Nước sạch cho học sinh:
Bài học và thực tế
Sẽ ra sao nếu trong giờ học, học sinh được học phải ăn chín, uống sôi (bài về an toàn thực phẩm) nhưng cũng chính trong môi trường học đường, trẻ không được dùng nước sạch?
50% trường học ở nông thôn không có nước uống cho học sinh là một phần kết quả điều tra về vệ sinh môi trường nông thôn được Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) công bố sáng 25/3 tại Hà Nội. Đây là cuộc điều tra trên diện rộng do Cục và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thực hiện tại 8 vùng sinh thái của cả nước.
Đáng lưu ý là tại khu vực trường học vẫn còn tới 5,1% số trường phải dùng nước sông, ao, hồ; có 20,1% nhà trường không có nước và hơn 52% nhà trường không cung cấp nước uống cho học sinh trong thời gian ở trường. Chất lượng nhà vệ sinh ở trường học rất thấp và hầu hết các trường không có khu rửa tay cho các em. Cũng theo kết quả điều tra, chỉ có 11,7% trường học có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn.
Sẽ ra sao nếu trong giờ học, học sinh được học phải ăn chín, uống sôi (bài về an toàn thực phẩm) nhưng cũng chính trong môi trường học đường, trẻ không được dùng nước sạch? Sẽ ra sao nếu bài học về rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh (bài về vệ sinh cá nhân) còn nóng hổi lại trở thành… lý thuyết khi chính trong nhà trường, học sinh không có điều kiện thực hành. Sẽ ra sao nếu các em được thầy cô dạy những điều hay, lẽ tốt về bảo vệ môi trường nhưng giờ ra chơi, trẻ lại vô tư phóng uế bên bờ rào, khuôn viên lớp học.
Giữa bài học và thực tiễn, giữa lý thuyết và ứng dụng là một khoảng cách quá xa khi nhà trường không có điều kiện để đảm bảo những gì mình dạy là có thật! Với xuất phát điểm như thế, thật khó mà đòi hỏi người công dân mai sau những tố chất của con người văn hóa, văn minh, tính kỷ luật, ý thức bảo vệ môi trường.
Không phải ngành giáo dục không biết, không quan tâm tới vấn đề nước uống và nhà vệ sinh học đường. Một thực tế cho thấy hai vấn đề này luôn là yêu cầu nóng của ngành giáo dục. Những năm gần đây, chủ trương xây dựng nhà vệ sinh học đường đã được ngành khẩn trương chỉ đạo và triển khai. Tuy nhiên một thực tế có thật cần nhận thức rõ: ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, trong điều kiện kinh phí quá hạn chế, phòng học, trang thiết bị, giáo viên là những yêu cầu cấp bách nên chuyện nước uống và nhà vệ sinh buộc phải… để sau. Nhiều trường học xây mới trong chương trình kiên cố hoá của Chính phủ cũng ưu tiên cho phòng học là chính. Các công trình phụ trông chờ vào sự góp sức của địa phương. Địa phương có kinh phí, quan tâm thì công trình phụ được đầu tư, không thì… chờ. Từ khó khăn này, nhiều tỉnh có số trường thiếu nhà vệ sinh đến hàng trăm.
Để bài học không phải trên giấy, để thực tiễn không phủ định lại thành quả giáo dục, cần đầu tư tốt cho nước uống an toàn và nhà vệ sinh học đường; không thể coi đó là việc phụ, cần làm sau. Trong điều kiện kinh phí của ngành, của địa phương còn khó khăn, đầu tư của Nhà nước chưa đáp ứng, xã hội hóa cung cấp nước uống cho học đường và xây nhà vệ sinh cho trường học là một hướng mở. Mô hình cha mẹ học sinh góp công sức xây nhà vệ sinh cho trường, góp tiền để nhà trường mua nước sạch cho con em đã được áp dụng ở một số nơi cần được nhân rộng!