Anh chàng nói thạo 9 thứ tiếng chia sẻ bí quyết học ngoại ngữ
(Dân trí) - Anh chàng có khả năng nói thành thạo 9 thứ tiếng "bật mí" một số lời khuyên hữu ích cho những người muốn học giỏi ngoại ngữ. Mời bạn đọc tham khảo để áp dụng cho việc học của mình nhé.
Matthew Youlden nói được 9 thứ tiếng một cách thành thạo và hiểu được hơn chục thứ tiếng khác. Mong muốn trợ giúp những người khao khát học giỏi ngoại ngữ, anh có 10 lời khuyên dưới đây.
1. Biết rằng tại sao bạn đang học ngoại ngữ đó
Điều này nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng nếu bạn không có lý do tốt để học một ngoại ngữ nào đó, bạn sẽ ít khả năng giữ được động lực trong thời gian dài. Dù cho bạn muốn học ngoại ngữ vì lý do gì, một khi bạn đã quyết định học ngoại ngữ đó, rất cần thiết phải cam kết rằng: “Đúng vậy, tôi muốn học ngoại ngữ này và bởi vậy tôi sẽ làm mọi việc mình có thể để nắm được ngôn ngữ này”.
2. Tìm bạn học cùng
Matthew học một vài ngoại ngữ cùng với người em sinh đôi của mình, Michael (hai anh em học ngoại ngữ đầu tiên - tiếng Hy Lạp khi mới 8 tuổi!). Matthew và Michael thi đua với nhau một cách lành mạnh: “Chúng tôi rất có động lực học. Chúng tôi thúc đẩy lẫn nhau để thực sự giỏi ngoại ngữ đó. Vì vậy, nếu em tôi nhận thấy tôi giỏi hơn cậu ấy, cậu sẽ cảm thấy hơi ganh tỵ và lại cố gắng để vượt tôi. Và quá trình học cứ tiếp diễn như thế”.
Kể cả khi bạn không có anh chị em để cùng “chinh phục” một ngoại ngữ, việc có bạn cùng học ngoại ngữ sẽ thúc đẩy cả hai bạn cố gắng nhiều hơn và duy trì được động lực.
3. Nói chuyện với chính mình
Khi bạn không có ai để nói cùng, cũng không sao cả vì bạn có thể nói với chính mình. Matthew nói rằng: “Điều này nghe có vẻ rất buồn cười, nhưng thực sự là việc nói với chính mình trong ngôn ngữ mà mình đang học là một cách tốt để thực hành nếu bạn chưa thể sử dụng ngôn ngữ đó”.
Việc này có thể giúp bạn ghi nhớ từ và cụm từ mới đồng thời xây dựng sự tự tin khi bạn nói chuyện với người khác sau này.
4. Nhớ mục tiêu của mình khi học
Nếu bạn coi việc có thể giao tiếp là mục tiêu từ khi bắt đầu học ngôn ngữ mới, bạn sẽ không chìm đắm vào sách giáo khoa. Việc nói chuyện với mọi người sẽ giúp bạn theo đuổi được mục tiêu đề ra từ lúc đầu.
Matthew lý giải: “Bạn học một ngôn ngữ là để có thể sử dụng ngôn ngữ đó. Bạn không học để nói chuyện với chính mình. Mà bạn học để có thể sử dụng ngôn ngữ đó vào những tính huống hàng ngày một cách hữu ích hơn, có thể là để trò chuyện với mọi người, hay sử dụng ngôn ngữ đó khi đi du lịch nước ngoài”.
5. Chơi vui với ngôn ngữ đó
Sử dụng ngôn ngữ mà bạn đang học theo bất cứ cách nào chính là một hành động sáng tạo. Hãy nghĩ ra một vài cách thật vui để thực hành ngôn ngữ đó. Ví dụ bạn có thể làm thơ bằng ngôn ngữ đó, vẽ truyện tranh sử dụng ngôn ngữ đó, hoặc đơn giản là nói chuyện với bất cứ ai mà bạn có thể. Nếu bạn không tìm được cách chơi vui với ngôn ngữ đó, rất có thể là bạn không làm theo bước 4.
6. Học như một đứa trẻ
Học ngoại ngữ như một đứa trẻ có nghĩa là có thái độ như trẻ thơ khi học: bạn có thể e dè ngượng ngập và sẵn sàng mắc lỗi.
