6 câu hỏi về tỷ lệ “chọi”

(Dân trí) - Mặc dù theo khẳng định của các chuyên gia tuyển sinh, tỷ lệ “chọi” là một con số tham khảo không đáng tin cậy. Tuy vậy, phần lớn thí sinh vẫn luôn bị “ám ảnh” về con số này. Để giải toả cho tâm lý thí sinh, Dân trí đã tổng hợp và trả lời 6 thắc mắc phổ biến nhất của thí sinh xoay quanh vấn đề tỷ lệ “chọi”.

1. Tỷ lệ chọi có phản ánh sự dễ đỗ hay khó đỗ của mỗi trường? 

Câu trả lời là KHÔNG. Ví dụ như ĐH Bách khoa hay Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, hàng năm, tỷ lệ chọi của những trường này chỉ trong khoảng 1 chọi 3 hay 1 chọi 4 nhưng mức điểm chuẩn đầu vào của trường luôn trên 23 điểm, thực tế đó cho thấy đỗ được những trường này không hề dễ. 

Nhưng, tại một số trường như ĐH Lâm nghiệp, các trường ĐH thuộc ĐH Thái Nguyên, ĐH Hồng Đức… cũng có mức tỷ lệ “chọi” 1/3, 1/4 giống như các trường trên, tuy nhiên, đỗ vào những trường này lại khá dễ dàng vì điểm chuẩn khá thấp, với mức chỉ xấp xỉ điểm sàn. 

Như vậy, các trường có thể có mức tỷ lệ chọi giống nhau nhưng điểm chuẩn lại vẫn khác xa nhau.

2. Tỷ lệ chọi càng thấp, cơ hội trúng tuyển càng cao? 

Khi theo quan niệm này, nhiều thí sinh đã phán đoán, với đề thi chung, các trường ĐH sẽ được nằm trên một mặt bằng chung, vì thế những trường nào càng có ít thí sinh dự thi, tức là tỷ lệ chọi của trường đó càng thấp, thì trường đó càng dễ trúng tuyển, kể cả đó là những trường nằm trong hàng “top”.  

Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Mặc dù từ khi áp dụng đề thi chung, một số trường loại “top” có số thí sinh dự thi giảm mạnh như ĐH Bách khoa Hà Nội có năm giảm tới gần 20%, ĐH Sư phạm Hà Nội giảm tới gần 30%… khiến tỷ lệ chọi cũng giảm mạnh. Dù vậy, những trường này vẫn luôn có mức điểm chuẩn đầu vào rất cao như ĐH Sư phạm Hà Nội có ngành lên tới 27 điểm, ĐH Bách khoa thì luôn dao động trong khoảng từ 23- 24 điểm. Điều đó cho thấy, số thí sinh dự thi vào những trường “top” thường là những thí sinh thuộc diện xuất sắc.  

Hiện, đã có sự phân luồng khá rõ nét trong số thí sinh dự thi đại học và như theo nhận xét của bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ ĐH và SĐH, Bộ GD-ĐT: Tỷ lệ chọi không quan trọng, điều quan trọng là “chọi” với đối tượng học lực thế nào! 

3. Tỷ lệ chọi có tính quyết định đến điểm chuẩn? 

Tỷ lệ chọi hoàn toàn không có quan hệ gì đến mức điểm chuẩn. Tỷ lệ chọi cao cũng không khiến điểm chuẩn của các trường cao theo. Tỷ lệ chọi thấp cũng không khiến điểm chuẩn của các trường thấp theo. 

Chẳng hạn như ĐH Y Hà Nội năm 2005 có tỷ lệ chọi là 1 chọi 3, sang năm 2006, tỷ lệ chọi này tăng lên đến 1 chọi 6. Tuy nhiên, điểm chuẩn của ĐH Y Hà Nội đã không thay đổi với mức trên 25 điểm. 

4. Tại sao lại có tỷ lệ chọi “ảo” và tỷ lệ chọi thật? 

Tỷ lệ chọi “ảo” là con số được tính bằng số hồ sơ dự thi của thí sinh/ chỉ tiêu của mỗi trường ĐH, CĐ. Tỷ lệ chọi thật là số thí sinh thực tế đến thi/ chỉ tiêu của mỗi trường. 

Trước khi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ diễn ra thì mọi tỷ lệ chọi được công bố đều là tỷ lệ chọi ảo. 

Lý do của của sự xuất hiện 2 tỷ lệ chọi thật và ảo này là vì: 

+ Số hồ sơ dự thi của thí sinh năm nào cũng có ảo. Giữa số hồ sơ dự thi và số thí sinh thực tế đến thi luôn có một khoảng cách nhất định. Ví như ĐH Công nghiệp Hà Nội năm 2006 có hơn 32 nghìn bộ hồ sơ dự thi nhưng chỉ có 21 nghìn thí sinh đến dự thi, “ảo” hơn 11 nghìn. 

