9 năm đi học trên vai cha
(Dân trí) - Chín năm ròng không kể nắng mưa, người cha ấy đều đặn đưa con đến trường bằng chính đôi chân của mình. Vẫn biết con mình sẽ chịu vô vàn những áp lực và có thể chẳng học được là bao nhưng ông không đành lòng trước khao khát mãnh liệt được đến trường của con.
Bán nhà lấy tiền chữa bệnh cho con
Chúng tôi đến thăm gia đình ông cựu chiến binh Tạ Đình Dũng (số15 ngách 255/7 đường Nguyễn Khang, Hà Nội) đúng vào lúc ông vừa từ bênh viện trở về. Căn bệnh lao phổi cùng với những di chứng của chiến tranh lúc cũng rình rập cướp đi mạng sống của ông.
Thế nhưng 17 năm nay, vợ chồng ông chỉ có thể tập trung vào người con trai duy nhất của mình. Cậu bé Tạ Duy Anh đã không may trở thành nạn nhân chất độc màu da cam.
Sau nhiều năm chiến đấu trên các chiến trường ở những nơi ác liệt nhất, năm 1987, ông Dũng xây dựng gia đình cùng bà Nguyễn Thị Điệp, cũng từng tham gia trong lực lượng vũ trang của Quân khu thủ đô sau giải phóng miền Nam. Lấy nhau được 3 năm thi cậu bé Tạ Duy Anh ra đời trong niềm hạnh phúc của gia đình.
Ông Dũng nghẹn ngào kể: “Thấy cháu sinh ra lành lặn, vợ chồng tôi vui sướng lắm, ai ngờ đâu đến tận 3 tuổi mà cháu vẫn chưa thể nói được. Đôi chân cứng đơ, háng lại bó sát, tay phải cũng bắt đầu có biểu hiện co cứng không thể hoạt động bình thường”.
Vợ chồng ông ra sức tìm mọi cách chạy chữa cho con. Không có tiền phẫu thuật, ông quyết định bán căn hộ do tổ tiên để lại. Mới 17 tuổi nhưng cậu bé Duy Anh đã phải trải qua 5 lần phẫu thuật. Hiện gia đình ông vẫn phải ở nhờ nhà của một người bên ngoại.
Mơ nhạc sĩ của người tàn tật
“Thời gian trôi đi, cơ thể “khó bảo” của con cứ dần lớn lên, đủ để con cảm nhận được vai ba cứ ngày một gầy đi. Ba biết không, đã nhiều lần nước mắt con cứ trào ra theo mỗi nhịp ba bước lên cầu thang của trường con học”.
Đó là những dòng nhật ký của cậu bé Tạ Duy Anh. Tuy đôi chân không thể đi lại, tay co quắp nhưng cậu bé lại có một khát khao mãnh liệt là được tới trường, được bằng bạn bằng bè.
Ngay từ khi mới 7 tuổi thấy bạn bè đi học cậu cũng đòi bằng được ba mẹ đưa đến trường. Dù không có tên trong danh sách được đến trường nhưng 10 năm qua, ngoài thời gian phải nằm viện, cậu đều đặn đến lớp. Tay phải không viết được, cậu tập viết bằng tay trái. Và cậu bé Duy Anh đã không những biết đọc biết viết mà còn biết những kiến thức cơ bản về ngoại ngữ và vi tính.
Kể về những năm tháng học tập của mình Duy Anh xúc động: “Em cố gắng đến trường là để hoà nhập với cộng đồng, nhưng em có cảm giác mọi người đều xa lánh em, đều nghĩ em là kẻ tàn tật. Những lúc như thế em chỉ muốn bỏ học, nhưng rồi nghĩ đến ba, mẹ em lại tiếp tục cố gắng...”.
Duy Anh hiện đã học xong chương trình lớp 9. Nói về mơ ước của mình Duy Anh tâm sự: “Em ước ao có một cái máy tính nối mạng. Như vậy em sẽ có thể tiếp tục học tập và nghiên cứu những điều mình đam mê. Em rất yêu âm nhạc, vì âm nhạc giúp em thêm yêu cuộc sống. Em mơ ước sau này sẽ trở thành một nhạc sĩ để sáng tác những bản nhạc dành cho những người tàn tật như em”.
Thái Bình