầu đánh giá được tiềm năng và xem thí sinh có phù hợp với mục tiêu của chương trình đào tạo hay không.

 

Ngoài ra, chủ đề và cách dẫn dắt trong đề bài chính là cách thể hiện quan điểm và định hướng đào tạo của nhà trường. 

 

Áp dụng như thế nào?

 

Đối với các chương trình đào tạo mà việc theo học trong chương trình là sự lựa chọn của cả hai phía, của nhà trường đối với thí sinh và ngược lại, của thí sinh đối với nhà trường, hình thức viết bài luận dự tuyển thường được lựa chọn.

 

Việc áp dụng sẽ có 2 hình thức: viết tại phòng thi và viết tại nhà. Việc viết tại phòng thi cũng có những điểm tương tự như các bài thi khác. Ở đây, chúng tôi chỉ xin đề cập hình thức viết tại nhà, cụ thể là chương trình Cử nhân quốc tế của Viện Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

 

Theo ban lãnh đạo nhà trường, ngay từ việc chuẩn bị tuyển sinh khoá 1, nhà trường đã chọn phương án cho thí sinh viết bài ở nhà và nộp bài luận cùng với hồ sơ dự tuyển đã được lựa chọn. Bởi điều này cũng có nghĩa là thí sinh có thời gian nhiều hơn và nghiêm túc hơn để suy nghĩ về đề luận, về định hướng tương lai của mình. Thí sinh có thể tham khảo sách vở, tài liệu kể cả trên mạng, cũng như tư vấn với bạn bè và người thân, hoặc thầy cô giáo…

 

Và để kiểm soát độ trung thực của bài viết, ngoài việc ký lời cam kết về sự ngiêm túc trong viết bài, thí sinh sẽ được bố trí phỏng vấn trong đó bài luận được sử dụng như một tài liệu tham khảo hữu ích. 

 

Ngoài ra, thí sinh sẽ được chọn 1 trong 3 đề cho trước với các nội dung liên quan đến bản thân thí sinh; những giá trị sống cơ bản và những vấn đề nóng của cuộc sống… nhằm giúp thí sinh có cơ hội lựa chọn để thể hiện mình tốt nhất. Mặt khác, nó giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm ở các em đối với sự lựa chọn của chính mình: Các em đã có quyền lựa chọn, đã lựa chọn, và việc thể hiện có tốt hay không là nằm ở chính bản thân các em, không thể đổ lỗi cho ai khác.

 

Cuối cùng, thực chất của cách ra đề này là làm cho các em phải làm việc nhiều hơn, một cách tự giác, với hứng thú cao hơn. Và như vậy, chắc chắn các em sẽ học hỏi được nhiều hơn - mục tiêu quan trọng nhất của quá trình đào tạo.

 

Như vậy có thể nói, các em đã bắt đầu quá trình học tập và khám phá của mình, học từ kiến thức, học cách tư duy, và được khơi gợi niềm hứng thú ngay từ bước đầu tiên đến với chương trình, đồng thời được trải nghiệm “nguyên lí” quan trọng của cuộc sống (nếu muốn trở thành người lao động có trình độ quốc tế): Quyền lợi luôn đi kèm với trách nhiệm, cần lao động nhiều hơn để nắm bắt cơ hội.
 
Bài luận dự tuyển - Một hình thức đánh giá thí sinh hiệu quả

Đề luận dự tuyển chương trình Cử nhân Quốc tế tại trường ĐHKTQD IBD@NEU kỳ mùa xuân năm 2012.