+ Thí sinh sau khi nộp hồ sơ dự thi tại một số trường ĐH, CĐ, khi nghe thông tin tại những trường mình đã nộp hồ sơ có tỷ lệ chọi quá cao đã hoang mang nên không dám dự thi vào trường đó. 

5. Có quy luật nào về sự tồn tại của tỷ lệ chọi? 

Sau 6 năm thực hiện 3 chung, tỷ lệ chọi đã hiện diện ngày càng rõ nét và đã hình thành được 3 quy luật sau trong sự tồn tại và phát triển: 

+ Tỷ lệ chọi đã liên tục giảm. Đối với hệ ĐH, năm 2001 tỷ lệ chọi là 1 chọi 10,87. Năm 2002 chỉ còn 7,38. Và đến năm 2006 là 5,80. Đối với hệ CĐ, năm 2001 có tỷ lệ chọi là 1 chọi 8,97; đến năm 2006 chỉ còn 1 chọi 4,09.  

+ Tỷ lệ chọi của các trường top trên giảm mạnh: Cũng trong 6 năm từ năm 2001 đến năm 2006, tỷ lệ chọi của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM đã giảm khoảng gần 5 lần, ĐH Bách khoa Hà Nội giảm 7 lần, ĐH Sư phạm Hà Nội giảm hơn 6 lần với mức chọi của năm 2001 lên tới 1 chọi 30,51 nhưng đến năm 2006 chỉ còn 1 chọi 5,34… 

+ Tỷ lệ chọi “ảo” càng ngày càng tăng với mức tăng khoảng 10% giữa năm 2005 và năm 2006. Năm nay, tỷ lệ chọi ảo được dự báo là con tăng hơn nhiều so với năm 2006. 

6. Trường nào thường có mức tỷ lệ chọi “ảo” cao? 

Hầu hết là những trường thuộc hàng top 2 và các ĐH vùng. Năm nay, tỷ lệ chọi ảo cao dự báo sẽ tập trung nhiều ở các trường thuộc khối nông, công, lâm nghiệp, các ĐH vùng và hầu hết các trường dân lập.  

Đối với các trường ĐH Công nghiệp, Nông nghiệp thì hàng năm, tỷ lệ chọi tại đây thường ảo rất lớn. Như ĐH Công nghiệp Hà Nội năm 2006, tỷ lệ chọi “ảo” là 1 chọi 23, trong khi tỷ lệ chọi thật chỉ là 1 chọi 14. ĐH Công nghiệp cũng là một trong những trường thường xuyên có tỷ lệ chọi ảo cao trong nhiều năm nay. ĐH Nông nghiệp 1 cũng rơi vào trong tình trạng tương tự. Như vậy, đối với khối trường này, năm nay tỷ lệ chọi ảo cũng sẽ tiếp tục cao. 

Riêng đối với khối trường Y, năm nay hồ sơ dự thi của thí sinh lại tăng đột biến khiến tỷ lệ chọi tại các trường này cũng tăng vọt theo. Theo các cán bộ tuyển sinh của những trường này thì nhiều khả năng các ĐH Y năm nay sẽ rơi vào tình trạng ảo nhiều. Đặc biệt đối với các ĐH Y hàng đầu như ĐH Y Hà Nội, Y Dược TPHCM thì tỷ lệ chọi “ảo” sẽ rất cao. 

Tại sao có hơn 150 nghìn thí sinh trượt ĐH “oan”?

 

Hàng năm, trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH thường có khoảng 300 nghìn thí sinh đạt mức điểm từ 15 trở lên và số này lẽ ra đều đã đỗ được ĐH. Như trong năm 2005, 2006, với mức điểm sàn của Bộ GD- ĐT quy định là 14 và 15 điểm, đã có khoảng hơn 100 trường và các ngành thuộc một số trường có mức điểm chuẩn nguyện vọng 1 bằng mức điểm sàn này. 

 

Tuy nhiên, số thí sinh đã trúng tuyển đã chỉ được một nửa số này. Năm 2005 có 154.992 thí sinh trúng tuyển, năm 2006 có 181.311 thí sinh trúng tuyển.

 

Lý do chính của sự trượt “oan” này là vì thí sinh vẫn chưa biết chọn trường nào vừa sức. Vì thế, vào những phút chót này, thí sinh cần rất nhậy cảm trong việc đưa ra quyết định cuối cùng về việc chọn trường nào để thi. Cùng mức điểm 15, thí sinh có thể đỗ trong NV 1 nhưng khó lòng mà đỗ được ở NV2, 3.

M.M