7 kỹ năng phụ huynh cần trang bị để giúp con chống bạo lực học đường

(Dân trí) - PGS.TS tâm lý học Huỳnh Văn Sơn đã đưa ra 7 kỹ năng giáo dục tích cực mà phụ huynh cần trang bị để giúp con trẻ phòng chống bạo lực học đường.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng, trong giáo dục phòng chống bạo lực, phụ huynh chiếm 50% sự định hướng, kiểm soát và thấu hiểu con cái trước những hành vi, lời nói, thái độ sau mỗi giờ học trên lớp.

Do đó, bản thân các bậc làm bố, làm mẹ cần tự ý thức được trách nhiệm dạy dỗ để mạnh dạn tìm hiểu, nghiên cứu các hình thái và hướng xử lý của bạo lực học đường.  

Dưới đây là 7 kỹ năng phụ huynh cần trang bị giúp con chống bạo lực học đường:

7 kỹ năng phụ huynh cần trang bị để giúp con chống bạo lực học đường - 1

Phụ huynh chiếm 50% sự định hướng, kiểm soát và thấu hiểu con cái trước những hành vi, lời nói, thái độ sau mỗi giờ học trên lớp.

  1. Hiểu đầy đủ các kiến thức, kỹ năng nhận biết dấu hiệu của bạo lực học đường (BLHĐ) như: trêu đùa quá khích, bị cho ra rìa, tẩy chay, cô lập, bị ức hiếp, hăm dọa, mang vũ khí sắc nhọn bên người… Nếu trẻ nhận biết được các cấp độ của BLHĐ sẽ rất dễ tránh xa các tình huống bế tắc trong cách hành xử với bạn bè.
  2. Phụ huynh cùng vui đùa, trò chuyện dạy trẻ tính hòa nhập cộng đồng, khuyến khích con thành lập các nhóm học tập, thể thao, văn nghệ… điều này khiến trẻ có sự tương tác tích cực với bạn bè xung quanh giúp né tránh các trận gây gổ, ẩu đả cũng như những người bạn “trái tính, trái nết”.
  3. Kỹ năng làm chủ và ứng phó với hệ lụy của BLHĐ rất quan trọng đối với các bạn học sinh tuổi thanh thiếu niên. Bởi trong độ tuổi này các em có suy nghĩ rất nhạy cảm, chỉ một chút tác động nhỏ cũng khiến các em suy nghĩ “mất ăn, mất ngủ”. Phụ huynh cần gần gũi, quan tâm con cân bằng tâm lý, tránh được những nổi loạn cảm xúc dẫn đến hành vi quá khích.
  4. Ngay từ khi bước chân vào cổng trường mầm non, đồng nghĩa phụ huynh phải trang bị cho con kỹ năng nhận biết, phân tích, đánh giá biểu hiện hành vi của những người xung quanh để trẻ biết phân định đâu là đúng – sai, tốt – xấu. Từ đó hình thành được thói quen từ nhỏ giúp giảm thiểu tối đa việc trẻ bị bạo lực hoặc cầm đầu nhóm bạo lực.
  5. Dạy con cách kiềm chế cảm xúc tiêu cực không nên la hét, quát mắng, chửi bới, văng tục… Đứng trước những sự việc tác động mạnh đến mình, các con phải viết kiểm soát cảm xúc bằng cách hít thở sâu đến từ 1-10, nghĩ đến câu chuyện hài và bỏ đi nơi khác để không nghe những lời nói quá khích từ bạn bè. Kỹ năng này cực kì quan trọng, phụ huynh lưu ý thường xuyên chỉ con để đảm bảo không có sự cáu giận, thay vào đó là điềm tĩnh để nhìn nhận vấn đề.
  6. Kỹ năng xử lý tình huống bất thường khi xảy ra BLHĐ bằng cách đưa ra các buổi diễn tập bằng lời nói và hành động, đóng vai theo chủ để các cảnh bạo lực, hướng dẫn trẻ xử lý theo hướng tích cực nhất. Đồng thời lật tức tìm người đáng tin cậy gần nhất để chia sẻ những dấu hiệu của tiền bạo lực như thông báo cho giáo viên, đoàn thanh niên, bảo vệ nhà trường… để có sự trợ giúp và giám sát kịp thờit khi trên lớp.
  7. Cuối cùng, phụ huynh cũng nên dạy cho trẻ kỹ năng tự vệ bản thân để kịp thời đối kháng chốn lại nạn BLHĐ. Tự vệ ở đây không chỉ có nghĩa là dùng sức lực để kháng cự, nó còn là sự nhẫn nhịn, lùi bước để tránh BLHĐ, nhưng không có nghĩa là cam chịu hay liều mình chịu trận.

Hà Cường (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm