Bà mẹ bán vé số muốn nuôi cả năm con học ĐH

(Dân trí) - Giữa một miền đất nghèo ven biển, nơi vẫn được xem là vùng rốn lũ của Thừa Thiên - Huế, có người phụ nữ vẫn ngày ngày rong ruổi khắp mọi nẻo đường, phố chợ với những xấp vé số trên tay để thỏa một ước vọng duy nhất: nuôi các con vào đại học.

Phận nghèo vùng rốn lũ

Căn nhà xập xệ nửa gạch xây, nửa lán che của chị Hồ Thị Hiền nằm sâu hút ở cuối thôn Phú Khê (xã Phú Dương, Phú Vang, Thừa Thiên-Huế). Trong nhà chị chỉ có duy một chiếc bàn gỗ khập khiễng và một mảnh ván gỗ dài, nơi những đứa con chị vẫn thường “chen” nhau học tập.

Chúng tôi gặp chị lúc trời đã tối hẳn khi chị vừa trả xong xấp vé số bán dư. Xong mấy câu chào hỏi khách, người phụ nữ 46 tuổi ấy lại cặm cụi vào gian bếp lụp xụp để kịp chuẩn bị bữa cơm tối. “Mấy đứa con tui đi học cả, nó còn phải đi dạy kèm đến tối mịt mới về. Bọn nó còn phải học bài, nên việc nhà mình cũng tranh thủ làm hết”. Vừa nói chị vừa bưng rổ chén bát đi rửa. Rồi thổi cơm, kho cá. Thoáng chút chị đã chuẩn bị xong bữa cơm tối với canh rau và cá kho đạm bạc.

Hơn mười năm qua, mọi sinh hoạt trong gia đình đều trông chờ vào mấy xấp vé số của chị. Anh Hòa, chồng chị vốn làm nghề đạp xích lô nhưng vì mất sức nên đã bỏ nghề gần chục năm nay. Thỉnh thoảng anh có đi chài lưới, đơm vó để kiếm thêm con cá, con tôm nhưng thu nhập không là bao. Chị Hiền tâm sự: “Thời buổi ni làm nghề khó lắm, người ta dùng lưới điện còn không bắt được con nào, huống chi mình chỉ mấy tay lưới suông”.

Từ rất sớm, chị cùng chiếc xe đạp cũ lặn lội cả mấy chục cây số đi bán vé số. Và để bán được nhiều vé hơn, chị phải gửi tạm xe đạp đâu đó để đi bộ bán dạo. Trời nắng, chị đi “xạc chân” dưới cái nóng oi bức. Đến ngày mưa, đôi chân ấy cũng không quản bùn lầy, giá rét. Với chị, “vất vả thế nào cũng được, mong sao bán hết xấp vé số là vui rồi”. Chị tất bật cả ngày là vậy mà cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn. Có ngày, chị chỉ bán được vài cái, còn y nguyên cả mấy xấp, chị đành mượn tạm chủ đại lý ít tiền mua thức ăn. Rồi căn nhà xiêu vẹo năm nào cũng phải oằn mình trong cơn lũ. Sau mùa lũ, chị lại chạy vay tiền sửa sang ngôi nhà cho đỡ dột nát.

Lặn lội nuôi chữ cho con

Nỗi lo lắng của người phụ nữ phải góp nhặt từng ngàn một để nuôi đại gia đình ấy lại nhân lên gấp bội khi những đứa con của chị nối nhau đến ngưỡng cửa trường đại học. Đêm chị nằm trằn trọc, tính toán chi li từng đồng một để gom góp tiền học cho con.

Năm ấy, đứa con trai cả đậu hai trường đại học. Nỗi vui mừng chưa dứt thì lòng người mẹ lại nặng trĩu mối lo: biết lấy đâu tiền nhập học cho con. Con trai chị thấy mẹ vất vả đành từ bỏ niếm đam mê kinh tế để chọn học trường Sư phạm để khoản học phí. Rồi bốn đứa con nhỏ đang học phổ thông, tiểu học cũng thúc giục mẹ tiền học phí. May nhờ khoản tiền vay ba triệu đồng từ Hội Phụ nữ đã giúp chị lo được cho năm con nhập trường.

Hai năm sau, Nguyễn Văn Sơn, người con trai thứ tiếp tục nhận giấy báo đỗ ba trường. Chỉ nuôi một con học đại học mà chị Hiền đã “chồn chân, chóng mặt”, lúc này chị không biết xoay xở thế nào. Đắn đo mãi, cuối cùng người mẹ vẫn quyết định cho con học đại học. “Con người ta mong tốt nghiệp phổ thông cũng không được, nay con mình vào được cả ba trường Đại học mà cho nghỉ thì tội quá! Mình cực lắm rồi. Đến đâu thì đến, cứ nuôi con cho tròn đã” - chị lý giải thật bình dị.

Thêm một gánh nặng, khiến chị quần quật hơn với công việc mưu sinh. Ngoài việc bán vé số, chị còn xin vào làm bốc vác ở lò gạch hay rửa chén bát cho mấy quán bún gần nhà. Đêm, chị tranh thủ cùng chồng soi đèn kiếm thêm con cá.

Năm nay, thêm đứa con thứ ba rục rịch chuẩn bị thi vào trường Bách khoa Đà Nẵng. Rồi còn hai đứa út đã lớn, tiền trường phải đóng nhiều hơn khiến người mẹ càng thêm “méo mặt”. Nợ ngân hàng vay lâu không trả được, tiền lãi nhân lên gấp bội. “Có những lúc tui muốn cho vài đứa nghỉ học bớt để đỡ tiền trường, nhưng đứa nào cũng chăm chỉ và học giỏi cả, nên đành thôi”, chị tâm sự. Và người phụ nữ ấy chưa hề từ bỏ ước vọng nuôi được các con học hết đại học.
 
Khánh Hà