9x học Thạc sĩ ở Anh: Vấn đề ngoại ngữ vẫn “khó nhằn” với du học sinh Việt

(Dân trí) - “Ngoại ngữ chuyên ngành có nhiều định nghĩa ở Việt Nam một đằng và sang nước ngoài lại một nẻo. Nhiều từ tiếng Anh không chuyển sang được tiếng Việt và ngược lại cũng có nhiều từ tiếng Việt không thể chuyển sang tiếng Anh. Chính vì vậy nếu không cố gắng sẽ bị đào thải”, Hoàng Nam – du học sinh theo học Thạc sĩ trường Bristol (Anh) chia sẻ.

Thành tích của Nguyễn Trọng Hoàng Nam:

- Năm 2011-2014: Giải Nhất cấp Trường học sinh giỏi môn Tin học

- Năm 2015, lọt vào tứ kết Hùng biện tiếng Anh Học viện Ngoại giao; giành giải Bình chọn, phần thi cá nhân cuộc thi Olympic tiếng Anh không chuyên toàn quốc; nhận bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam: Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào công tác Hội và phong trào Thanh niên; đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp học viện năm 2014-2015 do Hội sinh viên Việt Nam Học viện Hành chính Quốc gia trao tặng.

- Năm 2016, nhận bằng khen của Trung ương Hội sinh viên Việt Nam; Đạt giải Sao tháng giêng; Đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”; Nhận bằng khen của Ủy viên Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

- Năm 2017, giải Ba Olympic tiếng Anh sinh viên toàn quốc cấp Đoàn khối các cơ quan TƯ; giải Nhì chương trình giao lưu kiến thức giữa sinh viên khoa Quản lý Nhà nước về An ninh quốc gia, Học viện An ninh nhân dân.

- Năm 2018: Tốt nghiệp Học viện Hành chính quốc gia loại: Giỏi; điểm: 8.3/10, IELTS: 7.0; theo học Thạc sĩ trường Bristol (Anh), chuyên ngành Chính sách công.

Nguyễn Trọng Hoàng Nam: Vấn đề ngoại ngữ vẫn “khó nhằn” với du học sinh
Nguyễn Trọng Hoàng Nam: Vấn đề ngoại ngữ vẫn “khó nhằn” với du học sinh

Ngoại ngữ vẫn là vấn đề “khó nhằn” của du học sinh Việt

Nguyễn Trọng Hoàng Nam (sinh năm 1996, Hà Nội) hiện đang theo học Thạc sĩ chuyên ngành Chính sách công của trường Bristol, Vương quốc Anh.

Trước khi sang Anh du học, Hoàng Nam đã hoàn thành chương trình đại học tại Học viện Hành chính quốc gia với tấm bằng loại Giỏi. Bên cạnh đó Nam cũng sở hữu thành tích học tập ấn tượng cùng hàng loạt những danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”, “Sao tháng giêng”… trong công tác Đoàn, Hội SV.

Là một du học sinh nên Hoàng Nam hiểu rõ những khó khăn mà mỗi người con xa quê như Nam gặp phải. Với Nam bên cạnh văn hóa, môi trường… dù IELTS 7.0 thì ngoại ngữ vẫn là điều khiến 9x gặp nhiều khó khăn nhất khi mới sang du học.

“Vấn đề ngoại ngữ chuyên ngành có nhiều định nghĩa ở Việt Nam một đằng và sang nước ngoài một nẻo, có nhiều từ tiếng Anh không chuyển sang được tiếng Việt và ngược lại cũng có nhiều từ tiếng Việt không chuyển sang tiếng Anh được. Chính vì vậy nếu bản thân không cố gắng sẽ bị đào thải”, Nam chia sẻ.

Vấn đề này cũng được 9x đặt ra tại diễn đàn “Hành trang hội nhập của sinh viên Việt Nam” trong khuôn khổ Đại hội Hội sinh viên Việt Nam lần thứ 10. Theo đó Nam chỉ ra việc học tiếng Anh ở Việt Nam về mặt số lượng có vẻ tốt nhưng chất lượng chưa đồng đều bởi quy chuẩn tiếng Anh ở Việt Nam “khá loạn”.

“Thực tế kỹ năng ngoại ngữ hiện tại ở Việt Nam không được chấp nhận ở nước ngoài mà vẫn phải sử dụng quy chuẩn của nước ngoài” nên Nam mong muốn có một quy chuẩn cụ thể để cải thiện chất lượng tiếng Anh của sinh viên Việt Nam.

