Bến Tre:
Bà lão gần 80 tuổi nhặt phế liệu nuôi cháu mồ côi ăn học
(Dân trí) - Mỗi ngày, bà Nguyễn Thị Ba (SN 1940) phải thức dậy từ lúc 3 giờ sáng để đi khắp các con phố nhặt phế liệu lo cho cuộc sống và nuôi đứa cháu ngoại mồ côi. Cuộc sống khó khăn, bà vẫn quyết tâm lo cho cháu ăn học để mai này không cực khổ như bản thân mình.
Căn nhà nhỏ của bà Ba nằm sâu trong con hẻm ở khu phố Bình Nghĩa (phường 6, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) vừa là nơi trú vừa chứa phế liệu được gom về mỗi ngày. Có được căn nhà tình thương bé nhỏ này cũng là công sức đóng góp của rất nhiều người.
Bà Ba kể lại: “Trước đây hai bà cháu che cái chòi ở tạm chỉ sống lay lắt qua ngày. Cách đây 6 năm, đứa em ruột cho mảnh đất nhỏ rồi các mạnh thường quân tại địa phương góp tiền cất căn nhà tình thương nên hai bà cháu mới có chỗ trú ngụ”.
Nói về cuộc đời mình, bà Ba rơm rớm nước mắt không biết tại sao số phận hẩm hiu lại đeo bám mình gần như suốt cuộc đời. Người chồng trước của bà mất năm 1968 để lại 2 đứa con, bà đi bước nữa với người chồng sau cũng được 2 đứa con rồi cuộc sống không hạnh phúc nên đường ai nấy đi. Những đứa con lớn lên rồi lập gia đình, ra ở riêng chỉ mình bà sống với người con gái út trong cảnh nghèo khó.
Năm 1997, người con gái út của bà Ba sống như vợ chồng với một thanh niên ở địa phương. Đến khi mang bầu thì người chồng hờ cũng bỏ mặc. Năm 1998, cháu Nguyễn Tấn Phúc ra đời trong cảnh không cha, người mẹ cũng lên TP Hồ Chí Minh làm thuê để lại cho bà nuôi dưỡng. Đến năm 2004, đứa con của bà bị bệnh rồi qua đời, kể từ đó một mình bà nuôi cháu ngoại mồ côi trong khốn khó.
Bà Ba cho biết: “Khi cháu Phúc mới ra đời, tôi còn sức khỏe nên có thể làm thuê, làm mướn nên hai bà cháu cũng tạm sống qua ngày. Thế nhưng, hơn chục năm nay sức khỏe yếu, tôi chỉ còn cách nhặt phế liệu kiếm được đồng nào hay đồng nấy”. Hai bà cháu sống trong chật vật của khốn khó, túng thiếu nhưng bà Ba vẫn quyết tâm cho cháu Phúc đi học với suy nghĩ có cái chữ sau này chaáu sẽ đỡ khổ hơn mình.
Hàng ngày bà Ba dậy từ 3 giờ sáng để đi khắp các con phố nhặt phế liệu từ vỏ nhựa, giấy vụn, vỏ lon bia… để bán kiếm tiền. Tuổi cao, bà không thể vác vật nặng được nên lúc nào cũng dắt theo chiếc xe đạp rồi chất phế liệu lên để đẩy về nhà. Mỗi ngày bà kiếm nhiều nhất chỉ 30 ngàn đồng, có những ngày chỉ vài ngàn đồng, thậm chí chẳng được đồng nào.
Thu nhập ít ỏi, để nuôi cháu ăn học suốt nhiều năm liền, bà luôn được sự trợ giúp tinh thần, vật chất của chính quyền địa phương, những hàng xóm tốt bụng. Hàng tháng, chính quyền địa phương cho 5 kg gạo để hai bà cháu có cái ăn; nhóm làm từ thiện tại phường 2, TP Bến Tre cũng thường xuyên giúp đỡ thức ăn, các nhu yếu phẩm khác. Bà Trần Kim Anh, ngụ phường 2 (TP Bến Tre) cho biết: “Thấy hoàn cảnh của bà Ba đáng thương nên mấy năm nay nhóm làm từ thiện thường xuyên giới thiệu các mạnh thường quân để giúp đỡ được chút nào hay chút nấy. Hàng ngày bà vẫn phải đi nhặt phế liệu lo cho đứa cháu giờ học tới lớp 12 ai cũng thấy thương”.
Để tiết kiệm chi phí, hai bà cháu thường xuyên ăn cơm chay với rau, nước tương, đậu hũ. Theo tính toán của bà, ăn chay chỉ tốn 10.000 đồng/ngày chứ không có tiền mua thịt cá như nhà người ta. Vì vậy, hai bà cháu mỗi tháng ăn chay khoảng 15 ngày để đỡ tốn chi phí, để dành tiền lo cho đứa cháu ăn học.
Hàng ngày, sau giờ học cháu Phúc cũng phụ bà đi nhặt phế liệu bán kiếm tiền. Nói về ước mơ, Phúc cho biết: “Con rất thích nghề thợ điện và có việc làm ổn định để làm ra tiền trả lại công ơn nuôi dưỡng của bà ngoại. Năm nay con đang học lớp 12, dự kiến sau khi tốt nghiệp con sẽ vô trường SOS ở gần nhà để học nghề 1 năm rồi sẽ đi kiếm việc làm”.
Ông Nguyễn Văn Đức, tổ trưởng tổ 2 (khu phố Bình Nghĩa, phường 6, TP Bến Tre) cho biết: “Hoàn cảnh của bà Ba rất đáng thương khi lớn tuổi mà còn vất vả lượm phế liệu lo cho đứa cháu ăn học. Mấy năm nay, thấy sức khỏe bà yếu nhiều người thương tình để dành phế liệu hễ thấy bà đi ngang qua là cho nhằm giúp bà bớt vất vả hơn. Hàng tháng chính quyền địa phương vận động lo gạo, những dịp đầu năm học, Tết cũng ưu tiên quà giúp đỡ hai bà cháu”.
Hôm chúng tôi tới thăm, căn nhà nhỏ của bà chứa đầy phế liệu là giấy vụn, vỏ chai nhựa. Sức khỏe yếu nên bà cặm cụi, tỉ mỉ sắp xếp từng thứ một cho ngăn nắp. Lát sau, đứa cháu ngoại đi học về, vừa bỏ tập sách, thay quần áo là cùng bà dọn đống phế liệu để chuẩn bị đưa ra vựa bán.
Ngày Tết đã cận kề, trong nhà bà chẳng chuẩn bị bất cứ thứ gì mà chỉ toàn là phế liệu được người ta bỏ đi. Bà tâm sự: “Tôi ráng sống, nhặt nhạnh phế liệu bán để nuôi đứa cháu ngoại mồ côi học hết lớp 12 rồi có chết cũng an lòng!”.
Hoàng Trung