Albert Einstein: Từ cậu bé chậm nói trở thành thiên tài vật lý
(Dân trí) - Albert Einstein là một trong những nhà vật lý có ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Từ một cậu bé bị nghi mắc chứng tự kỷ, Einstein trở thành tiến sĩ năm 27 tuổi và sau đó giành giải Nobel.
Báo Dân trí triển khai tuyến bài về con đường học vấn, giáo dục của các thần đồng, người nổi tiếng trên khắp thế giới. Hy vọng rằng, những câu chuyện thú vị, ít người biết về những nhân vật truyền cảm hứng này sẽ nhận được sự quan tâm của độc giả.
Albert Einstein, sinh năm 1879, mất năm 1955, được coi là một trong những nhà vật lý vĩ đại nhất và có ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Einstein nổi tiếng với việc phát triển thuyết tương đối tổng quát. Ngoài ra, ông cũng có những đóng góp quan trọng cho việc phát triển lý thuyết cơ học lượng tử.
Thuyết tương đối và cơ học lượng tử là hai trụ cột của vật lý hiện đại. Công thức E = mc2 của Einstein, phát sinh từ thuyết tương đối, được mệnh danh là phương trình nổi tiếng nhất thế giới.
Albert Einstein nhận giải Nobel vật lý năm 1921 vì những đóng góp của ông cho vật lý lý thuyết và đặc biệt là vì khám phá ra định luật hiệu ứng quang điện, một bước quan trọng trong sự phát triển của thuyết lượng tử.
Những thành tựu trí tuệ và sự độc đáo của Albert Einstein đã giúp ông được gọi là thiên tài. Einsteini, một nguyên tố kim loại tổng hợp có ký hiệu Es và số nguyên tử 99 thuộc nhóm actini. Đây là nguyên tố siêu urani thứ 7. Tên của nó được đặt theo tên của Albert Einstein.
Albert Einstein sinh ra ở Ulm, Đức, trong một gia đình người Do Thái. Albert theo học một trường tiểu học Công giáo ở Munich từ khi 5 tuổi. Nhiều người nghĩ, thiên tài như Albert Einstein sẽ bộc lộ năng khiếu từ sớm nhưng ông không phải là một thần đồng biết đọc khi mới 2 tuổi và làm toán cao cấp khi 4 tuổi mà ngược lại.
Là một thiên tài lỗi lạc nhưng Albert Einstein được cho là mắc chứng tự kỷ thể nhẹ và chậm nói. Albert Einstein không thể nói một cách thoải mái, suôn sẻ cho đến khi gần 6 tuổi.
Khi còn nhỏ, Albert thích chơi một mình hơn là chơi với những cậu bé đồng trang lứa. Albert Einstein dường như gặp khó khăn lớn trong việc học nói. Cha mẹ ông từng lo lắng đến mức phải hỏi ý kiến bác sĩ. Ngay cả khi bắt đầu nói, Albert vẫn có thói quen lặp đi lặp lại nhiều lần các câu nói với chính mình.
Khi lớn hơn và bắt đầu đi học, Einstein đã phát triển một thái độ nổi loạn đối với giáo viên nói chung. Có lẽ đó là kết quả của việc quá thông minh nhưng không thể giao tiếp, kết nối với người khác.
Ở trường Công giáo, các giáo viên đối xử công bằng với Albert Einstein nhưng ông liên tục bị các học sinh khác bắt nạt vì là người Do Thái. Tuy nhiên, dần dần, Albert Einstein bắt đầu thể hiện khả năng nổi trội trong môn toán và vật lý.
Sau này, Albert từng nói rằng, có lẽ khả năng suy nghĩ theo những cách độc đáo và phát triển các khái niệm khoa học mới, khác biệt của ông đến từ việc ông thích suy nghĩ bằng hình ảnh hơn là bằng lời nói. Ông cũng thích nổi loạn và suy nghĩ về mọi thứ theo những cách không bình thường.
12 tuổi, cậu bé Einstein đã tự học đại số và hình học Euclid chỉ trong một mùa hè. Einstein cũng đã khám phá cách chứng minh của riêng mình về định lý Pythagoras ở tuổi 12.
Max Talmud, một gia sư của gia đình Albert Einstein nói rằng, sau khi ông đưa cho cậu bé Einstein, 12 tuổi, một cuốn sách giáo khoa hình học thì chỉ sau một thời gian ngắn, Einstein đã đọc hết cuốn sách và khả năng toán học của Einstein phát triển nhanh đến mức thầy gia sư cũng không thể theo kịp.