Quả thật là chúng ta học bằng cách mắc lỗi. Người ta thường nghĩ rằng, trẻ con thì mắc lỗi cũng không sao, còn với người lớn thì việc mắc lỗi là điều cấm kỵ. Nhưng không sao cả. Khi học một ngôn ngữ mới, việc thừa nhận rằng bạn không biết mọi thứ (và thấy bình thường với việc đó) là chìa khóa để phát triển. Hãy buông bỏ những “mặc cảm người lớn” của mình!
7. Rời vùng thoải mái của bạn
Sẵn sàng mắc lỗi có nghĩa là sẵn sàng đặt bản thân vào những hoàn cảnh dễ gây lúng túng. Điều này có thể khiến bạn hoảng sợ, nhưng đó là cách duy nhất để cải thiện trình độ ngoại ngữ của bạn. Dù bạn học nhiều thế nào, bạn sẽ không thể nói được ngôn ngữ đó nếu không đặt mình vào những tình huống sau: nói chuyện với người lạ bằng ngôn ngữ đó, hỏi đường, gọi món ăn hoặc kể chuyện đùa bằng ngôn ngữ đó. Bạn càng thực hành việc này càng nhiều, vùng thoải mái của bạn sẽ trở nên rộng hơn và bạn sẽ càng cảm thấy dễ chịu hơn trong những tình huống mới.
8. Lắng nghe
Bạn phải lắng nghe trước khi bạn có thể nói. Mọi ngôn ngữ đều nghe có vẻ lạ khi bạn nghe lần đầu, nhưng bạn càng nghe nhiều, bạn càng thấy quen thuộc, và càng dễ để nói đúng ngôn ngữ đó.
Matthew chia sẻ: “Đối với tôi, cách tốt nhất để học ngoại ngữ là thực sự nghe ngôn ngữ đó thường xuyên, lắng nghe chăm chú và có thể hình dung cách phát âm, bởi vì với mỗi âm thì chúng ta lại dùng một phần nhất định của miệng hoặc cổ họng để tạo ra âm đó”.
9. Nhìn mọi người trò chuyện
Những ngôn ngữ khác nhau lại có những yêu cầu khác nhau về lưỡi, môi và cổ họng khi phát âm. Matthew nói rằng việc nhìn người khác khi họ nói chuyện để biết họ phát âm như thế nào thì nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng hãy thử bắt chước họ càng nhiều càng tốt. Thoạt đầu việc này có thể khó khăn, nhưng bạn sẽ làm được. Điều này thực sự dễ làm, bạn chỉ cần thực hành là được.
Nếu bạn không thể nhìn người bản ngữ nói chuyện và bắt chước, bạn có thể xem phim và chương trình tivi bằng ngoại ngữ đó có kèm phụ đề.
10. “Tắm trong ngôn ngữ”
Matthew nhấn mạnh rằng, dù bạn sử dụng phương pháp nào để học ngoại ngữ, điều thiết yếu là bạn cần thực hành ngôn ngữ đó hàng ngày. Có thể là nói chuyện với chính mình bằng ngôn ngữ đó, viết email, nghe nhạc, nghe đài… Hãy bao quanh bạn bằng ngôn ngữ đó, việc “tắm” mình vào văn hóa của ngôn ngữ mới là điều cực kỳ quan trọng.
Hãy nhớ rằng, kết quả tốt nhất của việc thực hành nói ngôn ngữ mới là người ta nói chuyện lại với bạn. Có thể nói được một cuộc hội thoại đơn giản tự nó đã là phần thưởng lớn với bạn rồi. Khi bạn đạt được từng mốc một, bạn sẽ thấy dễ dàng hơn để duy trì động lực học ngoại ngữ và tiếp tục thực hành. Và đừng lo lắng, bạn sẽ không khiến người khác bực mình nếu bạn nói ngôn ngữ của họ không được trôi chảy. Nếu bạn nói với họ rằng “Tôi đang học và tôi rất muốn thực hành”, đa số mọi người sẽ kiên nhẫn với bạn, khuyến khích bạn và vui lòng giúp bạn.
Việc nói với người khác bằng ngôn ngữ của họ sẽ khiến họ thấy thoải mái và tạo được cảm giác tốt đẹp. Mathew kết luận: “Tất nhiên là bạn có thể du lịch nước ngoài và vẫn dùng tiếng mẹ đẻ của mình. Nhưng bạn sẽ cảm thấy thực sự dễ chịu ở một nơi xa lạ nếu bạn có thể giao tiếp, có thể hiểu và có thể tương tác trong mỗi tình huống gặp phải”.
Xuân Vũ
Theo Babbel