Ấn Độ: Phổ cập giáo dục tiểu học vẫn chỉ là ý tưởng
Phổ cập giáo dục tiểu học ở Ấn Độ được coi là một ví dụ điển hình về khoảng cách giữa ý tưởng và thực hiện. 3 năm qua, sau 7 lần sửa đổi, thậm chí đã sẵn sàng được đưa ra thảo luận tại kì họp Quốc hội mùa đông năm nay, dự thảo phổ cập và miễn phí giáo dục đã lại bị trả lại để sửa đổi tiếp.
Thủ tướng Manmohan Singh đã thành lập một uỷ ban chuyên trách nghiên cứu thêm dự thảo này với sự tham gia của các quan chức Bộ Kế hoạch và Bộ Tài chính để đưa ra một báo cáo trong thời gian 3 tháng tới.
Những người đấu tranh cho quyền học tập của mọi người hy vọng rằng sẽ có những thay đổi theo chiều hướng tốt hơn với bản báo cáo trên, nhưng vẫn lo ngại rằng nếu 3 năm qua không có gì tiến triển thì không có gì đảm bảo là bao lâu nữa giáo dục mới trở thành một quyền cơ bản của mọi công dân Ấn Độ.
Tháng 12/2002, Điều 21-1 được đưa vào hiến pháp Ấn Độ qui định: “Nhà nước sẽ chu cấp giáo dục phổ cập và miễn phí tới mọi trẻ em từ 6 – 14 tuổi”. Tuy nhiên không có luật cụ thể nào về giáo dục, đặc biệt là giáo dục tiểu học.
Dự thảo là một bước theo hướng luật hoá chính sách đó tuy nhiên bị đưa đi đẩy lại bởi quá nhiều chỉ trích. Chỉ trích đặc biệt tập trung vào vấn đề kinh phí. Để thực hiện phổ cập GD tiểu học cho mọi trẻ em ấn Độ cần tới số tiền khổng lồ là 530 tỉ rupi mỗi năm (tối đa có thể tới 730 tỉ rupi). Trong dự thảo đề xuất mỗi bang sẽ gánh 25% phí tổn trên trong khi Trung ương chi ra phần còn lại. Tuy nhiên rất ít bang sẵn sàng gánh vác mà đòi hỏi Trung ương gánh toàn bộ gánh nặng tài chính đó.
Bên cạnh đó cũng có những điều khoản khác của dự thảo bị công kích. Ví dụ một điều khoản qui định các trường công lập và các trường có hoặc không có tài trợ của Nhà nước cũng đều phải dành ít nhất 25% số tuyển sinh cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Điều khoản này thực chất nhắm vào các trường tư, buộc các trường này gánh đỡ trách nhiệm phổ cập GD, tuy nhiên lại có những mâu thuẫn trong dự thảo khiến cho có thể trở thành phản tác dụng. Ví dụ, mặc dầu “phí đầu vào” đã bị cấm theo mục 15 của dự thảo, nhưng nếu một trường báo cho phụ huynh về một khoản phí nhất định có thể trả khi nhập học, thì về mặt “ngữ nghĩa” không bị coi là “phí đầu vào”.
Nhà hoạt động xã hội Ashok Agarwal cho rằng: “Những điều khoản này giúp các trường tư rộng tay thương mại hoá giáo dục và lợi dụng phụ huynh”.
Theo Hải Hà
Giáo Dục Thời Đại/Theo báo nước ngoài