Áp lực từ đồ dùng dạy học

Chương trình giáo dục mầm non mới hướng dẫn cách tạo ra môi trường hoạt động cho trẻ nhưng phần quan trọng nhất là đồ dùng dạy học thì lại thiếu nghiêm trọng.

Cứ đầu tháng 8, khi chưa tựu trường thì một nhóm giáo viên (GV) Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4, TPHCM lại tập hợp sớm tại trường để làm đồ dùng dạy học. Cô giáo Bùi Thị Thu Dung cho biết tùy bài giảng và môn học mà GV sẽ thiết kế và sáng tạo đồ dùng. “Với lứa tuổi lớp 1 và lớp 2, chúng tôi phải làm đồ dùng thường xuyên. Mọi thứ phải trực quan, sinh động thì mới hấp dẫn được các em. Học sinh thích thú thì bài giảng mới thành công”- cô Dung chia sẻ.

 

Áp lực từ đồ dùng dạy học  - 1
Một giáo viên ở TPHCM đang tự làm đồ dùng dạy học.

 

Cả nhà cùng làm

 

Những miếng xốp cũ, những cuộn phim hỏng hay vỏ lon bia, bìa cứng... đối với người khác có thể là đồ phế thải nhưng với các GV mầm non, tiểu học thì khác.

 

Nhiều GV tâm sự để làm được nhiều loại đồ dùng dạy học, họ phải tận dụng mọi nguồn nguyên, vật liệu từ gia đình, ở nhà trường thậm chí khuyến khích phụ huynh ủng hộ và tận dụng những vật dụng trong nhà đã vứt bỏ.

 

Qua tìm hiểu của chúng tôi, việc tự làm đồ dùng dạy học không còn là chuyện hiếm ở các trường tại TPHCM. Nhiều GV cho biết việc tự thiết kế, sáng tạo đồ dùng giảng dạy chiếm rất nhiều công sức.

 

“Cả ngày trên lớp đã mệt nhưng tối đến nhiều GV còn phải trăn trở để làm đồ dùng dạy học. Nhiều hôm còn huy động cả chồng và con phụ cắt, dán, trang trí cho nhanh” - hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Lư, quận 1, tâm sự.

 

Bà Phạm Thúy Hà, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4, TPHCM, cho biết mỗi năm ngành giáo dục cấp cho GV theo từng khối lớp một bộ đồ dùng dạy học nhưng chỉ là đồ dùng tối thiểu và cơ bản nhất. Tùy điều kiện từng trường mà có mức hỗ trợ thêm cho GV.

 

Muốn bài giảng lôi cuốn, hầu hết GV phải tự làm dụng cụ dạy học vì đồ được cấp thường đơn điệu.

 

“Đầu năm, trường cấp cho mỗi giáo viên 300.000 đồng để mua sắm vật dụng cần làm. Tuy nhiên, giá cả ngày càng tăng nên GV khó tránh khỏi phải bỏ thêm tiền túi để trang trải.

Đồ dùng được cấp cũng không tính đến tình trạng nở sĩ số. Lớp đông mà đồ dùng ít thì cái khó lại đẩy sang phía GV” - bà Hà chia sẻ.

Hiệu trưởng một trường tiểu học thừa nhận: “Nếu GV không làm đồ dùng dạy học thì chỉ có cách dạy chay. Khó lòng đổi mới phương pháp giảng dạy khi chỉ dạy bằng bảng đen và phấn trắng”.

 

Bà Nguyễn Nữ Lan Hương, hiệu trưởng Trường mầm non 8, quận 3, cho biết trường không ép GV làm đồ dùng dạy học nhưng áp lực từ bài giảng khiến GV không làm thì lấy gì dạy.

 

“GV phải yêu nghề, sáng tạo, thường xuyên liên tưởng đến công việc thì mới có thể tạo ra nhiều đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Hầu như GV nào cũng phải sáng tạo chỉ có khác là sáng tạo nhiều hay ít”- bà Hương thổ lộ.

 

Cũng có khi ý tưởng tạo đồ dùng mới nảy sinh từ những thiết bị dạy học cơ bản mà GV được trang bị. “Giảng cho học sinh về đoàn tàu mà chỉ có hình ảnh dán lên bảng thì học sinh nhanh chán. Chúng tôi phải thiết kế những toa tàu mang nhiều màu sắc dán lên hình những con thú ngộ nghĩnh nên các cháu thích hơn”- cô giáo Dung  lý giải.

 

Quá cực

 

Với bậc học mầm non, chương trình giáo dục mầm non mới hướng dẫn cách tạo ra môi trường hoạt động cho trẻ nhưng theo nhiều GV, đồ dùng dạy học - một phần quan trọng trong môi trường hoạt động của trẻ thì lại đang thiếu nghiêm trọng.

 

“GV phải chia nhau cho các bé vào thư viện vì thiếu sách, thiếu đồ chơi, quy định GV phải có sách tự làm nhưng làm một cuốn sách mất rất nhiều thời gian từ sưu tầm, cắt dán, chú thích, trang trí, đóng bìa, mà không phải lúc nào cũng sẵn để làm”- bà Hương cho biết. Cũng theo bà, thời gian biểu của một GV mầm non bắt đầu từ 6 giờ 30 phút cho đến gần hết ngày nhưng phải gánh thêm nỗi lo làm đồ dùng dạy học là quá cực.

 

Mặc dù Bộ GD-ĐT không có quy định bắt buộc GV phải làm đồ dùng dạy học nhưng theo tâm sự của một cán bộ ngành giáo dục, những quy định phía sau còn khiến GV mệt mỏi hơn.

 

“Những lần dự giờ đều đòi hỏi những tiêu chuẩn đánh giá như tiết học có đổi mới không? Có sử dụng đồ dùng dạy học tự làm không? Một tuần có khoảng 2 tiết dự giờ đã đủ khiến GV chìm trong áp lực. Một GV mầm non phải kiêm luôn nhiệm vụ của bảo mẫu, cấp dưỡng, lao công mà còn thêm nhiệm vụ làm đồ chơi là rất khó hiểu”- vị cán bộ này phân tích.

 

Theo Người Lao Động