Bắc Ninh: Gian nan đi đòi quyền lợi xét tuyển đặc cách
(Dân trí) - Có đầy đủ tiêu chuẩn để được xem xét tuyển đặc cách vào viên chức theo hướng dẫn của Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh nhưng cô giáo Nguyễn Thị Phượng lại bị UBND huyện Yên Phong “khước từ”. Mặc dù đã nhiều lần khiếu nại những đến nay cô Phượng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Sau hàng loạt bài viết của Dân trí cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Nội vụ, hàng trăm giáo viên hợp đồng của huyện Yên Phong trượt viên chức giáo dục năm 2013 đã nhận được tin vui khi Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh có văn bản số 400 giải quyết lao động hợp đồng và xét tuyển đặc cách vào viên chức Nhà nước năm 2014 đối với lao động hợp đồng. Cùng chung niềm vui đó, cô Nguyễn Thị Phượng - giáo viên hợp đồng Trường Tiểu học Văn Môn thấy mình có đầy đủ tiêu chuẩn để được xem xét đặc cách nên đã làm hồ sơ tham gia.
Tuy nhiên, sau khi Hội đồng tuyển dụng viên chức giáo dục của huyện Yên Phong xem xét thì hồ sơ của cô Phượng lại bị loại với lý do không đủ tiêu chuẩn. Bức xúc trước việc này, cô Phượng đã nhiều lần kiến nghị cũng như gửi các giấy tờ liên quan chứng minh mình đủ tiêu chuẩn song cho đến nay sự việc lại vẫn chưa thể có lời kết
Lời kêu cứu
Trong đơn kêu cứu gửi về Dân trí, cô Nguyễn Thị Phượng cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc không được công nhận đặc cách xuất phát từ lỗi sai sót của nhà trường.
Theo công văn hướng dẫn số 400 của Sở Nội vụ Bắc Ninh đối tượng lao động hợp đồng đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị được xem xét, xét tuyển đặc cách nếu có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn: Có thời gian liên tục từ 36 tháng trở lên thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ có yêu cầu trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển (không kể thời gian tập sự, thử việc). Đối với giáo viên, phải có thời gian hợp đồng từ 3 năm học liên tiếp trở lên; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển; trong quá trình công tác không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đạt được một trong các thành tích: Danh hiệu thi đua từ chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc cấp tương đương trở lên (riêng đối với giáo viên còn tuyển đặc cách các trường hợp: đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên; giáo viên được cơ quan có thẩm quyền cử tham gia bồi dưỡng đội tuyển có học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên).
Trường hợp không có các thành tích nêu trên nhưng được cơ quan, đơn vị sử dụng đánh giá hàng năm xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển cũng được xem xét tuyển dụng đặc cách.
Bên cạnh đó, công văn số 799/SNV-CBCC ngày 18/11/2014 của Sở Nội vụ Bắc Ninh cũng nêu rõ: Trong trường hợp cơ quan, đơn vị không thực hiện đánh giá, phân loại cán bộ, giáo viên hàng năm theo Chuẩn nghề nghiệp mà đánh giá, phân loại theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT tại Công văn số 585/SGD&ĐT-TCCB; cán bộ, giáo viên hợp đồng là nữ không có một trong các thành tích nêu ở công văn số 400 của Sở Nội vụ, trong 3 năm học gần nhất xếp loại khá do nghỉ sinh con (không vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình) cũng được xét tuyển đặc cách,
Trong khi đó, dựa trên hồ sơ cô Phượng cung cấp thì năm học 2013-2014 cô đạt xếp loại cán bộ giáo viên xuất sắc với 90 điểm; xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp loại tốt với 180 điểm. Năm học 2012-2013 ở cả hai lĩnh vực xếp loại cán bộ và xếp loại giáo viên đạt loại khá nhưng năm này cô nghỉ sinh con nên theo công văn 799 thì vẫn thuộc diện được xem xét đặc cách.
Năm học 2011-2012 cô Phượng cho biết: "Tháng 8/2014, tôi được trường tiểu học Văn Môn cung cấp hồ sơ nộp hội đồng kiểm tra sát hạch huyện. Kết quả thể hiện trên phiếu đánh giá xếp loại Giáo viên năm học 2011-2012 tôi đều được tổ chuyên môn và Hiệu trưởng thống nhất đánh giá và chấm điểm cả ba lĩnh vực I, II, III đều đạt 180 điểm và xếp loại tốt. Đánh giá chung cuối năm học tốt. Nhưng thật nghịch lý khi nhận xét bằng lời thì lời nhận xét của Hiệu trưởng lại không nhất quá với kết quả chấm điểm và xếp loại chung được thống nhất giữa tổ chuyên môn với Hiệu trưởng. Hiệu trưởng nhận xét: “Phẩm chất đạo đức tốt; năng lực chuyên môn khá, hoàn thành nhiệm vụ năm học”.
“Tôi không hiểu đây là sự vô tình hay cố ý mà Hiệu trưởng lại nhận xét như vậy. Phần nhận xét này Hiệu trưởng viết sau khi tốt ký vào phiếu đánh giá, tôi không biết về lời nhận xét này, vì sau khi Hiệu trưởng nhận xét và ký, hồ sơ do nhà trường quản lý” - cô Phượng bày tỏ.
Cô Phượng cho biết thêm, ngày 25/12/2014, Hiệu trưởng Trường tiểu học Văn Môn cũng đã có công văn số 19 gửi UBND huyện Yên Phong, Phòng Nội vụ Yên Phong trong đó nhấn mạnh: “Ngày 1/8/2014, nhà trường có gửi công văn đề nghị tuyển dụng đặc cách đối với những trường hợp đủ điều kiện và bản danh sách, song có 01 trường hợp chưa chính xác là đồng chí Nguyễn Thị Phượng khi tổng hợp: Thực tế năm học 2011-2012, đồng chí Phượng đạt loại Xuất sắc (Lao động tiên tiến). Nhà trường xin chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin này”.
Mặc dù đã có xác nhận của Hiệu trưởng về sự sai sót khi tổng hợp đánh giá và khẳng định cô Phượng đạt tiêu chuẩn xem xét đặc cách nhưng ngày 26/12, Tổ giải quyết đơn xét tuyển viên chức huyện Yên Phong vẫn ra báo cáo số 01 trong đó cho hay: Trong buổi làm việc, bà Phượng không xuất trình được căn cứ chứng minh năm học 2011-2012 được nhà trường đánh giá, xếp loại lao động xuất sắc và thừa nhận trong năm học 2011-2012 và Phượng được xếp loại phẩm chất đạo đức tốt; năng lực chuyên môn khá; hoàn thành nhiệm vụ năm học, đối chiếu với tiêu chuẩn không đủ điều kiện xét tuyển đặc cách viên chức năm 2014.
Xử lý cứng nhắc, làm khổ giáo viên
Trước việc bị loại ra khỏi danh sách xem xét đặc cách, cô Phượng đã nhiều lần đơn thư kiến nghị xem xét lại nhưng sự phản hồi của Phòng Nội vụ, UBND huyện Yên Phong vẫn chưa làm rõ bản chất của vụ việc.
Trong công văn số 199/CV-UBND ngày 9/4/2015 do Chánh văn phòng UBND huyện yên Phong ký trả lời đơn kiến nghị của bà Nguyễn Thị Phượng, giáo viên hợp đồng trường Tiểu học Văn Môn có nêu kết luận: Đối với các phiếu đánh giá, xếp loại giáo viên của bà Phượng (áp dụng tiêu chuẩn đánh giá xếp loại cán bộ, giáo viên theo tiêu chuẩn nghề nghiệp do Bộ GD-ĐT ban hành) là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xem xét, xét tuyển viên chức ngành GD-ĐT đối với bà Phượng. Tuy nhiên trong ba năm học chỉ có năm học 2013-2014 bà Phượng được đánh giá, xếp loại “hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học” còn năm học 2011-2012 được đánh giá “hoàn thành nhiệm vụ năm học” và năm học 2012-2013 được đánh giá “hoàn thành nhiệm vụ học kỳ II năm học” (năm học 2012-2013 bà Phượng sinh con).
Trong công văn này cũng làm rõ đối với một số giấy tờ khác mà cô Phượng xuất trình thêm cho Thanh tra huyện gồm: Phiếu đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm; Biên bản họp đánh giá, phân loại công chức, viên chức năm học 2011-2012; danh sách cán bộ giáo viên đạt tiên tiến năm học 2011-2012 nhận kinh phí thưởng là không có cơ sở pháp lý với lý do Hiệu trưởng trường tiểu học Văn Môn không xuất trình được văn bản gốc, dấu đóng trong các bản phô tô không phải là của năm được đánh giá....
Đặc biệt trong công văn này lại có đoạn khá hài hước: “Đối với bản phô tô Danh sách cán bộ giáo viên đạt tiên tiến năm học 2011-2012 nhận kinh phí thưởng đề ngày 21/8/2012 là bản phô tô do bà Phượng nhặt được không có cơ sở xem xét, giải quyết”.
Từ những lập luận như trên UBND huyện Yên Phong tiếp tục tái khẳng định cô Phượng không đủ điều kiện để được xét tuyển đặc cách.
Tuy nhiên, theo cô Phượng, mấu chốt của vấn đề vấn chưa được giải quyết bởi cơ sở căn cứ pháp lý là phiếu đánh giá, xếp loại giáo viên. Trong khi đó ở năm học 2011-2012 đã có sự nhầm lẫn giữa phần viết và phần điểm số do Hiệu trưởng tạo nên. Đáng lẽ ra Tổ công tác cần phải tìm hiểu quy định của Bộ GD-ĐT để đánh giá xem lời nhận xét đó có phù hợp với điểm số thể hiện hay không thì lại bị bỏ qua.
Trao đổi với Dân trí về vụ việc của cô Phượng, ông Nguyễn Công Trình – Trưởng phòng Cán bộ, công chức (Sở Nội vụ Bắc Ninh) cho hay: Sở cũng đã nhận được đơn của cô Phượng. Tuy nhiên vấn đề này phải do UBND huyện Yên Phong thụ lý giải quyết. Trong trường hợp đơn vị này không giải quyết được thì Sở Nội vụ sẽ vào cuộc để làm rõ vấn đề.
Ông Trình cũng bày tỏ: Quan điểm của tôi, đối với trường hợp của cô Phượng thì tổ xác minh nên hỏi ý kiến của Phòng GD-ĐT huyện Yên Phong về phiếu đánh giá, xếp loại giáo viên xem đối chiếu với quy định đúng sai thế nào. Đây là mấu chốt để giải quyết việc kiến nghị nhiều lần của cô Phượng.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin diễn biến tiếp theo của vụ việc này.
S.H