Góp ý dự thảo quy chế thi THPT quốc gia 2015:

Ai chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ thí sinh?

(Dân trí) - Đại diện các trường dự kiến phụ trách tổ chức cụm thi cho rằng dự thảo quy chế kỳ thi THTP quốc gia 2015 có một số mâu thuẫn. Sự chưa rõ trong việc ai quản lý hồ sơ đăng ký thi sẽ gây khó khăn cho cụm thi và có thể khiến thí sinh gặp phiền phức.

Mới đây, ĐH Quốc gia TPHCM đã làm việc với các trường, đơn vị thành viên để bàn về công tác chuẩn bị tổ chức cụm thi và góp ý cho dự thảo quy chế. Về mặt kỹ thuật, các trường cho rằng sẽ khá rối vì chính trong nội dung dự thảo được công bố có nhiều điểm “vênh nhau”.

Không thể điều chỉnh hồ sơ sai ngay trước ngày thi

Ai chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ thí sinh?
Nhiều trường dự kiến tổ chức cụm thi cho rằng dự thảo quy chế còn mâu thuẫn, gây khó khi thực hiện công tác thi (ảnh minh họa).

Trong buổi họp bàn về công tác tổ chức cụm thi, PGS.TS. Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐHQG TPHCM cho rằng vấn đề hồ sơ đăng ký dự thi và giấy báo thi theo quy chế rất mâu thuẫn nhau. Trong khi tại Điều 9 ghi rằng “nhiệm vụ của Sở GD-ĐT, trường ĐH và trường phổ thông: Sở GD-ĐT quản lý hồ sơ đăng ký dự thi”, còn tại điều 13 cũng ghi rằng “thủ trưởng trường phổ thông là nơi thí sinh đăng ký dự thi quản lý hồ sơ đăng ký dự thi”. “Vậy cuối cùng hồ sơ thí sinh nằm đâu. Theo dự thảo quy chế, hồ sơ của thí sinh không do cụm thi quản lý thì khi có sai sót thì cụm thi căn cứ trên cái gì để sửa?”

Cùng vấn đề đó, TS. Lê Chí Thông - Trưởng phòng đào tạo ĐH Bách Khoa TPHCM cũng cho rằng quan trọng nhất là hồ sơ gốc nằm ở đâu. Theo ông Thông, “hàng năm, Sở GD-ĐT cũng nhận hồ sơ giấy và nhập dữ liệu. Kết quả là hàng năm, tỷ lệ sai sót lên tới 15% chủ yếu sai về tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, ngành và thậm chí là đối tượng dự thi và khu vực dự thi... Mọi năm các trường tổ chức thi phải ngồi dò hết tất cả hồ sơ để điều chỉnh”. Năm 2015, nếu Sở GD-ĐT quản trị dữ liệu đăng ký dự thi thì cụm thi sẽ không làm gì cả. Nếu Sở đảm bảo được độ chính xác của dữ liệu  thì các cụm thi sẽ nhẹ được gánh được đáng kể. Và vấn đề là khi giấy báo dự thi có sai sót thì thí sinh phải sửa ở Sở GD-ĐT trước ngày thi ít nhất 1 tuần chứ không thể điều chỉnh ngay trước ngày thi như mọi năm thi ĐH, CĐ.

Ngoài ra, TS. Thông góp ý rằng “trong quy chế hiện cũng chưa nêu rõ về thẻ dự thi và giấy báo dự thi là như thế nào. Nhưng nếu thí sinh trình CMND để nhận thẻ dự thi như vậy thì 15.000 thí sinh đến trước ngày thi nhận thì là điều không thể. Vì vậy, nên gom lại thành một như mọi năm và phân rõ nơi nào in”.

Về danh sách ảnh, TS. Thông cho rằng nếu xếp thí sinh theo môn thi thì phải có ít nhất 5 danh sách ảnh khác nhau. “Nếu trường không nhận được hồ sơ gốc thì ảnh đâu ra để dán vào danh sách ảnh và giấy báo dự thi hay thẻ dự thi cũng không có gì để chứng minh trên đó cả. Ngoài ra, trường đóng dấu nổi hay đóng dấu giáp lai nhưng trường sẽ không biết ảnh đó đúng hay sai. Như vậy chẳng khác nào trường đang hợp thức hóa một thí sinh mà không biết đó là ai”, ông Thông băn khoăn.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Kim Quang - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, cũng cảm thấy "choáng" với những thay đổi quá mạnh và quá chi tiết của kỳ thi năm 2015. TS. Quang cho rằng dự thảo còn rất nhiều điều chưa hợp lý cần phải điều chỉnh. Những điểm bất cập như việc Bộ GD-ĐT rất quan tâm khi sắp xếp danh sách theo thứ tự A, B, C tất cả thí sinh của 1 cụm thi rồi mới tới số báo danh. Với cụm thi lớn thì rất có thể nhiều thí sinh trùng họ tên như vậy rất khó khăn cho giám thị, dễ xảy ra trường hợp thí sinh ký nhầm từ tên này qua tên khác.

