6 bài học từ triển lãm công nghệ giáo dục Edutech Asia 2019
(Dân trí) - Từ Singapore, Ms Hoài Trần - CEO nguonhocbong.com đã chia sẻ những nhận định của mình về xu hướng giáo dục của thế giới sau khi tham dự triển lãm công nghệ giáo dục Edutech 2019 tại quốc đảo sư tử này. Đây là cơ hội rất tốt để trao đổi trực tiếp với các chuyên gia đầu ngành đến từ khắp nơi trên thế giới về công nghệ cũng như giải pháp số hóa trong lĩnh vực giáo dục.
1. “Số hóa” giải pháp quản lý dành cho các trường học
Có dịp cùng ngồi và tìm hiểu kĩ, chị Hoài được các chuyên gia trao đổi về hệ thống quản lý trường từ trung học đến đại học hiện đại như thế nào. Hệ thống được kết nối với các phần mềm hiện tại các trường đang sử dụng. Dữ liệu sẽ được đồng bộ hóa mà ở đó nhà quản lý giáo dục sẽ nắm được trường đang có bao nhiêu sinh viên, trình độ, vùng miền, các môn học được sinh viên thích nhất, khoa nào được sinh viên theo học đông nhất hoặc ít nhất, kết quả thi cử... Tất cả đều được số hóa và có thể xem bất kì lúc nào và bất kì nơi đâu. Theo thời gian, các nhà quản lý trường học còn so sánh được dữ liệu các năm với nhau để có những thay đổi nhanh chóng và phù hợp với sự phát triển của thời đại. Không chỉ công nghiệp mới cần số hóa mà các lĩnh vực khác trong đó có giáo dục cũng chắc chắn cần số hóa vì dữ liệu học viên luôn quan trọng.
2. Chương trình đào tạo giáo viên thời 4.0
Phần Lan chính là nước đáng nói nhất cho chương trình này. Tại Phần Lan, để dạy được tiểu học, giáo viên bắt buộc phải có bằng Thạc sĩ giáo dục. Họ có những chương trình được tối ưu để giảng dạy cho giáo viên các nước khác từ các chuyên gia giáo dục đến từ Phần Lan. Điểm hay hơn nữa là chương trình trực tuyến (online) giúp cho những nước xa xôi như Việt Nam vẫn có thể tiếp cận được. Lợi ích của giáo viên khi học chương trình này là có thể biết cách thiết kế chương trình học phù hợp gắn kết với thực tế theo phương pháp Phần Lan để phù hợp với giáo dục theo cuộc cách mạng 4.0. Chương trình này được thiết kế bao gồm 4 mức độ và mỗi mức độ có 4 phần và mỗi phần thì có 3 bài học với 45 phút/bài. Tóm lại có 48 bài học cho cả chương trình này. Và hãy luôn nhớ “teacher is motivator” trong thời đại 4.0 này nhé.
3. Tập trung vào K12
Giáo dục càng sớm càng có lợi, điều này chắc hẳn ai cũng biết. Vì vậy có nhiều sản phẩm dành cho K12 như robot, phòng Lab, lập trình, tiếng Anh v..v.. không làm chị Hoài quá ngạc nhiên. Nhưng điều làm chị bất ngờ là khi nhìn các bạn cấp 1 trình bày sản phẩm (pitching) bằng tiếng Anh trước một tập thể toàn những người lạ và lại là những người lớn mà vẫn lưu loát, tự tin và đáng yêu tại một nơi không phải là trường của mình. Riêng điều này đã là một sự thành công của nền giáo dục Singapore.
4. Trí tuệ nhân tạo (AI) thay đổi cả việc dạy và học
Hãy nhớ một thông điệp quan trọng “AI không thay thế giáo viên” và “trường học trực tuyến không thay thế được trường truyền thống”. Mỗi cái đều có giá trị của nó. AI là công cụ hỗ trợ giáo viên cùng một khoảng thời gian có thể dạy và quản lý cũng như nắm bắt học trò tốt hơn cách làm truyền thống. Cụ thể AI được tích hợp với bút thông minh, khi học viên thi hoặc làm bài tập, giáo viên có thể không ở ngay tại đó nhưng vẫn nắm được kết quả ngay lập tức và công cụ AI sẽ gửi bảng tổng hợp để giúp giáo viên biết được các học trò của mình nắm rõ những phần kiến thức nào và chưa tốt ở phần nào. Trên cơ sở gợi ý đó, giáo viên sẽ biết để truyền đạt lại cho những bạn cần sự hỗ trợ. Điều đó không phải tốt lắm sao? Nền tảng học trực tuyến sẽ dạy những môn cơ bản hoặc 1 kỹ năng nào đó nhưng không thể giúp bạn trao đổi, thảo luận, tương tác hay tạo mối quan hệ với bạn cùng lớp hoặc cùng trường. Mối quan hệ chính là tài sản vô hình của bất kì người học nào. Bạn có thể hợp tác với bất kì ai mà vốn dĩ bạn chỉ quen trên mạng hay không?
5. Trường quốc tế tại Malaysia
Ms Hoài Trần có dịp lắng nghe bài trình bày từ CEO của một trường quốc tế mà ở đó học sinh được học và làm thực tế ra sản phẩm của mình. Trường tổ chức pitching cho các bạn ấy được gặp nhà đầu tư và đưa sản phẩm gây vốn từ cộng đồng (crowdfunding). Hơn nữa, sản phẩm còn được đăng kí tại các sàn thương mại điện tử nổi tiếng để thương mại hóa. Chúng ta không bàn kết quả sản phẩm ở đây, điều đáng bàn chính là cách trường đã làm để gắn kết giữa kiến thức và thực tế để giúp học sinh có được những kỹ năng qua dự án (hay còn gọi là project based learning). Với chị, trường quốc tế được hiểu là trường mà ở đó học sinh được cọ sát thực tế với những gì quốc tế đang có.
6. Blockchain ứng dụng cho việc phát hành và quản lý chứng chỉ và bằng cấp
Có 2 công ty trong triển lãm này cung cấp giải pháp Blockchain này. Mục đích là để bất kì công ty hay trường học nào cũng có thể kiểm tra nhanh ứng viên có chứng chỉ hay bằng cấp đó thật hay không. Và quan trọng hơn nữa công nghệ blockchain sẽ mã hóa khiến cho độ tin cậy tăng lên đáng kể. Giải pháp này ưu việt hơn hiện nay ở chỗ sẽ bảo mật hơn, không phải in ấn, không phải vận chuyển và không phải nhờ đơn vị thẩm định nữa vì chính các trường phát hành chứng chỉ hay bằng cấp sẽ cập nhật trên nền tảng blockchain này.