“Bà đỡ” của trẻ tự kỷ
(Dân trí) - Bằng tình yêu thương, sự tận tâm với nghề, cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà cùng các giáo viên tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục Hoà nhập Khai Trí, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc đang từng ngày nỗ lực giúp trẻ mắc chứng tự kỷ sớm hòa nhập với cuộc sống.
Duyên nghề
Tốt nghiệp loại Giỏi chuyên ngành Giáo dục đặc biệt, trường Đại học Sư phạm I Hà Nội, Nguyễn Thị Việt Hà có nhiều cơ hội để lựa chọn một công việc tốt ở thủ đô. Thế nhưng chị quyết định trở về Vĩnh Phúc giúp đỡ những trẻ em đặc biệt bởi chữ “duyên” với nghề.
Hà kể, "từ thời sinh viên, Hà đã đi làm tại một lớp dạy trẻ mắc chứng tự kỷ ở Hà Nội. Trong số các học sinh ngày đó, có một nhóm trẻ đến từ thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc). Hàng tuần, bất kể mưa hay nắng bố mẹ các em đều lặn lội đưa con từ tỉnh lên Hà Nội học 1, 2 tiếng 1 ngày, nhìn thấy mà thương. Nhiều phụ huynh chia sẻ nguyện vọng muốn có một lớp dạy ở tỉnh nên Hà quyết định 1 tuần 3 buổi về Phúc Yên để giúp đỡ các cháu. Biết có lớp dạy, nhiều phụ huynh ở các khu vực khác trong tỉnh cũng mang con đến học, lúc đầu chỉ có 4 học sinh dần dần số các cháu xin học ngày càng tăng”.
Hà nhớ lại lời dạy của thầy giáo “Niềm hạnh phúc nhất của những người trong ngành giáo dục đặc biệt này chính là việc chia sẻ giúp đỡ được những số phận quanh ta”. Hơn nữa, thấy quê hương chưa có trường để trẻ mắc chứng tự kỷ học tập, có người phải đem con xuống Hà Nội, có người tìm giáo viên ở tận Hải Dương, Hải Phòng để đưa con đi học. Điều đó tiếp thêm nhiệt huyết và động lực để Hà theo đuổi nghề đã chọn và quyết tâm trở về quê hương giúp các em trẻ tự kỷ.
Về thành phố Vĩnh Yên, Hà thuê một căn phòng nhỏ để làm nơi dạy trẻ. Dành dụm được hơn 2 triệu đồng cùng với sự trợ giúp của gia đình, Hà đem ra mua bàn, ghế nhựa và tất cả đồ chơi cho các cháu. Tuy lập nghiệp bằng những thứ tưởng chừng đơn giản, thô sơ ấy nhưng bằng lòng yêu nghề, yêu trẻ Hà đã vượt qua nhiều khó khắn để dìu dắt các em. Học sinh nào được cô Hà dạy dỗ cũng tiến bộ nhanh chóng nên phụ huynh tìm đến chị ngày càng đông.
Từ đó, Hà quyết tâm thành lập một trung tâm nuôi dạy trẻ mắc chứng tự kỷ, tìm thêm những người bạn cùng chuyên ngành và tâm huyết để điều kiện tốt hơn đáp ứng một phần nhu cầu học của trẻ tự kỷ trên địa bàn tỉnh. Năm 2011, Trung tâm Khai Trí do Hà lập ra đã xây những viên gạch đầu tiên cho ngành giáo dục đặc biệt này tại Vĩnh Phúc.
Đến với Trung tâm can thiệp sớm Khai Trí , Vĩnh Phúc những ngày đông lạnh giá mới cảm nhận rõ hơn tình thương, sự ấm áp mà Hà và những giáo viên trẻ dành cho các em. Trung tâm đã trở thành “ngôi nhà thứ hai” giúp trẻ tự kỷ có thể sớm hòa nhập với cộng đồng.
Nặng lòng với nghiệp
Hà cho biết, dạy trẻ Tự kỷ khá phức tạp, giáo viên cần có giáo án cụ thể, chi tiết về nội dung. Đặc biệt, mỗi giáo viên khi chăm sóc phải quan sát các em để hiểu rõ hơn sở thích, sở ghét của trẻ, hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của mỗi em từ đó để lựa chọn phương pháp cho phù hợp giúp trẻ cảm thấy thích thú với việc học. Dù đã được đào tạo bài bản đúng chuyên ngành nhưng khi tiếp xúc trực tiếp với nhiều trẻ, Hà gặp không ít khó khăn.
"Ở đây, mỗi trẻ đều có những biểu hiện khác nhau. Khi mới đến lớp, nhiều cháu: la hét, chạy nhảy liên tục, không nói chuyện, không có nhận thức… thậm chí đánh và cắn giáo viên. Ngày đầu tiên mình đi dạy mình gặp một bé gái mắc bệnh tự kỷ ra chào nhưng không hiểu vì sao em đó tát mình bốn cái liên tiếp. Lúc đó sốc lắm, lại cảm thấy tủi thân, khóc rất nhiều, nhưng sau nghĩ lại, đã chọn nghề thì phải quyết tâm vượt qua những áp lực tâm lý ban đầu đó” - Hà tâm sự.
Niềm hạnh phúc của cô giáo Hà.
Dạy trẻ mắc chứng tự kỷ, các cô giáo đều thừa nhận rằng, chính bọn trẻ giúp mình kiên trì và nhẫn lại bởi dạy trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ mắc chứng tự kỷ lại càng cần kiễn nhẫn nhiều hơn, hành vi nào của các em cũng gây ra ức chế. Tuy vất vả, mệt mỏi nhưng hầu hết cô giáo ở Trung tâm đều yêu thương, kiên trì với học trò vì họ biết rằng mình đang chia sẻ thiệt thòi với các cháu, nỗi đau của các bậc cha mẹ.
“Nhiều lúc cũng cảm thấp mệt mỏi lắm nhưng khi thấy các cháu làm được điều gì mới là mình cảm thấy rất hạnh phúc. Có hôm, phụ huynh chỉ cần khoe con mình nói được 2 từ “vui quá” mà mình vui mừng đến phát khóc” Hà chia sẻ.
Để có thể dạy trẻ tự kỷ tốt, giáo viên còn phải thường xuyên kìm tiếm tài liệu, tham khảo các phương pháp mới của nước ngoài để đưa các phương án học tập tốt nhất cho các em. Theo Hà, trẻ mắc chứng tự kỷ được can thiệp sớm trong thời gian vàng (từ 20 đến 36 tháng tuổi) trẻ sẽ học tập các kỹ năng cơ bản nhanh hơn và hoàn toàn hòa nhập với cộng đồng.
Điều lo lắng lớn nhất của người giáo viên tâm huyết này là hiện nay có nhiều phụ huynh không nhận thức đúng đắn về trẻ mắc chứng tự kỷ. Nhiều bố mẹ vì sĩ diện của bản thân, mặc dù con có biểu hiện rõ ràng nhưng nhất định không chịu nhận con mình bị mắc chứng tự kỷ và để tình trạng của các cháu ngày càng nặng hơn.
“Mình đã gặp rất nhiều trường hợp các cháu đến trung tâm để làm bài kiểm tra và khẳng định là em bị mắc chứng tự kỷ, cần được can thiệp sớm để phát triển bình thường nhưng gặp phải sự phản đối kịch liệt của bố mẹ. Có lần bố mẹ đưa trẻ về sau đó vài tháng lại chở em lên nhờ giúp đỡ. Đến lúc này, tình trạng của các em trở nên nặng hơn và việc can thiệp cũng trở nên khó khăn" - Hà cho hay.
Với cá nhân Hà, có thể giúp được càng nhiều trẻ tự kỷ hòa nhập được với cuộc sống chính là món quà lớn nhất, chị không giấu được cảm xúc vui mừng khi kể rằng từ khi Trung tâm mở ra, nhiều trẻ ra trường đã có sự hòa nhập tốt với xã hội, có cháu còn đạt danh hiệu học sinh gỏi, làm cán bộ lớp.
Gần mười năm chăm sóc trẻ mắc chứng tự kỷ đủ để Hà nếm trải những khó khăn, vất vả của nghề, đủ để thấy cái tâm của một cô giáo nặng lòng với trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật trí tuệ và trẻ chậm nói.
Hy vọng những chia sẻ của Hà nói riêng, những cô giáo dạy trẻ mắc chứng tự kỷ nói chung sẽ giúp cộng đồng và xã hội ủng hộ, cùng chung tay mang lại một tương lai tươi sáng đến với trẻ em mắc chứng tự kỷ.
Xuyên Vũ