TS. Kim Quang cũng chỉ ra điểm bất cập nữa là “Thí sinh được quyền chọn môn thi, mình tập trung hội đồng thi với nào cán bộ giám sát, lực lượng sẵn sàng cho tối đa nhưng sợ rằng có điểm thi nào thầy nhiều hơn trò. Nhất là những môn xã hội như sử, địa coi chừng sẽ xảy ra tình trạng thầy nhiều hơn thí sinh”.

Năm nay Bộ sáng tạo ở chỗ mỗi thí sinh có số báo danh gồm 2 chữ và 6 số được đánh tăng dần và liên tục cho đến hết thí sinh của từng hội đồng thi. Theo TS. Quang thì số báo danh càng nhiều thì rủi ro càng lớn, trong khi không cụm nào số thí sinh dự thi lên tới 100.000 mà dự trù số báo danh lên tới hàng triệu là không cần thiết.

Thang điểm 20 làm khó người chấm?

Liên quan đến thang điểm, các trường thuộc ĐHQG TPHCM cho rằng dù thang điểm 20 được xem là có lợi cho thí sinh, phân hóa thí sinh tốt nhưng khi triển khai chấm sẽ gặp khó khăn. Hơn nữa, dự thảo quy chế đổi mới vẫn còn nhiều chỗ quy định chưa sửa cho đồng bộ.

TS. Phạm Tấn Hạ - Trưởng phòng đào tạo, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn cho biết vẫn ủng hộ thang điểm 10 vì để thay đổi một quy cách chấm đối với giáo viên phổ thông là rất khó, đặc biệt chấm các môn khoa học xã hội thì càng khó bởi vì thang điểm sẽ rất rộng. Hơn nữa các giáo viên  phổ thông vẫn quen với quy cách chấm thang điểm 10. Nếu giáo viên chia điểm không đều thì độ vênh điểm trong bài thi tự luận sẽ rất lớn.

“Nếu vẫn giữ thang điểm 20 thì dự thảo quy chế lại bị “đạp nhau”. Trong phần đầu sau xử lý kết quả sau 3 lần chấm, đáng lẽ theo quy chế mới thì nâng gấp đôi thì trong đây vẫn giữ như cũ. Trong điều 26 của dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia về chấm bài thi tự luận đáng ra phải tăng gấp đôi nhưng dự thảo vẫn giữ nguyên. Như vậy là không hợp lý”, ông Hạ nói.

Tương tự, không hợp lý ở chỗ chấm phúc khảo. “Dự thảo nêu rằng trong trường hợp điểm phúc khảo bài thi lệch nhau từ 1,0 điểm trở lên đối với môn Khoa học tự nhiên và từ 2,0 điểm trở lên đối với môn Khoa học xã hội thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo đối với các bài thi của thí sinh có sự điều chỉnh điểm”. Theo TS. Hạ, nếu giữ theo thang điểm 10 thì hợp lý chứ thang điểm 20 thì không hợp lý.

Tương tự, TS Lê Chí Thông cho rằng thang điểm 20 tưởng là vấn đề nhỏ nhưng sẽ gây khó khăn lớn cho cán bộ làm công tác thư ký, sau khi chấm xong thì lực lượng này kiểm tra lại. Nếu theo thang điểm này thì chắc là công tác của thư ký sẽ gấp rưỡi về thời gian mới thực hiện được. Khả năng kế hoạch đào tạo của các trường sẽ bị chậm lại.

“Nếu theo kế hoạch thi vào đầu tháng 7 thí sớm nhất cuối tháng 7 có kết quả, nếu sớm thì giữa tháng 8 thí sinh mới cầm được phiếu điểm. Khi xét tuyển, thí sinh nộp vào trường qua đường bưu điện thì cũng phải tới đầu tháng 9 trường mới nhận được hồ sơ, phát ngược lại giấy báo trúng tuyển cho thí sinh cũng phải tới cuối tháng 9 mới nhận được. Như vậy, đầu tháng 10 thí sinh mới nhập học đợt 1 là chuyện có thể xảy ra”, TS Thông nhận định.

Hà Minh

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!