Albert Einstein đam mê hình học, đại số và tự học phép tính năm 12 tuổi. Ông nói rằng, khi mới 14 tuổi, ông đã thành thạo phép tính tích phân và vi phân.
Năm 13 tuổi, Albert Einstein bắt đầu quan tâm sâu sắc hơn đến triết học và âm nhạc. Einstein đọc say mê cuốn Phê phán lý tính thuần túy của Kant. Đây là tác phẩm nền tảng của triết học cổ điển Đức.
Gia sư của Albert Einstein từng kể rằng: "Vào thời điểm Albert Einstein vẫn còn là một đứa trẻ 13 tuổi và các tác phẩm của triết gia Immanuel Kant khiến nhiều người bình thường không thể hiểu được thì dường như nó lại được hiểu rất rõ ràng đối với Einstein".
Năm 1895, ở tuổi 16, Einstein đã tham gia kỳ thi tuyển sinh vào trường Bách khoa Liên bang Thụy Sĩ ở Zurich. Ông không đạt điểm yêu cầu chung của kỳ thi nhưng đạt điểm xuất sắc trong môn vật lý và toán học.
Theo lời khuyên của hiệu trưởng trường Bách khoa, Einstein theo học một ngôi trường ở Aarau, Thụy Sĩ, vào năm 1895 và 1896 để hoàn thành chương trình trung học của mình.
Vào tháng 9/1896, Einstein hoàn thành kỳ thi tú tài của Thụy Sĩ với hầu hết là điểm cao, trong đó điểm cao nhất thuộc về môn vật lý và toán học.
Năm 17 tuổi, Albert Einstein đăng ký học chương trình cấp bằng sư phạm toán và vật lý kéo dài 4 năm tại trường Bách khoa Liên bang. Năm 1900, Einstein vượt qua kỳ thi toán và vật lý và được cấp bằng sư phạm.
Trong năm 1905, Albert Einstein viết bốn bài báo mang tính đột phá về hiệu ứng quang điện, chuyển động Brown, thuyết tương đối đặc biệt và sự tương đương giữa khối lượng và năng lượng. Các bài báo đã khiến Albert Einstein trở nên nổi tiếng trong giới hàn lâm. Ông được trao bằng tiến sĩ khi mới 27 tuổi.
Đến năm 1908, Albert Einstein được công nhận là nhà khoa học hàng đầu và được bổ nhiệm làm giảng viên tại đại học Bern, Thụy Sĩ. Ông được bổ nhiệm làm phó giáo sư năm 30 tuổi. Einstein từng dạy tại nhiều trường đại học danh tiếng ở Czech, Đức, Thụy Sĩ, Mỹ, Anh...
Trong suốt cuộc đời của mình, Einstein đã xuất bản hàng trăm cuốn sách và bài báo. Ông đã viết hơn 300 bài báo khoa học và 150 bài báo phi khoa học. Năm 2014, các cơ quan lưu trữ đã công bố nhiều bài báo đặc biệt của Einstein bao gồm hơn 30.000 tài liệu độc đáo.
Einstein không chỉ là nhà vật lý nổi tiếng mà ông còn rất đam mê âm nhạc. Trong nhật ký của mình, ông từng viết: "Nếu tôi không phải là một nhà vật lý, có lẽ tôi sẽ là một nhạc sĩ. Tôi thường nghĩ về âm nhạc. Tôi nhìn cuộc sống của mình qua âm nhạc... Tôi có được niềm vui trong cuộc sống chính là từ âm nhạc".
Năm 13 tuổi, Albert Einstein khám phá ra những bản sonata dành cho violin của Mozart. Từ đó ông say mê các sáng tác của Mozart và ham học nhạc hơn. Einstein đã tự học chơi đàn violin mà không cần luyện tập bài bản. Ông nói rằng "tình yêu là một người thầy tốt hơn là nghĩa vụ học tập".
Albert Einstein qua đời vào năm 1955, hưởng thọ 76 tuổi. Trước khi ra đi, ông đã yêu cầu thi thể của mình được hỏa táng nhưng nhà nghiên cứu bệnh học nổi tiếng Thomas Harvey đã giữ lại bộ não của Albert Einstein với hy vọng mở khóa những bí mật về tài năng của nhà vật lý lỗi lạc này.
Harvey đã chia bộ não của Albert Einstein thành nhiều phần và gửi cho các nhà khoa học để nghiên cứu. Năm 1999, nhóm từ một trường đại học của Canada xuất bản một bài báo gây tranh cãi tuyên bố Einstein sở hữu những nếp gấp bất thường trên thùy đỉnh, một phần của bộ não liên quan đến khả năng toán học và không gian.