6 xu hướng nghề cho thanh niên trên thế giới: Kỹ năng là một loại tiền tệ!
(Dân trí) - Một trong 3 trụ cột ưu tiên trong phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của thế giới là "tăng cường việc làm cho thanh niên và thúc đẩy tinh thần khởi tạo doanh nghiệp".
Xác định tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đối với mỗi quốc gia, từ năm 2015, Liên Hợp quốc chính thức chọn ngày 15 tháng 7 hàng năm làm Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới (World Youth Skills Day) nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của GDNN, phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên.
Liên Hợp quốc hy vọng ngày này sẽ góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong giới trẻ trên toàn cầu, làm nổi bật sự phát triển kỹ năng của thanh thiếu niên, đóng góp vào sự phát triển chung của thế giới.
Năm 2016, Tổ chức UNESCO đã đề ra Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2016 - 2021, trong đó đã xác định một trong 3 trụ cột ưu tiên trong phát triển GDNN của thế giới là "tăng cường việc làm cho thanh niên và thúc đẩy tinh thần khởi tạo doanh nghiệp".
Một số xu hướng cụ thể về phát triển GDNN, đào tạo nghề cho thanh niên cũng được các nước trên thế giới quan tâm như sau:
1. Phát triển bền vững GDNN trong mối quan hệ chặt chẽ với phát triển nguồn nhân lực nhằm trang bị cho thanh thiếu niên và người lao động các kỹ năng cần thiết cho việc làm, tinh thần kinh doanh và học tập suốt đời;
2. GDNN phát triển dưới nhiều hình thức và ngày càng mở rộng tới cấp trung học nhằm trang bị cho thanh niên trẻ những kỹ năng cần thiết để sớm bước vào thị trường lao động; phân luồng và liên thông vẫn tiếp tục phát triển mạnh trong hệ thống GDNN, nhằm tạo cơ hội học tập lớn nhất cho thanh niên, sớm gia nhập thị trường lao động;
3. Học suốt đời và xây dựng trường học cộng đồng đòi hỏi thanh niên phải luôn trau dồi kiến thức, kỹ năng mới cho bản thân để đáp ứng với những yêu cầu của thế giới việc làm, đặc biệt trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 diễn ra mạnh mẽ;
4. Kỹ năng được coi là một loại tiền tệ toàn cầu. Theo xu hướng này, kỹ năng là một nguồn lợi thế kinh tế, ngày càng gia tăng và có thể giao dịch;
5. Cơ cấu lao động chuyển dịch từ khu vực năng suất lao động thấp sang khu vực năng suất lao động cao, đòi hỏi GDNN phải nhanh chóng chuyển từ mô hình đào tạo theo số lượng, sang mô hình đào tạo chất lượng, phân tầng chất lượng (nhất là chất lượng cao và trình độ cao) với quy mô thích hợp theo các giai đoạn phát triển kinh tế;
6. Thế giới việc làm thay đổi nhanh và khó đoán định; do vậy cần chuyển hướng đào tạo từ diện nghề hẹp, chuyên sâu sang đào tạo diện nghề rộng, tích hợp liên ngành/nghề dựa trên nền tảng tăng hàm lượng chất xám và kỹ năng thích ứng linh hoạt, để người học dễ dàng dịch chuyển nghề nghiệp trên thị trường lao động không biên giới và đa văn hóa.
Với những bối cảnh và xu hướng nêu trên, dự báo lực lượng lao động phân theo cấp trình độ đào tạo GDNN ở Việt Nam như sau: Đến năm 2025, tổng số lực lượng lao động cả nước là 59,2 triệu người, trong đó lao động có trình độ sơ cấp là 3,2 triệu người; lao động có trình độ trung cấp là 2,95 triệu người; lao động có trình độ cao đẳng là 4,0 triệu người;
Đến năm 2030, tổng số lực lượng lao động cả nước là 61,9 triệu người, trong đó lao động có trình độ sơ cấp nghề là 3,1 triệu người; lao động có trình độ trung cấp là 3,4 triệu người; lao động có trình độ cao đẳng là 7,1 triệu người.
Tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động bình quân trong giai đoạn 2021 - 2030 là 0,9%/năm; tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động có trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng bình quân trong giai đoạn này là 4,5%/năm, 3,0%/năm và 10,0%/năm.