Đắk Nông:

Ấn tượng lớp học xóa mù chữ dành cho bà con xã nghèo

(Dân trí) - Từ hơn 1 năm nay, cứ vào buổi tối, bà con tại xã Long Sơn (huyện Đắk Mil, Đắk Nông) lại đến Trường tiểu học Kim Đồng trong xã để học lớp xóa mù chữ cho người lớn tuổi do giáo viên của trường tận tình hướng dẫn. Sự hiếu học và khao khát biết chữ của bà con nơi đây khiến nhiều người khâm phục.

Cứ 7 giờ tối, bà con lại cắp sách, vở tới lớp học chữ
Cứ 7 giờ tối, bà con lại cắp sách, vở tới lớp học chữ.

 

Ngày đi làm, tối đến lớp học con chữ

 

Nằm cách trung tâm huyện Đắk Mil chừng 10km, Trường tiểu học Kim Đồng nằm tại xã Long Sơn - một trong những xã khó khăn nhất huyện, với tỷ lệ mù chữ trong xã chiếm tới 1/8 dân cư địa phương. Dân số tại xã chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao, Mông chiếm tới trên 94%, đa phần các hộ dân đều là hộ nghèo và hộ cận nghèo, kinh tế còn nhiều khó khăn.

 

Ở nơi cái nghèo còn bủa vây, nỗi lo “cơm áo gạo tiền” còn là điều khó khăn trong cuộc sống thì việc được đi học, được biết chữ tưởng chừng như đó là điều “xa vời” với bà con nơi đây.

 

Từ thực tế người dân không biết chữ dẫn đến việc tiếp cận với các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, đối với các thủ tục hành chính, hầu hết các bà con trong xã do không biết chữ nên không nắm được các nội dung và thay vì ký chữ thì chỉ biết điểm chỉ vào các biên bản. Chính vì vậy, UBND xã Long Sơn đã trình lên UBND huyện và xin được mở lớp xóa mù chữ cho bà con đã lớn tuổi tại địa phương.

 

Sau khi được chấp thuận cho mở lớp, vào tháng 7/2013, lớp học xóa mù chữ chính thức được khai giảng tại Trường tiểu học Kim Đồng, ban đầu lớp học thưa thớt chưa được chục học viên, bởi đa số ai đều nghĩ mình lớn đã lớn tuổi thì không cần biết chữ để làm gì, và đi học tốn thời gian và còn “ngại” với con cháu.

 

Trước những khó khăn của bà con nơi đây các giáo viên trong trường cùng các cán bộ tại xã đã kiên trì đi vận động từng gia đình, khuyên bảo từng người một để lập danh sách lớp học.

 

“Những ngày đầu quả thật rất khó khăn, bà con còn ngại với việc cắp sách vở đi học vào buổi tối, và cũng sợ mất thời gian nên từ chối nhiều nhưng khi được khuyên những lợi ích từ việc biết được cái chữ thì bà con cũng thử đến lớp, sau vài buổi thích nghi, người này nói với người kia, nên lớp nhanh chóng đầy đủ”, cô Lê Thu Thảo - giáo viên chính của lớp học tâm sự.

 

Khóa đầu tiên của trường, có hơn 70 học viên được dạy chương trình lớp 1, các học viên có tuổi đời từ 25 đến 50 tuổi, hầu hết các học viên đều đã lập gia đình, không ít người còn lên chức ông, bà nhưng ai cũng háo hức đến lớp. Các học viên tới lớp đều được nhận sách vở, bút đầy đủ và hoàn toàn miễn phí.

 

Hàng ngày, đều đặn vào lúc 19h từ thứ 2 đến thứ 6, bà con xã Long Sơn lại í ới gọi nhau, mang sắp vở đến lớp. Để không chậm giờ tới lớp, cứ đến chập tối là bà con nhanh chóng cơm nước, dọn dẹp rồi cắp sách vở tới lớp để học con chữ. Có nhiều người còn bận cả “con mọn” nhưng vẫn muốn tới lớp nên chấp nhận địu con tới lớp học chữ.

 

Hầu hết các học viên của lớp đều chưa từng biết đến con chữ, chưa biết đọc biết viết và chưa từng được đến lớp lần nào. Cũng có một số ít học viên đã từng biết chữ, nhưng học bỏ bê và mải chạy theo việc nương rẫy nên đã "bỏ ngang" và hiện tại cũng không còn nhớ chút gì về các chữ cái.

 

“Giờ đi đâu tôi cũng an tâm vì đã biết đọc, viết…”

 

Nhìn bàn tay chai sần vì cầm cuốc, cầm cày vụng về cầm bút nắn nót viết từng chữ cái khiến nhiều người khâm phục ý chí quyết tâm của người dân nơi đây. Trải qua 5 tháng đầu tiên và hoàn thành chương trình lớp 1, các học viên đã có thể đánh vần đọc được tất cả các chữ cái, nhiều người có thể tự viết được tên của mình lên giấy.

 

Bà con chăm chú nghe cô giáo giảng bài
Bà con chăm chú nghe cô giáo giảng bài.

 

Chị Nông Thị Xanh (38 tuổi) phấn khởi cho biết: “Từ hồi trường mở lớp, tôi cùng mấy người hàng xóm đi học, từ giờ đã biết viết chữ nên sắp tới tôi sẽ đi thi bằng lái để có thể chạy xe máy ra trung tâm huyện mà không lo lắng như trước đây”.

 

Cùng tâm trạng, chị Vy Thị Thiếp (39 tuổi) vui mừng vì đã đọc được chữ, chị cho biết trước đây khi ra ủy ban xã hay đi làm giấy tờ sổ đỏ, bất cứ giấy tờ nào cần chị ký tên chị đều lắc đầu vì không biết chữ, lúc đó chỉ biết điểm chỉ vào giấy, từ ngày biết chữ, chị thấy bản thân được học hỏi biết bao điều mới lạ.

 

“Giờ đi đâu tôi cũng an tâm vì đã biết đọc, viết và ký được tên mình luôn, nên an tâm nhiều lắm”, chị Tiếp phấn khởi khoe.

 

Tuy vậy, không ít học viên phải đối mặt với những khó khăn để được đến lớp học chữ. Chuyện của chị Hoàng Thị Hòi (39 tuổi) là trường hợp mà các học viên luôn nhớ mãi, bởi sự cương quyết đến lớp học của chị. Sau khi trường mở lớp, bà con rủ nhau đi học, chị Hòi cũng muốn biết chữ nên bàn với chồng cho đi học buổi tối, nhưng chồng chị không ủng hộ bởi cho rằng "già rồi học để làm gì".

 

Nghe chồng nói vậy, chị Hòi cương quyết cãi lại và chị vẫn đến lớp như dự định, đến nay khi thấy vợ đi học được biết con chữ, chồng chị thấy vui mừng ra hẳn, không còn phản đối như trước.

 

Hết khóa học lớp 1, Trường tiểu học Kim Đồng tiếp tục khai giảng lớp 2 và đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các học viên, ai nấy đều vui vì tiếp tục được rèn luyện để đọc và viết chữ thành thạo hơn.

 

(Còn tiếp)

 

Trương Nguyễn

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!