Bài học từ Nhật Bản cho đào tạo giáo viên Việt Nam
Nghiên cứu quan điểm và kinh nghiệm của Nhật Bản trong xây dựng đội ngũ giáo viên, ThS Mai Quang Huy (trường Đại học Giáo dục - ĐHQG Hà Nội) chia sẻ một số điều có thể áp dụng cho việc phát triển đội ngũ giáo viên ở Việt Nam.
Đào tạo giáo viên trong các đại học đa ngành
Các quan điểm của Nhật Bản trong đào tạo giáo viên sau chiến tranh thế giới lần thứ hai là: đào tạo giáo viên trong các trường đại học đa ngành, theo hệ thống mở và dựa trên chứng chỉ dạy học.
Thực hiện việc đào tạo giáo viên trong các trường đại học đa ngành, Nhật Bản đã chuyển các trường trung cấp/ cao đẳng sư phạm thành các khoa đào tạo giáo viên tại các trường đại học đa ngành.
Thực hiện nguyên tắc đào tạo giáo viên trong hệ thống mở, dựa trên các chứng chỉ dạy học, sinh viên ở các trường đại học khi học tập ở trường đều theo học các chương trình đào tạo giáo viên.
Sinh viên các ngành có thể đăng ký theo học chương trình lấy chứng chỉ dạy học đồng thời với việc theo học chương trình chính thức họ đang theo học. Sinh viên có thể theo học lấy đồng thời ba chứng chỉ dạy ở ba cấp học của giáo dục phổ thông trong thời gian 4 năm học như tại Đại học Chiba.
Hệ thống đào tạo như vậy vừa cung cấp một đội ngũ giáo viên đông đảo để các trường phổ thông lựa chọn, vừa tăng cường năng lực và cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên.
Trong thực tế ở Việt Nam hiện nay, một số trường ĐHSP đã chuyển thành trường các đại học đa ngành, một số khác trở thành các trường đại học thành viên trong các đại học đa lĩnh vực, hoặc có hệ đào tạo ngoài sư phạm.
Nhiều trường CĐSP hiện sáp nhập với các trường chuyên nghiệp khác hình thành các trường đại học địa phương có khoa làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Đây cũng là một điều kiện để thực hiện việc đào tạo giáo viên tiểu học, THCS ở trình độ đại học như yêu cầu của Nghị quyết 29.
Và như ý kiến của GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, đào tạo giáo viên trong các đại học đa ngành đang là xu hướng trên thế giới hiện nay.
Các mô hình đào tạo giáo viên ở đại học đa ngành, đa lĩnh vực
Mô hình đào tạo giáo viên trong đại học đa ngành, đa lĩnh vực
Trong thực tiễn đào tạo giáo viên ở nước ta hiện nay, mặc dù các trường ĐHSP chuyển thành đại học đa ngành hoặc có những khoa đào tạo ngoài sư phạm, nhưng đào tạo giáo viên chủ yếu vẫn thực hiện theo mô hình truyền thống: các kiến thức khoa học cơ bản được giảng dạy đan xen cùng khối kiến thức khoa học giáo dục - sư phạm.
Hiện nay, trong các cơ sở đào tạo giáo viên có trường ĐH Giáo dục thuộc ĐHQG Hà Nội thực hiện đào tạo giáo viên theo mô hình kế tiếp, hoặc kết hợp - kế tiếp (a+b).
Từ kinh nghiệm của Nhật Bản và thực tiễn đào tạo giáo viên tại ĐHQG Hà Nội, ThS. Mai Quang Huy đề xuất một số mô hình đào tạo giáo viên trong đại học đa ngành, đa lĩnh vực như sau:
Trong hai năm học đầu, sinh viên sư phạm học các học phần thuộc khối kiến thức chung và về khoa học cơ bản. Năm thứ ba, cùng với việc tiếp tục học về khoa học cơ bản, họ sẽ bắt đầu học một số học phần về tâm lý học, giáo dục học và sẽ hoàn thành khối kiến thức này ở năm thứ tư.
Trong học chế tín chỉ, những sinh viên các ngành khoa học cơ bản cũng có thể tích lũy thêm các học phần về khoa học giáo dục - sư phạm để đáp ứng các yêu cầu của một giáo viên THPT, và sinh viên ngành sư phạm tích lũy thêm các học phần chuyên ngành của khoa học cơ bản để có được đầy đủ các năng lực của một cử nhân khoa học.
Cách đào tạo như vậy sẽ góp phần tăng cường năng lực cho người được đào tạo, tăng cơ hội có được việc làm sau khi tốt nghiệp; chúng ta có thể giữ nguyên hoặc giảm chỉ tiêu đào tạo từ đầu nhưng tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên theo hệ bằng kép.
Bên cạnh đó, các cử nhân có thể tham gia các chương trình đào tạo thạc sỹ, góp phần nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên. Việc nâng trình độ đào tạo của đội ngũ giáo viên lên thạc sỹ đang được Nhật bản và nhiều nước trên thế giới quan tâm thực hiện.
Phối hợp với trường đại học trong việc bồi dưỡng giáo viên thông qua nghiên cứu bài học
Một đặc điểm trong đào tạo theo hệ thống cấp chứng chỉ dạy học ở Nhật Bản là thời gian cho sinh viên thực tập tại các trường phổ thông là không nhiều.
Nhiều trường đại học cho phép sinh viên được tự liên hệ thực tập tại trường phổ thông nơi các em đã học. Để tăng cường năng lực thực tế cho giáo sinh, Nhật Bản đã rất chú trọng bồi dưỡng cho giáo viên mới và bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên.
Trong bồi dưỡng giáo viên, Nhật bản chú trọng việc bồi dưỡng trực tiếp tại các trường phổ thông với sự tham gia của giảng viên đến từ các trường đại học, các giáo viên có trình độ chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm.
Các giảng viên đào tạo giáo viên phải có thời gian nghiên cứu tại các trường phổ thông. Nghiên cứu bài học là một bài học thành công của Nhật Bản được nhiều nước ghi nhận.
Mặc dù hoạt động bồi dưỡng giáo viên cũng rất được chú trọng ở nước ta với nhiều hình thức, việc tham khảo các kinh nghiệm của Nhật Bản như nghiên cứu bài học sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động bồi dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Cách duy nhất chúng ta có thể bắt kịp và có được những trường học đẳng cấp thế giới mà con cái chúng ta xứng đáng là bằng cách học những bài học thành công của các quốc gia khác”. Đó là ý kiến mà Thủ tướng và Phó thủ tướng Anh đã nêu ra trong phần mở đầu văn kiện về chính sách giáo dục của Anh. Việc nghiên cứu những kinh nghiệm của Nhật bản có thể giúp chúng ta có một số gợi ý trong việc phát triển đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, do những sự khác nhau về trình độ phát triển kinh tế - xã hội của hai nước nên cần chọn lọc những kinh nghiệm có thể thực hiện ở nước ta.
ThS Mai Quang Huy
Theo Hiếu Nguyễn
Giáo dục & Thời đại