5 gương mặt phụ nữ nổi tiếng thế giới trong ngành giáo dục
(Dân trí) - Năm người phụ nữ sau đây đã để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ với nền giáo dục thế giới.
Trong lịch sử loài người, phụ nữ đã và đang tham gia đóng góp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, tiêu biểu nhất chính là giáo dục. Năm người phụ nữ sau đây đã để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ với nền giáo dục thế giới.
Anne Sullivan (1866-1936)
Anne Sullivan là một giáo viên người Mỹ gốc Ireland, nổi tiếng với công dạy dỗ cô học trò Helen Keller. Thuở nhỏ, bà mắc bệnh về mắt nên bị mù một phần. Sau này, bà phấn đấu theo học tại trường dành cho học sinh khiếm thị.
Vào năm 1887, bà được giới thiệu tới dạy Helen Keller - cô học trò đặc biệt. Đối với Helen, Sullivan không chỉ đơn thuần là một cô giáo mà còn là người bạn đồng hành trong gần 50 năm.
Maria Montessori (1870-1952)
Maria Montessori là nhà giáo dục người Italy đã sáng tạo ra phương pháp giáo dục Montessori. Phương pháp này dựa trên niềm tin vào khả năng sáng tạo, đam mê học hỏi và quyền được đối xử như một cá thể riêng biệt của trẻ.
Vào năm 1907, bà mở lớp học đầu tiên của mình áp dụng cách dạy này. Sau đó, phương pháp đã được phát triển và mở rộng ra toàn nước Mỹ.
Hiện nay, phương pháp chủ yếu được áp dụng cho trẻ 2-6 tuổi. Tại Việt Nam, ngày càng có nhiều trường mầm non lấy tên Montessori làm chương trình giảng dạy chính thức.
Helen Keller (1880-1968)
Sau khi chào đời được khoảng 19 tháng, Helen không may sốt nặng, viêm màng não, dẫn tới hỏng đôi mắt và tai. Việc này đã khiến cô bé trở nên cáu kỉnh, ương bướng trong cả một thời gian dài.
Cho tới khi được gặp cô Anne Sullivan, dưới sự dạy dỗ và chỉ bảo nhiệt tình, Helen bắt đầu kiên trì học hành, dần sửa các tính xấu của mình.
Năm 8 tuổi, bà được đưa tới trường Perkins dành cho các trẻ em mù và điếc. Trong thời gian này, Keller bộc lộ tài năng xuất chúng trong nhiều môn học.
Nhờ nỗ lực học hành không ngừng nghỉ, Helen Keller là người khiếm thị, khiếm thính đầu tiên giành học vị Cử nhân Nghệ thuật.
Michelle Obama (1964)
Trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Barack Obama, Michelle Obama được nhiều người biết tới không chỉ với danh nghĩa Đệ nhất Phu nhân, mà còn bởi các hoạt động xã hội. Bà thường xuyên tham gia các hoạt động nhằm thúc đẩy giáo dục cho nữ giới, người da màu và công bằng trong giáo dục cho mọi người.
Sau khi rời Nhà Trắng, bà đã thực hiện chuyến công du năm ngày qua ba quốc gia để vận động cho quỹ "Let Girls Learn" - dự án nhằm thúc đẩy giáo dục cho các bé gái.
Malala Yousafzai (1997)
Năm 2009, cô gái 11 tuổi Malala trở thành cây bút cho BBC để chia sẻ về cuộc sống tại quê nhà của mình sau khi bị Taliban tiếp quản. Vào tháng 10/2012, Malala bị một tay súng tấn công với 3 viên đạn vào đầu. Sau khi hồi phục, cô gái trẻ tiếp tục lựa chọn đấu tranh chứ không hề bỏ cuộc.
Tại Anh, cô cùng cha mình thành lập Quỹ Malala với nhiệm vụ tạo ra một thế giới mà mọi cô gái trẻ đều có quyền kiểm soát tương lai của mình.
Năm 22 tuổi, Malala Yousafzai trở thành biểu tượng toàn cầu cho giáo dục nữ giới. Cô cho biết: "Một đứa trẻ, một giáo viên, một quyển sách và một cây viết có thể thay đổi thế giới. Giáo dục là giải pháp duy nhất. Giáo dục luôn phải được đặt ưu tiên hàng đầu". Năm 2014, cô trở thành người trẻ tuổi nhất từng đoạt giải Nobel Hòa bình.