Ai nói người trẻ đang “ngủ”?

(Dân trí) - “Hào hoa, lịch thiệp, sâu sắc” là các cụm từ quen thuộc khi người ta nhắc đến TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Là một công chức của Quốc hội đồng thời là một nhà nghiên cứu, TS Dũng còn được xem là một thư viện “sống”.

Trong con người chàng học sinh chuyên văn khoá 1971-1973 trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) vẫn ẩn chứa chất “văn” được thể hiện qua giọng nói truyền cảm và khá là “quyến rũ”.

Trong ngày nắng mới đầu tiên sau gần 40 ngày giá rét lịch sử, TS Nguyễn Sĩ Dũng đã dành cho Dân trí một cuộc trò chuyện cởi mở.

Đào tạo theo yêu cầu xã hội - vấn đề “nóng” nhất hiện nay của giáo dục nước nhà được ông chú trọng bàn luận vào thời điểm hơn một năm trôi qua kể từ ngày Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Hội thảo nhiều, tín hiệu tốt!

Rầm rộ trong hai tháng cuối năm 2007, ngành giáo dục tổ chức đồng loạt các cuộc hội thảo đào tạo theo yêu cầu xã hội như các cuộc hội thảo nhân lực ngành CNTT, ngành Y tế, ngành Tài chính - Ngân hàng, ngành Đóng tàu... Lý do tổ chức hội thảo được ngành đưa ra là vì chúng ta đang ngày càng hội nhập sâu hơn vào WTO, nếu không có cuộc cách mạng về nguồn nhân lực thì sẽ là quá muộn. Ông nhận xét gì về cuộc “ra quân” này?

Đây không phải là một hành động đón đầu, nhưng không đến nỗi bị đẩy vào thế “khóa đuôi”. Sau khi Intel chỉ tuyển chọn được 90 người trong số 5.000 kỹ sự tin học của ta, thì nút thắt cổ chai về nguồn nhân lực được cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết. Và các cuộc hội thảo là phản ứng dễ nhận biết nhất của chúng ta đối với vấn đề đang được đặt ra.

Cho dù các cuộc hội thảo khó có thể làm nên “cuộc cách mạng về nhân lực”, nhưng những tri thức, ý tưởng, sáng kiến… được trao đổi là rất cần thiết để từ đó giúp chúng ta cải cách trong lĩnh vực giáo dục.

Thách thức lớn nhất ở đây là “ăn to, nói lớn” ở các cuộc hội thảo thì dễ, đưa những khuyến nghị của các cuộc hội thảo nói trên vào cuộc sống thì khó hơn rất nhiều.

Đã chứng kiến và đã cảm nhận, ông có thể cho biết ông có niềm hy vọng nào không sau khi kết thúc các cuộc hội thảo nhân lực này của ngành giáo dục?

Tôi không có điều kiện tham gia các cuộc hội thảo (mà chỉ có được thông tin qua báo chí) nên rất khó trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên, các cuộc hội thảo được chuẩn bị chu đáo và có chất lượng bao giờ cũng cung cấp được nhiều tri thức, ý tưởng cho việc hình thành chính sách và pháp luật. Các cuộc hội thảo nói trên vì vậy nên được coi là tín hiệu tốt.

Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Thiện Nhân từng có một tâm sự rằng: “Đất nước Việt Nam của chúng ta đang bước vào thế kỉ 21 với những thành tựu, những cơ hội và thách thức to lớn. Thành tựu phát triển gần đây thật đáng tự hào: Xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới, xuất khẩu cà phê đứng thứ hai trên thế giới, xuất khẩu điều đứng thứ nhất, xuất khẩu hạt tiêu đứng thứ nhất, xuất khẩu hàng dệt may đứng thứ 10, xuất khẩu thủy sản thứ 12 và gần đây ngành đóng tầu xuất khẩu đứng thứ 7… Thế nhưng nhân dân ta còn nghèo, đời sống còn khó khăn vì năng suất lao động, hiệu quả sản xuất còn thấp”.

Ông suy nghĩ gì về tâm sự này của Bộ trưởng Nhân?

Nhiều mà không nhiều là một nghịch lý có thật. Việt Nam xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới, nhưng điều này không có nghĩa là những người trồng lúa Việt Nam giàu thứ 2 thế giới. Mồ hôi và đất đai có thể bị vắt kiệt để chúng ta có được vị trí thứ 2 chỉ về sản lượng. Chính vì vậy, tôi hoàn toàn đồng cảm với Bộ trưởng Nhân. Bán được nhiều gạo và bán được nhiều tiền là hai chuyện khác nhau. Và cái chuyện thứ hai mới là quan trọng.

Chúng ta đang sống trong một thế giới đã thay đổi. Phải học được cách làm tốt chuyện thứ hai hơn là chỉ biết cách làm tốt chuyện thứ nhất. Muốn làm tốt chuyện thứ hai thì phải có tri thức, có kỹ năng. Phải hiểu biết về thị trường, về thương hiệu, về quản trị khách hàng, về việc bổ sung giá trị gia tăng cho hạt gạo… Nghĩa là phải biết rất nhiều thứ, chứ không chỉ là biết trồng lúa.

Lớp trẻ ngày nay khó khăn hơn!

Vậy là lại phải quay lại vấn đề đào tạo nhân lực. Theo nhiều nhà nghiên cứu giáo dục, ngành giáo dục đang bế tắc ở khâu đào tạo nhân lực không chỉ bởi ngành chưa cố gắng hết mình mà còn vì chúng ta đang có quá nhiều người trẻ đang “ngủ” trên giảng đường và “ngủ” cả thời thanh niên sôi nổi?

Đúng là trong đào tạo nhân lực, thầy có vai trò quan trọng, nhưng trò có vai trò quan trọng hơn. Nếu lớp trẻ không thiết tha với việc học hành, thì chẳng thể nào đào tạo họ trở thành những chuyên gia giỏi được.

Tuy nhiên, tôi cho rằng không có đủ căn cứ để khẳng định “có quá nhiều người trẻ đang “ngủ” trên giảng đường và “ngủ” cả thời thanh niên sôi nổi”. Nhiệt huyết và mong muốn được cống hiến nhiều hơn vẫn là những người trẻ tuổi. Ai đã đưa ra sáng kiến hỗ trợ cho đồng bào miền núi phía Bắc đang bị rét nếu chẳng phải là thanh niên? Và phong trào vận động bỏ phiếu cho vịnh Hạ Long cũng vậy.

Ngoài ra, cũng cần tìm hiểu xem tại sao các bạn trẻ lại “ngủ” trên giảng đường? Những bài giảng hấp dẫn, lôi cuốn chắc chẳn không phải là nguyên nhân gây buồn ngủ. Cách giảng dạy tương tác với học viên cũng chắc chắn không phải là nguyên nhân. Vậy thì, chúng ta hãy nên quan tâm nhiều hơn đến những bài giảng gây buồn ngủ.

Ông có vẻ rất ưu ái lớp trẻ. Vậy điều mà ông cảm thấy trăn trở nhất hiện nay có phải là khả năng đối mặt của lớp trẻ với cạnh tranh toàn cầu?

Ở thời của tôi, muốn được tuyển dụng thì không nhất thiết phải biết tiếng Anh và vi tính. Ngày nay, môi trường cạnh tranh toàn cầu đang bắt buộc lớp trẻ phải biết được nhiều hơn, làm được nhiều việc hơn. Tìm được việc làm trở nên khó khăn hơn cho lớp trẻ.

Thế nhưng biết tiếng Anh, biết vi tính mới là một nửa của vấn đề. Quan trọng là phải biết tiếng Anh tốt hơn, biết vi tính giỏi hơn. Bằng không, hãng Intel sẽ buộc lòng phải tuyển kỹ sư tin học của Trung Quốc, của Ấn Độ vào làm việc ở Việt Nam. Chuyện ta so sánh với mình ngày nay không có ý nghĩa là mấy. Vấn đề là ở chỗ ta so sánh mình với thiên hạ. Nếu như vậy, áp lực cho lớp trẻ là rất lớn.

Lớp trẻ có vươn lên được hay không? Chắc chắn là có. Nhưng lớp trẻ sẽ làm điều đó dễ dàng hơn, nếu lớp già để lại được một nền giáo dục tiên tiến, chứ không phải là lạc hậu.

Chắc chắn là ngành giáo dục, nơi giữ “sứ mạng” trong việc đào tạo con người phải có cách giúp họ chứ, thưa ông?

Tất nhiên là phải, nhưng cách gì? Theo cách từ xưa đến nay ta vẫn làm chắc là không ổn. Còn cách làm mới thì không phải bao giờ cũng đã sáng tỏ. Để có cách làm mới, các câu hỏi sau đây cần phải được trả lời:

- Lớp trẻ cần phải có những kiến thức và kỹ năng, phẩm chất nào để vượt qua thách thức của cạnh tranh toàn cầu?

- Làm thế nào để cung cấp được cho lớp trẻ những kiến thức, kỹ năng và phẩm chất cần có?

- Đâu là những ưu điểm của con người Việt Nam cần phải được phát huy, đâu là những nhược điểm của con người Việt Nam cần phải được khắc phục?

Cần tòa lâu đài mới cho giáo dục!

Sau những phân tích của ông xoay quanh một chủ đề “nóng” là “đào tạo theo nhu cầu cuộc sống” đã thấy làm giáo dục thời nay quả là khó khăn, thưa ông?

Thực ra, sức ép đối với ngành giáo dục là rất lớn. Và làm Bộ trưởng Giáo dục thời nay thật sự khó khăn. Nhưng, có lẽ, từ nay trở đi sẽ chẳng có thời nào là dễ cả. Vấn đề không phải là vì làm giáo dục trước đây dễ dàng hơn, mà chủ yếu là vì xã hội bây giờ dân chủ hơn.

Hiện nay, liên quan đến giáo dục, ai cũng cảm thấy có cái gì đó không ổn và ai cũng hăng hái có ý kiến. Nhưng nhận thức một cách mạch lạc, sáng tỏ về những vấn đề đang đặt ra là cái chúng ta sẽ phải còn hướng tới.

Việc chúng ta sẽ phải có một ngôi nhà giáo dục mới (tốt hơn nữa là tòa lâu đài giáo dục mới) như thế nào mới chính là trách nhiệm của những người lãnh đạo ngành giáo dục.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mai Minh
(Thực hiện)