Hội nghị Hội đồng Giáo giới Asean lần thứ 25:

Asean giúp nhau nâng cao chất lượng giáo dục

(Dân trí) - Sáng 11/12, tại Hà Nội, Hội nghị Hội đồng giáo giới Asean lần thứ 25 đã được tổ chức tại Hà Nội. Chủ đề Hội nghị là “Hội đồng giáo giới Asean ứng phó với suy thoái kinh tế toàn cầu nhằm đảm bảo phát triển bền vững giáo dục”.

Tham dự Hội nghị là đại biểu Công đoàn giáo giới các nước Asean cùng đại diện các tổ chức công đoàn quốc tế và Việt Nam.
 
Asean giúp nhau nâng cao chất lượng giáo dục - 1
Hình ảnh tại Hội nghị Hội đồng giáo giới Asean lần thứ 25, sáng 11/12 tại Hà Nội
 
Theo báo cáo tại Hội nghị, cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới cùng với thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh đã làm cho đời sống nhân dân nhiều nước gặp khó khăn, tác động tiêu cực nhiều đến sự nghiệp giáo dục đào tạo mỗi nước như học sinh bỏ học; bất bình đẳng trong hưởng thụ nền giáo dục cơ bản; chất lượng giáo dục đào tạo hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu xã hội; chất lượng đội ngũ nhà giáo chưa cao và đời sống còn gặp nhiều khó khăn… tiếp tục gia tăng.

Những vấn đề trên, đã trở thành những thách thức không nhỏ đối với việc đảm bảo phát triển sự nghiệp phát triển giáo dục bền vững và cũng là những vấn đề đặt ra cần có sự giải quyết của đội ngũ nhà giáo và tổ chức công đoàn giáo dục ở mỗi nước…

Do vậy, tại Hội nghị này, đại diện đoàn đại biểu Công đoàn giáo giới các nước sẽ có tham luận và đề xuất, sáng kiến góp phần giải quyết những vấn đề đã và đang đặt ra của giáo dục - đào tạo ở mỗi nước và khu vực. Đặc biệt, các đại biểu tập trung thảo luận về vấn đề chất lượng dạy và học ở PTTH, ĐH,CĐ; đời sống, chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục… Từ đó, căn cứ vào điều kiện cụ thể của nước mình, Công đoàn giáo giới ở mỗi nước nghiên cứu, lựa chọn và vận dụng những giải pháp thích hợp, góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục – đào tạo phát triển.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra những thách thức trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay như: học sinh bỏ học; phương pháp giảng dạy bao gồm cả việc ứng dụng CNTT; chất lượng quản lý các trường đại học; chất lượng xây dựng các trường học; việc phân bổ ngân sách được sử dụng không có hiệu quả; làm sao để trẻ em Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng cho hội nhập mà vẫn tiếp tục duy trì được nền văn hóa truyền thống...

Trước thách thức này, Bộ GD-ĐT đã đưa ra nhiều biện pháp như thực hiện “3 đủ” để trẻ em đủ ăn, đủ quần áo, sách vở để đến trường; thực hiện phong trào mỗi giáo viên là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo; phong trào trường học thân thiện - học sinh tích cực; đào tạo để nâng cao năng lực cho các hiệu trưởng; thực hiện “3 công khai”; tham gia chương trình kiểm định chất lượng đại học và thực hiện đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội…

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm