“Ám ảnh” kẹt xe mỗi sáng đi học, nữ sinh kiến nghị đổi giờ học
(Dân trí) - Mỗi buổi sáng đều xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông do phụ huynh tranh thủ cho con kịp giờ học, học sinh luôn phải vội vã đến trường. Chứng kiến tình cảnh này suốt 11 năm qua, một nữ sinh ở TPHCM kiến nghị thay đổi giờ học để học sinh có tâm trạng thoải mái hơn mỗi ngày đến trường.
Ngày 24/10, Thường trực UBND TP.HCM có buổi gặp gỡ, đối thoại cùng những học sinh - sinh viên tiêu biểu của TP.HCM. Tại đây, các bạn trẻ bày tỏ nhiều ý kiến với lãnh đạo thành phố những mong muốn được cải thiện điều kiện học tập.
Đáng chú ý, nữ sinh Đỗ Bùi Ngọc Thương - học trường THPT Đào Sơn Tây (quận Thủ Đức) bày tỏ mong muốn được thay đổi giờ vào học. Em cho biết, giờ học buổi sáng vào học lúc 7h. Việc này diễn ra nhiều năm và đã quen rồi nhưng Thương vẫn hy vọng được đổi thành 8h.
Em Đỗ Bùi Ngọc Thương - học trường THPT Đào Sơn Tây (quận Thủ Đức) đề xuất đổi giờ học thành 8h.
“Để vào học, chúng em phải thức từ 5-5h30, không có thời gian tập thể dục ăn sáng, chúng em phải thường xuyên vội vã. Từ lúc em học lớp 1-12, cha mẹ phải cập rập chuẩn bị, ai cũng như vậy nên kẹt xe khói bụi… Tại sao chúng ta phải bắt đầu một ngày mới với nhiều áp lực và mệt mỏi như vậy, chịu khói bụi kẹt xe? Nếu thay đổi giờ học trễ hơn một chút thì học sinh chúng em sẽ có tâm trạng thoải mái hơn mỗi khi đến trường”, Ngọc Thương chia sẻ.
Còn em Mai Hải Yến, học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6) cho rằng chương trình học còn nặng về lý thuyết, chưa tạo điều kiện cho học sinh ứng dụng kiến thức vào thực tế. Nhà trường phổ thông còn thiếu các tiết dạy về kỹ năng mềm, ứng xử giao tiếp… Em bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều tiết học về kỹ năng sống, tạo điều kiện cho học sinh rèn luyện, trải nghiệm thực tế.
Em Nguyễn Lưu Ngọc Danh, học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) mong muốn tăng việc dạy kỹ năng thực hành
Tương tự, em Nguyễn Lưu Ngọc Danh, học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) cũng đồng tình việc học sinh đang thiếu kỹ năng thực hành, phần lớn chỉ được nghe giáo viên, báo cáo viên cung cấp kiến thức mà ít cơ hội đi ra ngoài. Những tiết học này thường không đáp ứng được mong muốn của học sinh - sinh viên, mỗi tiết chỉ có 45 phút. Do đó, học sinh này kiến nghị ngành giáo dục cần tiếp tục nghiên cứu, tăng cường thêm các hình thức học tập trải nghiệm, đáp ứng nhu cầu thực tế của học sinh.
Còn em Phan Ngọc Thảo Vy, học sinh Trường THPT Thủ Đức dành nhiều quan tâm đến chương trình học tiếng Anh trong trường phổ thông hiện nay. Mỗi lớp học có sĩ số từ 45 học sinh, giáo viên rất khó tương tác với học sinh. Chưa kể chương trình học hiện nay mới chú trọng hai kỹ năng đọc, viết mà chưa quan tâm nghe, nói. Chương trình học tiếng Anh qua 12 năm phổ thông có rất nhiều nội dung lặp lại rất lãng phí.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM trao đổi lại các ý kiến của học sinh
Trao đổi lại với ý kiến học sinh, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: Về những vấn đề mà các em học sinh quan tâm như cơ sở vật chất trường học, thiết bị phòng thí nghiệm, các tiết học trải nghiệm, tiết học ngoài nhà trường..., hàng năm, thành phố chi rất nhiều tiền để xây dựng và đầu tư cơ sở vật chất trường học, mỗi năm có hơn 1.500 phòng học xây mới, trong đó hơn 400 phòng là phòng chức năng và thí nghiệm, đáp ứng cơ bản và tối thiểu các điều kiện thực hành thí nghiệm theo yêu cầu các môn học. Tuy nhiên muốn đầu tư cao hơn nữa để có những nghiên cứu trình độ cao thì cần phải đầu tư thêm. Hiện nay, TP có dự án trường học thông minh 1.500 tỷ đồng sẽ có những phòng thí nghiệm hiện đại hơn, thiết bị hiện đại hơn để có những nghiên cứu cao hơn.
Ngoài ra, về đổi mới dạy học, ông Nam cho rằng, nhiều trường học hiện nay đã tăng cường các tiết học trải nghiệm, chương trình kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội cho học sinh, tổ chức các tiết học ngoài nhà trường ở sở thú, bảo tàng, rừng ngập mặn...
Nhiều sinh viên cũng nêu kiến nghị lên lãnh đạo thành phố
Ông Nam cũng nhìn nhận do chương trình văn hóa hiện nay khá nặng nên chiếm hầu hết thời gian lên lớp, tiết học ngoài nhà trường bị hạn chế. Ngành giáo dục tiếp tục nghiên cứu giải pháp và sẽ cải thiện
Về vấn đề thay đổi giờ vào học, ông Nam cho biết: “Nếu dời giờ học lúc 8h thì giờ ra về sẽ rất trễ. Chúng ta phải sắp xếp để tan học trước 11h30. Giờ học còn phụ thuộc vào giờ đi làm của phụ huynh. Cha mẹ đi làm lúc 7h30 thì không thể đưa con đi học lúc này được. Lớp học 2 buổi sẽ dễ dàng điều chỉnh hơn. Tuy nhiên thành phố vẫn còn nhiều lớp học 1 buổi. Ngành sẽ lấy ý kiến để điều chỉnh phù hợp hơn”.
Lê Phương