Bí quyết du học là sự chủ động

9x học Thạc sĩ ở Anh: Vấn đề ngoại ngữ vẫn “khó nhằn” với du học sinh Việt - 2

Chia sẻ về quyết định du học và lựa chọn nước Anh là điểm đến, Hoàng Nam bộc bạch: “Bên cạnh đam mê du học từ nhỏ thì lý do mình quyết định theo học tại Anh vì đây là trung tâm học thuật của cả thế giới.

Tại Anh, khối lượng kiến thức cho sinh viên không quá nặng và nhiều nhưng chất lượng lại được đảm bảo một cách chặt chẽ. Sự kết nối được ưu tiên hàng đầu trong quá trình học tập của sinh viên, khi người học trước và người học sau sẵn sàng cởi mở chia sẻ kinh nghiệm học tập”.

Du học theo hình thức tự túc nên điều Nam trú trọng nhất là việc chọn trường: “Mình dùng 2 bảng xếp hạng Times và QS để tham khảo thứ hạng của trường là bao nhiêu, sau đó theo dõi phản hồi của sinh viên trường như thế nào, chương trình đào tạo có phù hợp với bản thân hay không và cuối cùng mới xét tới học bổng.

Tại UK, đa phần các trường luôn có phần học phí và học bổng đính kèm trên website của trường và có hướng dẫn cụ thể cho học viên ứng tuyển. Sinh viên khi có dự định đi du học chắc chắn phải có ngoại ngữ nên việc tự tìm kiếm thông tin là hoàn toàn có thể, dễ dàng và nên chủ động.

Ngoài ra, có thể tìm đến các trung tâm tư vấn du học uy tín hoặc tham khảo những vlogger, blogger về du học như Giang ơi (UK), Diane Le (US)... để biết thêm thông tin”.

Chia sẻ về phương pháp học tiếng Anh, Nam kể bản thân may mắn được học từ khi còn nhỏ và duy trì học một cách tự nhiên nhất có thể. “Đối với mình thì môi trường xung quanh là rất quan trọng khi học ngôn ngữ. Nếu xung quanh mình không có sử dụng tiếng Anh thì rất khó để mình có thể học được.

Do đó, ngoài lúc đi học trên lớp, khi ở nhà mình sẽ bật TV các kênh tiếng Anh để nghe, chọn các kênh mà họ “nói nhiều” như Natgeo hay thời sự, dù không hiểu vẫn bật để nghe âm điệu. Dần dần âm điệu sẽ tự ngấm.

Hoàng Nam tham gia Đại hội toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam
Hoàng Nam tham gia Đại hội toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam

Còn từ mới mình học qua video game như The sims để có từ vựng của cuộc sống hàng ngày. Khi Internet phát triển hơn ở Việt Nam, mình chọn các game ở server nước ngoài và voice chat với các bạn quốc tế.

Bên cạnh đó, mình cũng rất thích đọc sách, những bộ truyện mà mình thực sự thích mình có thể đọc bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh để tìm từng chi tiết khác nhau giữa 02 bản, có chỗ nào không hiểu thì tra từ điển, cứ như vậy lặp lại nhiều lần, không cần đọc quá nhiều sách mà nhuần nhuyễn một vài bộ thôi”, Nam bật mí.

Đối với ngữ pháp Nam khẳng định không có cách học nào khác ngoài đọc và học: “Thực tế thì giao tiếp đời thường với người nước ngoài không quá quan trọng lắm tới ngữ pháp của mình. Nhưng ở môi trường học thuật thì ngữ pháp lại là điều thiết yếu.

Không có từ vựng thì không thể bộc lộ được ý kiến của bản thân, không có ngữ pháp thì không thể nối các từ vựng lại thành một câu hoàn chỉnh. Vì vậy, học từ mới và ngữ pháp là rất cần thiết, nhưng để giỏi tiếng Anh thì cần phải kết hợp đủ 4 kỹ năng Nghe - Nói - Đọc - Viết”.

Hoàng Nam cho rằng, cá nhân Nam cũng như các bạn khi quyết định du học cần xác định cho mình phải là “một con người nào đó, có kỹ năng nào đó” đủ để nuôi được bản thân và góp sức cho xã hội.

Chàng Thạc sĩ tương lai luôn mong muốn trở về Việt Nam để đóng góp những gì mà bản thân đã học được cho nước nhà. Kế hoạch dài hơi, Hoàng Nam bật mí sẽ trở về Việt Nam để làm việc, còn trước mắt 9x sẽ cố gắng học tập để đạt bằng Giỏi Thạc sĩ tại Anh.

9x học Thạc sĩ ở Anh: Vấn đề ngoại ngữ vẫn “khó nhằn” với du học sinh Việt - 4

Kim Bảo Ngân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm