Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Chuẩn hóa chương trình đào tạo nhân lực du lịch theo hướng quốc tế

(Dân trí) - Đáp lại những góp ý về thực trạng nhân lực ngành Du lịch còn yếu và thiếu từ các trường và doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ các giải pháp nhằm nâng chất lượng nguồn nhân lực của ngành "công nghiệp không khói” này.

Phát biểu tại Diễn đàn Nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam năm 2019, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chia sẻ những định hướng, giải pháp đào tạo nguồn nhân lực phát triển du lịch ở góc độ của ngành Giáo dục.
 
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Chuẩn hóa chương trình đào tạo nhân lực du lịch theo hướng quốc tế - 1

GS.TS Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chia sẻ những giải pháp nâng chất lượng nhân lực ngành du lịch ở góc độ của ngành giáo dục

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Bộ GD-ĐT đã có nhiều chính sách khuyến khích đào tạo nhân lực du lịch. Trong đó, Bộ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị linh hoạt về mã ngành, phối hợp doanh nghiệp tạo hệ sinh thái đào tạo. Bộ đã ban hành Quyết định 4949 mang tính đột phá, tạo điều kiện chuyển nhiều sinh viên ngành Sư phạm, ngành khác sang ngành Du lịch. Bộ cũng có đề án tạo phương thức đào tạo gắn liền thực tiễn. Thời gian đào tạo trong doanh nghiệp ít nhất 30%. Theo ông Nhạ, với chính sách này, nhiều sinh viên không phải đào tạo từ đầu, được công nhận các kỹ năng. 
 
Trước tình trạng cầu rất nhiều, cung thì hạn chế, ông Nhạ nêu thêm giải pháp. “Ở đây, tác động về cơ chế chính sách của ngành giáo dục đào tạo, chúng tôi thấy có nhiều cái cần tháo gỡ, ví dụ, linh hoạt lĩnh vực đào tạo, tăng đào tạo thực tiễn; gắn đào tạo ở các khách sạn nhà hàng, môi trường du lịch, mã ngành công nhận chuyển đổi giữa sơ cấp, trung cấp, CĐ, ĐH nằm trong khung trình độ quốc gia, tạo nhiều linh hoạt cho người học, thậm chí nhiều em chỉ học sơ cấp, trung cấp du lịch sau đó chuyển sang CĐ, ĐH một cách thuận lợi, chứ không quy định cứng như trước đây. Đó là hướng mà chúng tôi sẽ làm”, ông Nhạ chia sẻ. 
 
Cũng theo Bộ trưởng Nhạ, Bộ GD-ĐT cũng phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ ngành khác rà soát sắp xếp lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng về du lịch theo hướng chuẩn hóa. Bởi vì thực tế chúng ta không chuẩn hóa được chất lượng, trường và chương trình thì đầu ra mỗi người học một chuẩn, sẽ rất khó cho chính người học lẫn doanh nghiệp. Việc rà soát sắp xếp lại theo hướng phân bổ theo cấp quốc gia, gắn với các vùng có phát triển du lịch để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học và thực hành ngay tại chỗ. Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với các Bộ ngành khác để khuyến khích xã hội hóa, đặc biệt là các doanh nghiệp để tạo ra một chuỗi tuần hoàn giữa người đào tạo và sử dụng, để hỗ trợ nhau, và khâu này phải nằm trong một quy trình chứ không phải chỉ hợp tác thông thường giữa ĐH và doanh nghiệp.
 
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Chuẩn hóa chương trình đào tạo nhân lực du lịch theo hướng quốc tế - 2

Hàng trăm lãnh đạo trường ĐH, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước tham dự diễn đàn Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tại TPHCM

Cần tạo ra được nguồn học bổng khuyến khích học sinh giỏi vào ngành Du lịch, đặc biệt chú trọng ngoại ngữ và những kỹ năng để giao tiếp quốc tế. Du lịch là ngành có tính chất đa lĩnh vực nên ngoài chuyên môn ra, các kiến thức tổng hợp thông qua học tập suốt đời rất nhiều. Chúng tôi đẩy mạnh phương thức giáo dục thường xuyên thông qua hình thức trực tuyến.
 
"Với trách nhiệm của mình, tới đây Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục cùng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đặc biệt các trường ĐH, doanh nghiệp để cùng thiết kế, định hướng chương trình và cùng phối hợp đào tạo để tạo động lực cho người học, cho nhiều người tham gia vào. Đồng thời, chú trọng chất lượng đào tạo, chất lượng bồi dưỡng phù hợp với thiết kế tiến đến kiểm định để chuẩn hóa theo hướng quốc tế chương trình đào tạo, tránh tình trạng đa dạng và không công nhận lẫn nhau”, lãnh đạo ngành giáo dục nói.
 
Gần 50% lao động trong lĩnh vực Du lịch yếu ngoại ngữ
 
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Chuẩn hóa chương trình đào tạo nhân lực du lịch theo hướng quốc tế - 3

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM nêu lên hàng loạt thách thức và cơ hội của ngành du lịch

 
Cũng tại diễn đàn, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM nêu lên hàng loạt thách thức và cơ hội của ngành Du lịch. Đặc biệt, ngay tại TPHCM hiện cũng đang “khát” nhân lực lành nghề và chất lượng cao.
 
Dẫn chứng ở trình độ ngoại ngữ, ông Vũ nói: "Mỗi năm, TPHCM đón hàng triệu lượt khách quốc tế và con số này tăng lên hằng năm, đặc biệt tăng trưởng mạnh trong ba năm trở lại đây. Tính đến 2018, thành phố có 5.418 hướng dẫn viên du lịch đang hành nghề đã được cấp thẻ, bao gồm 3.146 hướng dẫn viên du lịch quốc tế và 2.272 hướng dẫn viên du lịch (HDV DL) nội địa. Tuy nhiên về chất lượng hướng dẫn viên có tới 30-45% hướng dẫn viên du lịch không đạt chuẩn ngoại ngữ, đặc biệt trong đó một số ngôn ngữ như Nhật, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga còn rất hạn chế”.
 
Còn ở góc độ đào tạo, GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen đặt câu hỏi: Thế nào là nguồn nhân lực chất lượng cao? Trước đây người học cử nhân được coi là chất lượng cao nhưng trong xu thế quốc tế hóa hiện nay, cần xác định nguồn nhân lực chất lượng cao là cử nhân trở lên và đáp ứng chuẩn quốc tế - bằng cấp được liên thông và chấp nhận quốc tế.
 
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Chuẩn hóa chương trình đào tạo nhân lực du lịch theo hướng quốc tế - 4

GS.TS Mai Hồng Quỳ, hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen nêu các kiến nghị giúp các trường đào tạo tốt hơn

Để có được nguồn nhân lực cao, các trường cần phải thay đổi từ phương pháp, chương trình đào tạo, tăng thời lượng thực hành thực tế, kết nối doanh nghiệp trong đào tạo.
 
Bà Quỳ kiến nghị chương trình đào tạo của các trường phải chú trọng kiến thức liên ngành cho sinh viên. Ngoại ngữ là một trong những yếu tố tiên quyết: chuẩn đầu ra ngoại ngữ nên là chuẩn quốc tế (chuẩn của ĐH Hoa Sen là 5.5 IELTS).
 
Bên cạnh đó cần giáo dục ý thức phát triển bền vững cho sinh viên. Cần quan tâm sâu sát vấn đề thực hành, thực tập của sinh viên. Kết cấu chương trình thực hành và lý thuyết là 50-50 và đưa sinh viên thực hành tại các doanh nghiệp về du lịch.
 
Lê Phương