Bác Hồ với sự nghiệp giáo dục, khuyến học - khuyến tài
(Dân trí) - Nhân dịp kỷ niệm 118 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu những câu nói của Người về sự nghiệp giáo dục và khuyến học, khuyến tài.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng và xây dựng nền giáo dục dân chủ mới. Sinh thời, Người đã từng nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành...". Dưới đây, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu những câu nói của Người về sự nghiệp giáo dục và khuyến học, khuyến tài.
* Đồng bào bây giờ phải biết chữ hết để trả lời cho thế giới biết nước ta là nước văn minh, ai cũng biết chữ.
(Bài nói chuyện với các đại biểu thân sĩ trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hoá. Ngày 20/2/1947. Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, tr.60).
* Biết chữ, biết tính, thì làm việc gì cũng dễ dàng hơn. Một người không biết chữ, biết tính thì như nửa mù, nửa quáng. Biết rồi ta học thêm.
(Đời sống mới. 1947. Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, tr.99)
* Người có học mới có tiến bộ. Càng học càng tiến bộ.
(Đời sống mới. 1947. Hồ Chí Minh toàn tập, t5, tr99)
* Nếu không học tập văn hoá, không có trình độ văn hoá thì không học tập được kỹ thuật, không học tập được kỹ thuật thì không theo kịp được nhu cầu kinh tế nước nhà; Nhưng phải chú ý học tập chính trị vì nếu chỉ học văn hoá, kỹ thuật mà không có chính trị thì như người nhắm mắt mà đi.
(Nói chuyện tại Đại hội Liên hoan Thanh niên tích cực ngành Đường sắt ngày 25/7/1956. Hồ Chí Minh toàn tập, t.8, tr.221)
* Trình độ văn hoá của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ. Nâng cao trình độ văn hoá của nhân dân cũng là một việc cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
(Thư gửi đồng bào đã thanh toán nạn mù chữ. Ngày 21/12/1956. Hồ Chí Minh toàn tập. t.8, tr.281)
* Ý thức làm chủ không phải chỉ tỏ rõ ở tinh thần hăng hái lao động, mà còn phải tỏ rõ ở tinh thần say mê học tập để không ngừng nâng cao năng lực làm chủ của mình.
(Học tập không mỏi, cải tiến không ngừng, Báo Nhân dân, ngày 14/3/1960. Hồ Chí Minh toàn tập, t.10, tr.105).