Áp lực học tập khiến nhiều trẻ bị rối loạn sức khỏe tâm sinh lý
(Dân trí) - Đây là cảnh báo của chuyên gia về áp lực học tập và an toàn trường học tại buổi tọa đàm khoa học với chủ đề: “Trường học hạnh phúc” do Viện Tâm lý và tâm thần Việt – Pháp phối hợp cùng Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức.
Vì sao trẻ sợ đến trường?
Theo GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Viện trưởng Viện tâm lý và tâm thần Việt Pháp cho biết, nghiên cứu mới đây được Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (2/2018) vấn đề áp lực học tập là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em Việt Nam rối loạn về sức khỏe tâm sinh lý. Từ đó dẫn đến tình trạng sợ đến trường học, giảm sút kết quả học tập, thậm chí nhiều em đã tìm đến cái chết do không đạt được điểm số kỳ vọng như bố mẹ, thầy cô mong đợi.
GS Lộc dẫn chứng, theo thống kê của ngành công an, trong quý 1/2019 có đến 310 vụ bạo lực học đường trên cả nước, đa số ở bậc THCS và THPT.
Như vậy, ngoài các vấn đề về áp lực bài vở, các mối quan hệ giữa giáo viên – học sinh – gia đình – bạn bè cũng là điều ảnh hướng rất lớn đến việc trẻ có thích đến trường hay không.
“Đây chính là bài toán chất lượng môi trường trường học, trẻ cần được học tập, vui chơi trong nền giáo dục thực sự toàn diện cả về kiến thức lẫn tâm lý” - GS Lộc nhấn mạnh.
Tại buổi tọa đàm, cô giáo Nguyễn Thị Mai chia sẻ, dù biết học sinh của mình áp lực bài tập rất lớn nhưng buộc lòng vẫn phải dạy đủ số tiết, đủ lượng kiến thức đã quy định theo khung chuẩn, nếu không sẽ không kịp tiến độ sách giáo khoa. Nếu linh hoạt cho các em chơi nhiều quá thì sợ sẽ ảnh hưởng đến điểm số thi cử của các em, rất khó cho giáo viên.
GS.TS Agnes Florin (chuyên gia tâm lý trẻ em và giáo dục, Cộng hòa Pháp) cho biết, hạnh phúc của tuổi thơ sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới kết quả học và quá trình lớn lên của trẻ sau này.
Sự hạnh phúc của học sinh là những đánh giá cá nhân về nhận thức, cảm xúc trải nghiệm trong nhà trường bằng tiêu chí như: mức hài lòng về các mối quan hệ ở trường nói chung (giáo viên, bạn bè) quan hệ trong và ngoài lớp… đặc biệt là cảm giác an toàn và vui vẻ khi đến trường.
GS Agnes Florin đã chỉ ra những nguyên nhân tiêu cực khiến trẻ sợ đến trường như: các em phải làm quá nhiều bài tập về nhà, học nhiều khi ở trường, giáo viên không thường xuyên khen ngợi học sinh, sợ bị điểm kém về nhà ba mẹ đánh đòn, sợ giáo viên trao đổi với phu huynh về điểm số và tình hình học tập.... Ngoài ra, các em luôn sợ hãi bị mất đồ, sợ bị bạn đánh, bắt nạt, sợ bị nói xấu và xa lánh…
“Chính sự áp lực đó, gây ra ức chế thần kinh cho trẻ, khiến chúng cảm thấy mệt mỏi mỗi khi tới trường. Mỗi em sẽ biểu hiện ra bằng hành động ở mức độ khác nhau, tùy thuộc vào sự ức chế nhiều hay ít ở bên trong” – GS Agnes Florin nhấn mạnh.
GS Agnes Florin cho hay, từng có rất nhiều nghiên cứu giữa sự hài lòng của học sinh với kết quả học tập. Nếu một bạn nhỏ hài lòng về nhà trường, yêu cô giáo, hòa đồng với các bạn, không bị áp lực bài vở nhiều và thích thú với việc đi học thì kết quả học cũng sẽ tốt hơn rất nhiều. Nhất là ở bậc THCS, THPT khi các em đã nhận thức được yêu thích và chống đối lại cái mình không thích thì điều này càng thể hiện rõ ràng.
Học càng nhiều, điểm số càng thấp
Về áp lực điểm số, GS Agnes Florin đã nghiên cứu trên 40 quốc gia, trong đó có Việt Nam đều cho thấy, không một học sinh nào có được điểm số học tập tốt nếu bị ép theo với cường độ học tập quá căng thẳng, nhịp độ học lớn hơn nhịp độ nghỉ ngơi.
GS Agnes Florin nhận định, hiện có đến gần 70% các trường học hiện tại vẫn chưa quan tâm đúng mức đến cải cách nhịp độ học, đa số vẫn theo lịch học giáo dục truyền thống từ trước đến nay.
“Chúng ta đừng hiểu lầm rằng cứ nhiều giờ học liên tục thì sẽ có kết quả cao. Đã đến lúc các trường nên tính toán đến phương án điều chỉnh xen kẽ nhiều hơn những hoat động ngoại khóa, thể dục thể thao, văn nghệ…giữa hai tiết học từ 15- 20 phút” - GS Agnes Florin đề xuất.
Các thầy cô càng khen thì trò càng thích thú khi tới lớp
GS Agnes Florin cho hay, mối quan hệ giữa thầy và trò cũng sẽ quyết định việc tạo hứng học và kết quả học tập. Các thầy cô thường xuyên khen ngợi, cùng tiếng nói với học trò, bảo vệ và không gây áp lực lên trò sẽ tạo ra lòng cảm mến tốt, giúp trẻ thích thú tới lớp mỗi ngày.
Vì thầy cô là người trực tiếp giảng cho học sinh, là người có quyền linh hoạt trong việc giảng dạy, thay đổi cách tiếp cận vấn đề, cởi mở hơn trong việc truyền đạt kiến thức. Ví dụ, nếu thấy học sinh mệt mỏi, không hứng thú, giáo viên nên cho các em nghỉ ngơi, chơi trò đố vui tại lớp hoặc cho học sinh ngồi thư giãn 10 phút… tùy vào trạng thái của học sinh mà linh hoạt để các em thoải mái trước khi bước vào bài.
Tùy vào đặc thù từng bậc học sẽ có những điều chỉnh khác nhau, nhưng cơ bản giáo viên không nên cứng nhắc, miễn sao vừa giúp học sinh thoải mái lại vẫn đảm bảo được lượng kiến thức như khung chương trình chuẩn đã quy định, kết quả học tập sẽ tốt hơn, GS Agnes Florin khuyên các thầy cô.
GS Agnes Florin, Việc chăm lo đến hạnh phúc của trẻ ở trường là vấn đề thời đại cần phải làm ngay, chúng song hành cùng giáo dục kiến thức rất quan trọng. Nhưng để thay đổi được điều đó rất khó, cần một lộ trình dài, sự vào cuộc từ gia đình, nhà trường, thầy cô và chính các bạn học sinh linh động hơn trong tổ chức và tham gia hoạt động.
Hà Cường