Bắc Ninh chính thức triển khai chương trình Sữa học đường

(Dân trí) - Sáng nay 15/9, tỉnh Bắc Ninh đã chính thức triển khai chương trình Sữa học đường tại trường mầm non trên toàn tỉnh với tổng số 158 trường, không phân biệt trường công lập hay dân lập. Mức chi phí dự kiến đầu tư khoảng 54 tỷ đồng.

Chương trình này dành cho hơn 73 ngàn trẻ từ 6 tháng tuổi đến 6 tuổi và định mức được thụ hưởng là 3 lần/tuần/trẻ. Bắc Ninh là tỉnh thứ 2 trên toàn quốc quyết tâm thực hiện chương trình Sữa học đường, địa phương này đã dành 178 tỷ đồng trong 5 năm đầu tiên, kể từ năm học 2013 - 2014 dành cho trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Trong năm đầu tiên triển khai thí điểm, 24 trường mầm non với tổng số hơn 11.600 trẻ đã được thụ hưởng lợi ích từ chương trình này. Nhìn lại một năm thực hiện, qua 1 năm thực hiện tại các trường có trẻ được tham gia uống sữa đã có ghi nhận những kết quả hết sức tích cực như sau: 100% số trẻ được uống sữa trên địa bàn tỉnh phát triển tốt; Số lượng trẻ tăng cân và tăng chiều cao đạt tỷ lệ 98%. Trung bình tăng trưởng về cân nặng là 1,07kg; Chiều cao là 2,67cm/1 trẻ. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 3,0%, giảm 3,6% so với đầu năm học khi bắt đầu thực hiện Chương trình; Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm còn 4,3%, giảm 3,6% so với đầu năm học khi bắt đầu thực hiện chương trình; Các chỉ số về chiều cao, cân nặng đều tăng so với đầu năm học.

Bắc Ninh chính thức triển khai chương trình Sữa học đường
Bắc Ninh chính thức triển khai chương trình Sữa học đường tại trường mầm non trên toàn tỉnh với tổng số 158 trường, không phân biệt trường công lập hay dân lập.

Phát biểu tại buổi lễ sơ kết, ông Nguyễn Tử Quỳnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình cho biết, chương trình Sữa học đường thể hiện sự tâm huyết và nỗ lực của lãnh đạo tỉnh đối với việc phát triển thể chất và trí tuệ cho con em đất Kinh Bắc. Cùng với sự đồng lòng của các doanh nghiệp và nhân dân đã tạo nên thành công cho chương trình này từ năm đầu tiên và là cơ sở để triển khai rộng khắp đến tất cả các trường mầm non trên toàn tỉnh.

Ông Trần Văn Túy - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh chia sẻ thêm: Khi quyết định triển khai chương trình sữa học đường thì Bắc Ninh cũng rất lo lắng bởi đâu đó vẫn còn tình trạng cắt bớt khẩu phần ăn của trẻ, vấn đề đặt ra là quản lý như thế nào? Bắc Ninh có nhiều chính sách an sinh xã hội cho người già, cho đối tượng chính sách, xây dựng nông thôn mới, cho nông nghiệp, nông dân nhưng lại chưa có chính sách cụ thể cho các cháu, đặc biệt là các cháu mầm non để nâng cao thể trạng các cháu. Chính vì điều này đã tạo một quyết tâm trong hệ thống chính trị toàn tỉnh và cuối cùng Bắc Ninh đi đến quyết định là triển khai với mục tiêu tất cả là vì các cháu. Với niềm tin “không có người mẹ nào ăn mất phần của con cả” nên tỉnh đã quyết định dành một nguồn lực rất lớn để làm chương trình Sữa học đường.

Bắc Ninh chính thức triển khai chương trình Sữa học đường
Hơn 73 ngàn trẻ từ 6 tháng tuổi đến 6 tuổi sẽ được uống sữa định mức được thụ hưởng là 3 lần/ tuần/trẻ.

Nói về công tác chuẩn bị cho năm học 2014- 2015, theo ông Nguyễn Đức Bưởi, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: “Sở đã cùng đơn vị tư vấn kỹ thuật là công ty Tetra Pak Việt Nam và công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk đã triển khai tập huấn quy trình thực hiện Sữa học đường cũng như mọi công tác hướng dẫn, kiểm tra, báo cáo, quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm đến từng giáo viên mầm non trong tỉnh. Khi năm học mới bắt đầu, mọi công tác chuẩn bị cho năm học đã sẵn sàng để có một năm triển khai uống sữa học đường an toàn và hiệu quả”.

Theo Ban chỉ đạo chương trình Sữa học đường của Bắc Ninh, trong giai đoạn từ 2013 đến 2017, trẻ từ 6 tháng tuổi đến dưới 6 tuổi đang học trong các trường mầm non sẽ được uống sữa UHT 180ml ADM của Vinamilk 3 lần/tuần trong suốt năm học.

Cũng theo Ban chỉ đạo, nguồn kinh phí bảo đảm cho chương trình gồm 50% từ ngân sách tỉnh và phần còn lại sẽ do phụ huynh đóng góp và các nguồn xã hội hóa. Mục tiêu của chương trình là giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng (SDD) cân nặng từ 4,3% xuống 4% và SDD chiều cao từ 5,6% xuống 5,2% ngay trong năm đầu tiên thực hiện tại 24 trường. Phấn đấu đến cuối năm 2017, tỷ lệ SDD cân nặng và SDD chiều cao tại tất cả các trường mầm non của tỉnh sẽ giảm xuống còn 3,5% và 4% tương ứng.

Nguyễn Hùng
 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm