Bà giáo 83 tuổi lập lớp học cho... phụ huynh

(Dân trí) - Nhận thấy việc giáo dục con trẻ giữa nhà trường và gia đình đôi khi bị “vênh”, bà giáo Đàm Lê Đức (năm nay 83 tuổi) thành lập Câu lạc bộ Cha mẹ học sinh tại ngôi trường dạy thêm do mình sáng lập.

Buổi học lấy nước mắt phụ huynh

“Có bao nhiêu phụ huynh trong chúng ta cho con thật nhiều tiền để tiêu xài, thuê người làm thay con tất cả mọi việc. Và rồi con cái chúng ta không biết gì ngoài việc học?”. Ở dưới hội trường, những tiếng “có” của nhiều ông bố bà mẹ vang lên.

“Bao lâu rồi chúng ta không hỏi han con hôm nay ở lớp có điều gì vui không? Bạn bè thế nào? Nhiều người không biết về cô cô chủ nhiệm của con, con chơi với những ai, tâm tư của con như thế nào? Rồi khi con hỏi điều gì đó, chúng ta đã từng xẵng giọng bảo bố mẹ đang bận?”. Không một ai lên tiếng. Nhiều phụ huynh đưa tay quệt nước mắt.

Bà giáo 83 tuổi lập lớp học cho phụ huynh
Nhiều phụ huynh rơi nước mắt khi tham gia những buổi sinh hoạt CLB cha mẹ học sinh Trường Bồi dưỡng Văn hóa 218 Lý Tự Trọng, TPHCM.

Đó là lát cắt trong trong buổi sinh hoạt CLB Cha mẹ học sinh (HS) thuộc Trường Bồi dưỡng Văn hóa 218 Lý Tự Trọng, TPHCM giữa các chuyên gia giáo dục với phụ huynh. Ngôi trường luyện thi, học thêm có hẳn những buổi trao đổi làm cha làm mẹ dành cho phụ huynh được tổ chức 3 tháng một buổi sinh hoạt với những chủ đề gắn việc giáo dục con cái.

Có những buổi sinh hoạt, phụ huynh phải xếp ghế ở ngoài hành lang để nghe tư vấn cũng như chia sẻ những khó khăn và cả kinh nghiệm nuôi dạy con của mình với mọi người. Những câu chuyện, tình huống cụ thể trong việc nuôi dạy con của các chuyên gia, của chính các phụ huynh thường lấy nước mắt rất nhiều người.

Anh Ngô Đình Nghinh, nhà ở Q.12, có con đang học lớp 10 cho hay, trước đây gia đình gặp nhiều tình huống lúng túng trong nuôi dạy con mà chẳng biết làm cách nào. Cho đến một lần, theo lời mời của cô Đức, anh đến tham gia buổi sinh hoạt dành cho phụ huynh thì người làm cha như anh mới vỡ lẽ ra nhiều điều.

“Điều tôi học được lớn nhất từ những buổi sinh hoạt này chưa phải là cách dạy con, thương con thế nào cho đúng. Mà điều hữu ích nhất tôi nhận ra là người làm cha, làm mẹ cũng phải học nếu muốn con mình học tốt”, anh Nghinh bày tỏ.

Có nhiều PH, con đã ra trường từ lâu vẫn tham gia vào CLB, không bỏ một buổi sinh hoạt nào. Lớp học này vẫn được phụ huynh gọi với tên gọi dễ nhớ và thân mật là “lớp cô Đức”. Bởi CLB được thành lập xuất phát từ ý tưởng của bà giáo 83 tuổi Đàm Lê Đức.

Lớp cô Đức

Từng giảng dạy tại ĐH Kinh tế TPHCM, sau khi về hưu, cô Đàm Lê Đức vẫn chẳng thế nào quên được viên phấn, bục giảng. Cô mở Trung tâm Bồi dưỡng Văn hóa 218 Lý Tự Trọng, trở thành nơi ôn luyện văn hóa có tiếng tại TPHCM.

Bà giáo 83 tuổi Đàm Lê Đức chia sẻ với phụ huynh về giáo dục con cái.
Bà giáo 83 tuổi Đàm Lê Đức chia sẻ với phụ huynh về giáo dục con cái.

Mỗi giờ lên lớp, cô Đức thường quan sát cảnh học trò đến trường và lúc ra về. Mỗi lần bố mẹ đưa đón, các em lên xuống xe qua lưng đi thẳng mà không có lấy một lời chào hay cảm ơn bố mẹ, lòng bà giáo già thắt lại.

Cô Đức đã dành hẳn những tiết học để nói với các em về ơn nghĩa sinh thành cùng với bài tập thực hành dành cho HS: hỏi han bố mẹ một vài câu hoặc cảm ơn khi bố mẹ đưa đón.

Rồi cô lại đứng “canh me” để theo dõi các em áp dụng bài tập đạo đức này. Cô chứng kiến những ánh mắt hạnh phúc, xúc động của phụ huynh khi lần đầu cảm nhận được tình cảm của con dành cho mình dù chỉ bằng một câu nói, một lời cảm ơn.

Vậy nhưng, cũng không ít phụ huynh khi nghe con nói lời cảm ơn thì xẵng giọng: “Đừng có lôi thôi, lên xe nhanh mà về”. Lên xe, học trò ngước mắt nhìn cô giáo đầy buồn tủi.

Với quan niệm dù học thêm hay học chính thức thì vấn đề đạo đức HS phải là yếu tố hàng đầu, cô đưa môn đức dục - trí dục vào trường. Nhưng cô nhận ra, để dạy trò học trò hiệu quả thì phải có hợp tác, thống nhất trong giáo dục giữa nhà trường lẫn gia đình nên cô xúc tiến thành lập CLB Cha mẹ học sinh như một cầu nối giữa nhà trường - học sinh - phụ huynh.

Lớp học cô Đức trở thành cầu nối cho nhiều phụ huynh và con cái. 
"Lớp học cô Đức" trở thành cầu nối cho nhiều phụ huynh và con cái. 

Hoạt động từ năm 2006, đến nay CLB đã tổ chức trên 30 buổi sinh hoạt với sự tham gia của hàng chục ngàn lượt phụ huynh trong lẫn ngoài trường. Không chỉ mời các chuyên gia tâm lý, giáo dục, cô giáo Đức còn trực tiếp nói chuyện với PH. Các buổi dạy đức dục - trí dục ở trên lớp, cô Đức yêu cầu HS viết lại cảm nghĩ, chia sẻ của mình. Và ở “lớp học” dành cho phụ huynh, cô chuyển tải lại những tâm tư đó của con trẻ đến bố mẹ để hai bên thấu hiểu lẫn nhau hơn.

Có những phụ huynh bao nhiêu năm chăm lo để con có cuộc sống đầy đủ đến giờ mới biết rằng điều con mình thèm khát nhất là có một bữa cơm đầy đủ các thành viên trong nhà. Những giọt nước mắt của học trò và phụ huynh với cô Đức, chính là giọt nước mắt của sự thấu cảm, của yêu thương. 

Mục tiêu của giáo dục, theo cô Đức là giúp HS hình thành được 3 phẩm chất quan trọng là tự trọng, tự lập và tự do trong suy nghĩ, tư duy. Thế nhưng hiện nay, nhiều HS đang mất đi mục tiêu học tập, nên thiếu đi hoài bão, khát vọng của bản thân. Mà theo cô Đức, gia đình luôn giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong động lực học tập của các em.

“Bố mẹ phải không ngừng học, phải là những nhà giáo dục thật sự nếu muốn con nên người, có ích” là điều bà giáo Đức nhắn nhủ với PH. Và điều này cũng được minh chứng bởi sự hăng say trong công việc của cô Đức. Ở tuổi 83, hàng ngày cô vẫn miệt mài lên lớp. Một ngày nếu không học được điều gì mới mẻ, hữu ích để ghi vào sổ học thì với cô Đức, ngày đó đã trôi qua vô ích.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm