Bài học cải cách giáo dục từ Anh Quốc

(Dân trí) - Trong suốt một thập kỷ cầm quyền lãnh đạo, thủ tướng Tony Blair đã nỗ lực hết mình trong công tác cải thiện chất lượng giáo dục tại các trường học ở Anh và cũng đã đạt được một số những thành công rõ rệt.

Hiện tại, nền giáo dục công của Hoa Kỳ cũng đang phải đối mặt với những thách thức tương tự: phải làm gì với những trường học đang dần xuống cấp và cách thức tuyển dụng những giáo viên có trình độ chuyên môn tốt hơn. Một số nhà giáo dục học cho rằng có rất nhiều thứ có thể học hỏi từ kinh nghiệm cải cách giáo dục của Anh Quốc.

 

Một chuyên gia cải cách giáo dục - nguyên cố vấn cho chính phủ Blair trong công tác cải cách giáo dục - đã đặt ra câu hỏi: “Tất cả những nền giáo dục lớn trên thế giới có điểm gì chung?”. Ông xem xét bốn nền giáo dục mà ông cho là lớn nhất: Phần Lan, Singapore, Hàn Quốc, và Canada.

 

“Tất cả những nền giáo dục lớn này đều tuyển chọn giáo viên từ top thứ ba trong số những sinh viên tốt nghiệp đại học, trong khi Hoa Kỳ lại tuyển chọn giáo viên từ tốp sinh viên tốt nghiệp kém nhất. Đó là một trong những thách thức lớn đặt ra cho nền giáo dục Hoa Kỳ. Chúng ta sẽ phải làm gì để trong vòng 15-20 năm nữa sẽ có đội ngũ giáo viên giảng dạy có trình độ chuyên môn cao hơn?”

 

Ông cho biết thêm, Hàn Quốc trả lương cho giáo viên cao hơn rất nhiều so với Anh và Hoa Kỳ và vì thế đã phải chấp nhận quy mô một lớp học lớn hơn. Ngược lại, Phần Lan không trả lương quá cao cho giáo viên nhưng họ lại khuyến khích tấm lòng “tôn sư trọng đạo” mà mọi người dành cho giáo viên.

 

Dưới thời của Thủ tướng Blair, Anh đã thu hút  nhiều giáo viên trẻ tài năng với mức lương 7 nghìn bảng Anh (tương đương 14 nghìn đô la Mỹ) cho những giáo viên đã tốt nghiệp chương trình đào tạo giảng dạy một năm. Chính phủ tự xây dựng một chương trình đào tạo giáo viên và tổ chức một chương trình quan hệ công chúng toàn quốc nhằm thuyết phục các giáo viên triển vọng rằng xã hội sẽ đánh giá cao sự nghiệp giảng dạy của họ. 

 

Khi chất lượng giáo dục trong một trường công lập xuống cấp, nó sẽ gây ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo cả một thế hệ học sinh. Theo lời một chuyên gia cải cách giáo dục thì vấn đề duy nhất các nhà lãnh đạo nên xem xét lúc này là “Làm thế nào để trẻ em được hưởng một nền giáo dục hoàn hảo càng sớm càng tốt?”.

 

Những hệ thống giáo dục tốt nhất trên thế giới, trong đó có Anh Quốc, không chỉ xem xét kết quả các bài kiểm tra, mà còn đưa thanh tra giáo dục của chính phủ trực tiếp xuống giám sát và tìm ra nguyên nhất chất lượng bài kiểm tra kém là do đâu.

 

Các nhà cải cách giáo dục cho rằng, chính phủ nên có một ban chuyên gia giám sát giáo dục như Anh đã làm. Họ sẽ đi rà soát chất lượng giáo dục của từng trường học ít nhất ba năm một lần, kiểm tra môi trường giảng dạy và năng lực của đội ngũ lãnh đạo trường học và sẽ đưa ra khuyến nghị về những việc cần phải sửa đổi.

 

Mai Hương

Theo The New York Times