91 tuổi, ông Phùng vẫn làm khuyến học

(Dân trí) - Tìm về thôn Hòa Nam, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) hỏi thăm ông Phạm Tấn Phùng thì không ai là không biết. Không chỉ là một cụ lão “sống dai” ở vào tuổi 91, hơn thế ông Phùng còn được mọi người gọi bằng cái tên trìu mến “ông khuyến học”.

Tuổi cao nhưng ông Phùng vẫn ngày đêm miệt mài với công tác khuyến học từ thôn đến xã. Bao thế hệ học sinh nghèo khó khăn đã được ông nâng niu tiếp bước đến trường.  

Đạp xe khắp thôn xã động viên các cháu học tập

Ông Phạm Tấn Phùng là thương binh hạng bốn, nguyên là cán bộ thoát li hoạt động cách mạng trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng thời kì 1954 - 1959. Sau ngày đất nước thống nhất, ông được cử về làm cán bộ tuyên giáo huyện Duy Xuyên phụ trách giáo dục, y tế. Khi nghỉ hưu, ông lại xin về làm cán bộ khuyến học của xã Duy Trung, chăm lo việc học tập ở địa phương. Nhiều năm gắn bó với công tác khuyến học nên dù tuổi cao, ông vẫn không muốn chia tay công việc này.

Hiện nay 91 tuổi, ông Phùng vẫn khỏe và tỉnh táo. Hàng ngày những khi rảnh rỗi, ông lại đạp xe đi khắp xã vào từng thôn thăm hỏi tình hình học tập của các cháu học sinh. Những cháu có hoàn cảnh khó khăn, ông đều lên danh sách cụ thể. Rồi ông lại đi vận động, viết thư kêu gọi những cơ quan tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm giúp đỡ. Nhờ thế mà có nhiều em được đến trường. Hàng trăm lá thư ông Phùng gửi đi khắp cả nước đã mang về những niềm vui cho học sinh nghèo vùng quê này.
 
91 tuổi, ông Phùng vẫn làm khuyến học - 1
Ông Phùng lên đường đến với những học sinh nghèo.

Vào năm 2004, trong xã có em Nguyễn Đắc Hạnh mồ côi cha, đậu đại học nhưng không có tiền đến trường. Biết tin, ông Phùng lập tức viết thư đến các người thân, bạn bè của ông vận động nhiều người chung sức để giúp em Hạnh đến trường. Hiện tại, Hạnh đã ra trường, có việc làm ổn định tại TP Tam Kì. Với ông Phùng đó là một niềm vui lớn.

“Nhìn mỗi đứa trẻ được đến trường, sau đó có công việc ổn định, đóng góp cho quê hương đất nước giàu mạnh là tui mãn nguyện lắm rồi!” - ông Phùng tâm sự.

Tháng 7/2007, ông Phùng vận động được gia đình bà Trịnh Thị Hương - Nguyên hội trưởng hội phụ nữ cứu quốc huyện Duy Xuyên, là giám đốc công ty THHH Ong Mật Phương Nam tại TPHCM xây dựng Trường Mẫu giáo Hòa Nam. Công trình trị giá hơn 150 triệu đồng với 3 phòng học khang trang là nơi vui chơi học tập cho hơn 100 trẻ nhỏ khắp trong vùng.

“Từ ngày có trường lớp khang trang, trẻ em trong vùng này được đến lớp đúng độ tuổi, có sân chơi bổ ích. Ngày nào ông Phùng cũng qua đây thăm hỏi tình hình của các cháu thế nào. Có gì khó khăn là ông giúp đỡ liền!” - cô Lê Thi Nga giáo viên dạy học ở đây cho biết.

91 tuổi, ông Phùng vẫn làm khuyến học - 2
Ông Phùng tại ngôi trường mầm non Hòa Nam.

Lập quỹ khuyến học làng

Hàng tháng, ông Phùng đứng ra kêu gọi mọi người cùng đóng góp cho quỹ khuyến học để kịp thời tuyên dương, khen thưởng và hỗ trợ cho học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi. Những phần món quà có khi chỉ là những tập vở, vài cái bút nhưng lại là nguồn động viên lớn cho nhiều học sinh vùng quê nghèo này. Danh sách những học sinh, sinh viên được tiếp sức trong cuốn sổ của ông Phùng ngày càng dài thêm, trong số đó có nhiều người đã thành đạt và công việc ổn định.

Tỷ lệ học sinh học giỏi theo từng năm tại xã Duy Trung ngày càng tăng, công việc của ông Phùng lại càng bận rộn. “Mỗi người, mỗi hộ góp vài ngàn tùy lòng hảo tâm để xây dựng quỹ giúp sức cho học sinh nghèo. Tiếc rằng sức khỏe tôi ngày càng yếu đi. Nhưng nggày nào còn sức là tôi còn làm khuyến học giúp đỡ trẻ nghèo có điều kiện đến trường!” - ông Phùng vui vẻ nói.

Không giấu niềm xúc động, em Nguyễn Thị Hằng, tân cử nhân khoa Vật Lý Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng nói: “Nhờ có ông Phùng mà em và nhiều bạn khác trong xã mới có thể tiếp tục đi học đại học. Ông đã mang lại nhiều điều kì diệu cho những học sinh nghèo như em!” .

Sinh ra tại xã Duy Trung trong một gia đình có đông anh em, Hằng trúng tuyển đại học với số điểm khá cao nhưng gia đình em không có đủ tiền cho con nhập học. Hằng đang tính đến chuyện bỏ học để đi làm phụ giúp cha mẹ nuôi các em thì may mắn sao ông Phùng biết được hoàn cảnh của em. Ông đã kịp thời kêu gọi mọi người giúp sức để Hằng tới được giảng đường. Tiền học phí cùng chiếc xe đạp mà Hằng đang đi là công sức ông Phùng vận động người dân cùng đóng góp. Hằng chỉ là một trong số hằng chục bạn sinh viên được tiếp sức từ quỹ khuyến học làng của ông Phùng.

Hiện tại, ông Phùng phải một mình chăm sóc người vợ già là nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Kính (89 tuổi) và người con gái Phạm Thị Tứ (56 tuổi) thương binh hạng nhất, là thiếu niên anh dũng diệt giặc bị lính Mỹ cắt đứt chân phải năm 13 tuổi khi đang cùng cùng các thiếu niên khác đánh đồn bốt của địch. Cả vợ và con đau ốm triền miên, mình ông Phùng phải chạy ngược xuôi lo lắng thuốc thang cơm nước.

91 tuổi, ông Phùng vẫn làm khuyến học - 3
Ông Phùng và người con gái là thương binh hạng nhất.

Việc nhà bộn bề là vậy nhưng mỗi khi rảnh rỗi, ông vội vã cùng chiếc xe đạp lên đường để kịp thời giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh nghèo khó. Và hình ảnh ông lão già với vầng trán cao, chòm râu bạc trắng đạp xe đi khắp lối xóm, động viên lo lắng cho từng đứa trẻ nghèo chuyện học hành đã trở nên rất đỗi thân thuộc với vùng quê nghèo này.

Bài và ảnh: Trọng Huy