7 điểm/3 môn vẫn đỗ nhiều trường ĐH - CĐ

Thi đại học được 7 điểm/3 môn nhưng vẫn đậu tới... 20 trường; nhập học chán rồi mà vẫn nhận giấy báo trúng tuyển… Đó là vài câu chuyện bi hài tiếp tục xuất hiện sau mùa tuyển sinh năm nay.

Trường chọn thí sinh hay thí sinh chọn trường? 
 

Nguyễn Hải Trang (Quận Long Biên, Hà Nội) thi vào Trường ĐH Văn hóa Hà Nội đạt 8 điểm, không đỗ. Nhưng từ sau khi nhận giấy báo kết quả đến nay, Trang đã nhận được hơn 10 giấy báo trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp khác. Trang cho biết, không những các trường khu vực phía Bắc mà cả các trường thuộc hệ đào tạo từ xa ở phía Nam cũng gọi nhập học.

 

Còn với Trần Văn Hùng (Quận Đống Đa), bạn đã không khỏi ngạc nhiên khi nhập học tại Trường TCCN ESTIH từ 1tháng trước nhưng đến nay vẫn đều đều nhận được giấy báo nhập học của nhiều trường khác. Trước đó, trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, Hùng thi vào Trường ĐH Xây dựng nhưng chỉ đạt 6 điểm/3 môn nên Hùng đăng ký vào học trung cấp.

 

Một thầy giáo ở Huế cũng cho biết, học trò của thầy thi đại học đạt 7 điểm mà lại có giấy báo của một trường dân lập ở Đà Nẵng. Qua tìm hiểu, đây không phải là "hiện tượng" của mùa tuyển sinh 2009. Những năm trước, đều có tình trạng này. Các trường đại học tổ chức thi sẽ bán danh sách những thí sinh không đủ điểm vào đại học cho các trường cao đẳng hoặc các trường trung cấp chuyên nghiệp. Đây là chiến dịch tìm kiếm thí sinh của các trường trung cấp này.

 

Thực tế, các trường trung cấp chuyên nghiệp đều tuyển sinh rất khó khăn. Hiệu trưởng của một trường trung cấp chuyên nghiệp tại Hà Nội cho biết, việc đầu tiên là phải mua danh sách các thí sinh bị trượt từ một số trường, sau đó liên kết với một đội ngũ "chân rết" in và gửi giấy nhập học đến các thí sinh bị trượt.

 

Ngoài ra, các trường hoạt động theo mô hình dân lập, muốn đạt chỉ tiêu tuyển sinh phải chi phí tới 2/3 tiền học phí hai tháng đầu của thí sinh, khoản phí đó được dành cho những trường thừa chỉ tiêu khi "nhượng" lại học sinh.

 

Nguồn tuyển đã “cạn”?

 

Năm 2009, số thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT trên cả nước là hơn 872.000. Trong khi đó, theo ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT, tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng (hệ chính quy) năm 2009 là hơn 502.000 (tăng xấp xỉ 12 % so với năm 2008).

 

Tổng chỉ tiêu hệ trung cấp chuyên nghiệp năm học 2009 - 2010 là 460.000. Như vậy, tổng chỉ tiêu đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp đã vượt số thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2009. Do đó, phải "vét" cả học sinh trượt tốt nghiệp THPT thì may ra mới đủ chỉ tiêu.

 

Chính vì nguồn tuyển đã "cạn" này dẫn đến tình trạng các trường, từ đại học công lập đến trung cấp chuyên nghiệp đều khó khăn trong tuyển sinh. Dư luận đang rất bất ngờ trước thông tin Trường ĐH Y Hà Nội tuyển NV3 (dù trường không tuyển NV2). Trước đó, lãnh đạo nhà trường cho biết đã gọi đến 200% chỉ tiêu nhưng vẫn không đủ thí sinh nhập học.

 

So với năm 2008, điểm chuẩn của Trường ĐH Y Hà Nội cũng thấp hơn. Đến nay, mới chỉ có ngành Bác sĩ đa khoa của trường là đủ thí sinh nhập học. Các ngành sư phạm, nhất là các trường cao đẳng sư phạm địa phương, dù NV2 cũng chỉ từ điểm sàn hoặc tương đương điểm NV1 nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu.

 

Rõ ràng, ở mùa tuyển sinh năm nay, thí sinh đã có quyền "kiêu" khi lựa chọn trường.

 

Theo Hà Vi
Sinh Viên Việt Nam