7 sai lầm thường mắc trong học ôn môn Văn

(Dân trí) - Thí sinh dự thi môn Văn trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hàng năm thường có kết quả thấp nhất so với các môn thi trong các khối khác. Bài thi môn Văn cũng là bài làm “khổ” nhất đối với mỗi thí sinh khi trong vòng 180 phút, họ phải viết đến tê dại cả hai tay…

Làm thế nào để đạt được kết quả cao môn Văn đối với thí sinh là một câu hỏi khó từ nhiều năm nay. Cũng một phần do đặc thù của môn khoa học xã hội nên phần lớn thí sinh không có được phương pháp học hiệu quả đối với môn học này.

Sau bài viết “Đạt được điểm 10 môn Văn có thực sự khó”, chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu về 7 sai lầm thường mắc phải của thí sinh khi học ôn thi môn Văn. Bài viết được tổng hợp từ ý kiến của các giảng viên khoa Văn trường ĐH Sư phạm Hà Nội và trường ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội).

1. Miên man: Thí sinh thường khá dễ dãi trong cách học môn Văn. Điều này được thể hiện qua cách học miên man, tràn lan, không phân biệt được phần nào là trọng tâm nhất trong mỗi một tác phẩm. Hậu quả của cách học này là khi làm bài, thí sinh rất dễ rơi vào tình trạng liên tưởng tràn lan khiến cho bài viết bị loãng, khó đạt điểm cao. Nhiều thí sinh viết tới 16 trang giấy nhưng chỉ được điểm ở một vài ý.

2. Tham lam. Những năm gần đây, đề thi rất sát kiến thức cơ bản mà học sinh được học trong nhà trường. Đề thi ĐH chủ yếu được ra trong chương trình Văn học lớp 12 gồm Văn học Việt Nam, Văn học nước ngoài. Về hình thức có hai thể loại: Văn xuôi và thơ. Ham hiểu biết thì rất đáng quý nhưng khi ôn tập, thí sinh chỉ nên tập trung vào chương trình cơ bản. Không nên học quá rộng.

Học rộng quá đối với nhiều thí sinh sẽ bị biến thành.... tham lam khi cái gì mình đọc được cũng mang vào trong phần làm bài, nhưng những phần đúng theo đáp án thì lại... quên. Có thí sinh khi làm bài văn về Nam Cao đã dẫn chứng rất nhiều về Lỗ Tấn, Víchto Huygô.. .nhưng lại nhầm về năm sinh của Nam Cao và liệt kê nhầm một truyện ngắn của một nhà văn khác gắn tên Nam Cao đã tạo nên sự phản cảm cho người chấm.

3. Học vẹt. Đề thi của Bộ GD-ĐT càng ngày càng ra theo hướng hạn chế học vẹt, chép nguyên xi sách giáo khoa hay sách tham khảo, hạn chế những câu hỏi có tính chất thuộc lòng, những câu hỏi có trong sách giáo khoa và trong các cuốn văn mẫu; đồng thời tăng cường những câu hỏi có tính chất tổng hợp, đòi hỏi thí sinh phải biết vận dụng kiến thức và kỹ năng đã học một cách linh hoạt, sáng tạo. Nếu học ôn theo kiểu “ra rả như cuốc kêu” hết ngày này đến ngày khác thì chỉ nhọc công mà không thu lại được gì!

Nhiều thí sinh do học không nhập tâm, không hiểu tác phẩm nên đã không phân biệt được sự khác nhau giữa hai đề thi na ná nhau. Trong khi đề thi thật đặt yêu cầu khác nhưng do học vẹt nên cứ bê nguyên xi bài làm của đề thi mẫu mà khi ôn đã học thuộc lòng vào bài làm.

4. Vô cảm. Cảm xúc càng trung thực, càng chân thành càng dễ làm người đọc có thiện cảm. Tuy nhiên, nhiều học sinh lại đang nghĩ cảm xúc chỉ là những từ cảm thán và bóng bẩy.

Trong khi, cảm xúc thể hiện ở cách diễn đạt, ở các loại câu khác nhau (tương ứng với các góc tiếp cận vấn đề). Nhiều học sinh tưởng rằng, cứ làm theo đúng đáp án là điểm cao. Tuy nhiên, đối với môn Văn thì đủ ý theo đáp án thì chưa đủ mà đòi hỏi thí sinh cần phải có cảm xúc.

5. Lạc đề. Khi tiếp cận một đề bài, thí sinh hay mắc bệnh vội vàng nên không nhận diện đúng dạng bài và thường hay lạc. Dạng bài chứng minh thì nhầm sang phân tích, giải thích... Đã thế, thí sinh lại hay bỏ qua những dấu chấm, dấu phẩy, dấu ngoặc đơn, ngoặc kép mà người ra đề đã cố tình cho vào để định hướng cách làm bài cho thí sinh.

6. Tuỳ hứng. Đối với việc học ôn môn Văn, nhiều thí sinh học nhiều quá, ngược lại nhiều người lại học ít quá và việc học ôn khá tuỳ hứng, không theo chừng mực nào vì suy nghĩ “Văn ấy mà!”. Điều này dẫn đến hiện tượng có những bài văn quá dài và những bài văn lại quá ngắn.

Dung lượng của một bài làm nên tương ứng với thời gian làm bài cho phép. Nếu viết quá ngắn thì giám khảo sẽ cảm nhận rằng, đó là bài làm của một người không có gì để viết và thí sinh không biết triển khai một bài văn như thế nào. Nếu viết quá dài thì dẫn đến lan man. Lan man thi hay bỏ lửng ý, bỏ lửng ý thì mất điểm. Đáng tiếc là lan man lại là một bệnh khá phổ biến ở những thí sinh học khá môn Văn.

7. Không biết cách trình bày: Bố cục một bài văn góp phần rất lớn để người đọc (giám khảo) định hình được đây có phải là người có học văn hay không. Một bài văn có 3 phần: Đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và kết thúc vấn đề. Tuy nhiên, thí sinh rất hay mắc phải sai lầm sau trong cách trình bày: Đó là viết... “tràng giang đại hải”.

Giữa các ý không có chuyển đoạn, không có xuống dòng, lùi vào đầu câu. Viết liền tù tì làm cho người đọc thấy rối mắt, không thấy có sự mạch lạc trong tư duy của người viết và như thể khó mà tạo được thiện cảm với người đọc. Đáp án chấm bao giờ cũng tính điểm chi tiết cho từng nội dung nhỏ. Tuy nhiên, đối với môn văn, khi chấm, giám khảo còn xem xét cả hành văn, cách diễn đạt của thí sinh.

Theo PGS.TS Phạm Gia Lâm, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội): Trong các môn xã hội bao gồm Văn, Sử, Địa, môn Văn là môn khó đạt điểm xuất sắc nhất. Tuy nhiên, đây lại là môn mà thí sinh có thể đạt kết quả cao hơn mong muốn và hứa hẹn nhiều bất ngờ nhất. Từ trước đến nay, hầu như trong 3 môn thi của khối xã hội thì chỉ có ở môn Văn thí sinh mới đạt điểm 10.

 

Nhưng, môn Văn cũng lại là môn mà người chấm thường rất khó tính. Chẳng hạn, đối với một bài làm văn chữ xấu, thí sinh dù có viết hay và viết đúng thì cũng rất dễ bị mất điểm oan!

 

Điểm thi môn Văn cũng khó cao được còn vì đề thi môn Văn nào cũng có tối thiểu 2 điểm dành cho phần học thuộc lòng nên dễ tạo cho thí sinh tâm trạng quay cóp, mà đã có ý định quay cóp thì làm sao thư thái đế tập trung làm bài đạt kết quả cao!

M.M

Dòng sự kiện: Tư vấn thi các môn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm