9 trường đại học ký kết hợp tác đào tạo ngành Du lịch
(Dân trí) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam 2019 lần đầu tiên tổ chức tại TPHCM, 9 trường ĐH có đào tạo ngành Du lịch đã ký kết liên kết hợp tác nhằm hướng tới đào tạo nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này.
Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành liên quan, 3 trường đại học công lập và 5 trường ngoài công lập tại TPHCM gồm: ĐH Hoa Sen, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM, ĐH Công nghệ TPHCM, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, ĐH Văn Lang, ĐH Kinh tế - Luật đã ký kết hợp tác trong đào tạo.
Hiện tại, cả nước có 346 cơ sở đào tạo du lịch các cấp từ sơ cấp đến Đại học, riêng TPHCM có 63 cơ sở đào tạo du lịch (24 đại học, 20 cao đẳng, và 19 trung cấp). Tuy nhiên, ngành vẫn còn những bất cập trong tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực như quy mô đào tạo tăng mạnh nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế. Hệ thống giáo trình chưa thực sự phù hợp, chất lượng đội ngũ giảng viên chưa cao. Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp và giữa các chủ thể, chưa chặt chẽ thiếu đồng bộ. Các chính sách và hành lang pháp lý cho tổ chức đào tạo nguồn nhân lực du lịch chưa thực sự phù hợp.
Tại diễn đàn này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các trường và doanh nghiệp phải xem lại mình. Đặc biệt, các trường đào tạo lĩnh vực này phải thay đổi lại chương trình đào tạo, gắn với thực hành hơn nữa.
“Vì sao chưa có nguồn nhân lực tốt ở trường mình, công ty mình? Hãy lấy kinh nghiệm của người xưa nói “tiên trách kỉ, hậu trách nhân” để ứng dụng trong mọi ngành chứ không chỉ là ngành du lịch. Trường mọc lên như nấm mà chất lượng chưa đạt yêu cầu là câu hỏi với các vị. Trường không có mô hình thực hành thì học hành rất xa vời", Thủ tướng nói.
Trong khi đó, ở góc độ quản lý giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định Bộ sẽ tiếp tục có các giải pháp nhằm nâng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch. “Ở đây, tác động về cơ chế chính sách của ngành giáo dục đào tạo chúng tôi thấy có nhiều cái cần tháo gỡ, ví dụ, linh hoạt lĩnh vực đào tạo, tăng đào tạo thực tiễn; gắn đào tạo ở các khách sạn nhà hàng, môi trường du lịch, mã ngành công nhận chuyển đổi giữa sơ cấp, trung cấp, CĐ, ĐH nằm trong khung trình độ quốc gia, tạo nhiều linh hoạt cho người học, thậm chí nhiều em chỉ học sơ cấp, trung cấp du lịch sau đó chuyển sang CĐ, ĐH một cách thuận lợi, chứ không quy định cứng như trước đây. Đó là hướng mà chúng tôi sẽ làm”, ông Nhạ chia sẻ.
Lê Phương