Đắk Lắk:
Bà mẹ đại ngàn “truyền lửa” cho 3 con vào đại học
(Dân trí) - Lúc tấm bé, chỉ vì quá ham học, để được cùng bạn đến trường, H’Ruih rón rén nhảy từ nhà dài xuống mặt đất thì bị mẹ phóng theo một con dao trúng tay, cú nhảy khiến bà bị trật khớp… Sự học dở dang, bà lại “truyền lửa” để 3 con vào đại học.
H’Ruih Ê-ban (sinhh năm 1967), có bố mẹ ruột là người Quảng (Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ), tên bà khi đó là Trọng nhưng bà lớn lên cùng người đồng bào từ nhỏ. Năm 1968, cô bé Trọng mới chỉ tròn một tuổi, cha mẹ Trọng khi đó tham gia cách mạng, và trong một trận bị địch càn quét dữ dội, cha cô bé đã anh dũng hy sinh, còn mẹ trúng đạn bị thương ở chân rồi bị địch bắt mất tích.
Trong khói lửa chiến tranh điêu tàn, như một điều kỳ diệu, cô bé Trọng may mắn sống sót nằm thở thoi thóp bên lùm cây, một người dân quân tự vệ bắt gặp thấy thương cảm đã ẵm cô bé về nhờ một người đồng bào Ê-đê nuôi nấng.
Cô bé Trọng lớn lên trong sự thương yêu, đùm bọc của những người đồng bào Ê-đê tốt bụng. Bé Trọng cũng được đặt cho cái tên như chính những năm tháng tuổi thơ bất hạnh của cô: “H’Ruih Ê-ban”, tiếng đồng bào Ê-đê có nghĩa là “đứa trẻ bị ghẻ lở”.
H’Ruih Ê-ban kể, thuở ấy trong nhà chỉ có 2 chị em, người chị hơn H’Ruih 7 - 8 tuổi nhưng không được đi học, còn H’Ruih lúc đó mơ hồ không biết đi học để làm gì? Nhưng lạ thay, mỗi lần đến trường H’Ruih lại cảm thấy vui một niềm vui kỳ lạ. H’Ruih ngỏ lời xin mẹ để được đến trường thường xuyên, nhưng mỗi lần mở lời xin mẹ là mỗi lần cô bé bị thẳng thừng từ chối.
Bế tắc trong việc thuyết phục mẹ cho đến trường, H’Ruih đành lặng lẽ giấu mẹ đến trường học chữ. Thật là oái ăm cho cô bé, cứ mỗi lần kết thúc giờ học ở trường, H’Ruih lại xin ngủ ở nhà thầy cô, bạn bè… chứ cô không dám trở về nhà bởi nỗi ám ảnh về những trận đòn roi “chực chờ” vì cô bé đã dám làm trái ý mẹ.
Đã mấy chục năm trôi qua nhưng Ami Chương vẫn không thể nào quên được kỷ niệm đáng nhớ của đời mình - một lần trốn mẹ đi học, H’Ruih liều lĩnh nhảy từ trên sàn nhà dài xuống mặt đất thì bị mẹ phát hiện, mẹ bà đã ném theo một con dao trúng vào tay, cô bé cũng bị trật khớp bởi cú nhảy, nằm liệt tại chỗ…
Vết sưng đau nhói đã “bó chân” cô bé ham học nằm ở nhà trên giường mấy ngày liền. Sau dạo này, H’Ruih bị mẹ khóa trái cửa trong nhà bằng một cây chày giã gạo gài ngang ở then cửa khiến cô buồn tủi, òa khóc nức nở chỉ vì mơ ước giản đơn đến trường học chữ quá đỗi khó khăn! Thế nhưng cô bé không hề oán trách mẹ, chỉ khi mẹ cô mắc bạo bệnh không thể lo được, H’Ruih mới chịu “tạm gác” ước mơ học chữ, khi đó H’Ruih đã học đến lớp 8.
“Cuộc sống hồi đó cực khổ, vừa một buổi đi làm, một buổi đi học, quần áo mặc cũng chẳng có, thậm chí cơm ăn hàng ngày cũng khó khăn, hàng ngày phải đi đào khoai để ăn. Muốn học phải lén mà đi…”, Ami Chương kể về những tháng ngày đi học trước kia của mình.
Có đông con học đại học nhất buôn
Lớn lên, H’Ruih lấy chồng là một thanh niên người đồng bào trong buôn, anh này là người được học hành đàng hoàng. Vì sự học thời nhỏ chông chênh, nên bao năm qua Ami Chương đã “truyền lửa”, cố gắng “gieo” vào đầu các con bà rằng, “hãy cố gắng học, khó đến đâu cũng phải học, đời mẹ khi đi học đã khổ rồi…!”.
Đơn giản chỉ là vậy nhưng các con bà như hiểu được lòng mẹ, nhiều người đã thi đỗ đại học chính quy. Bà có 4 đứa con thì đã có 3 theo học đại học. Con trai đầu là Y Chương Ê-ban (SN 1985) thi đậu 2 trường đại học là ĐH Công nghiệp TPHCM và Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM. Thi đậu một lúc 2 trường đại học, Y Chương quyết định ĐH Công nghiệp TPHCM.
Con trai thứ hai của Ami Chương là Y Coi Ê-ban (SN 1987) tốt nghiệp ngành Sư phạm Toán - Trường ĐH Tây Nguyên. Hiện Y Coi giảng dạy tại Trường THCS Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột. Nối tiếp truyền thống học giỏi của các anh, người con thứ 3 của Ami Chương là Y Thoan Ê-ban (SN 1990) hiện là sinh viên năm cuối Trường ĐH Ngân hàng TPHCM. Còn cô con gái út hiện đang ôn thi đại học, dự định thi vào Trường ĐH Tây Nguyên.
“Anh em trong nhà thấy tình cảnh của mẹ lúc trước khổ cực nhưng lại muốn đi học, nhiều lần nghe mẹ nói về chuyện học trước kia lắm gian nan nên ai cũng quyết tâm đi học… Cha mẹ tạo điều kiện cho đi học, thì chẳng ai muốn bỏ lỡ cả…”, Y Coi Ê-ban - người con thứ 2 của Ami Chương tâm sự.
Ông Trần Kế Toán - phó Chủ tịch UBND xã Ea Tu cho biết: “Chị H’Ruih Ê-ban ở với đồng bào từ nhỏ, bố mẹ tham gia hoạt động cách mạng hy sinh, giờ chị là con liệt sỹ. Nhà chị này làm rẫy nhưng vợ chồng biết cách làm ăn, lại có 3 con học đại học - một gia đình có nhiều con học đại học nhất buôn Ko Tam, chị cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều người”.
Được biết, gia đình bà H’Ruih Ê-ban (Ami Chương) đã được Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột công nhận danh hiệu “Gia đình hiếu học tiêu biểu”, năm 2012.
Viết Hảo