5 điểm cũng… trúng tuyển ĐH!

Lại một lần nữa, các trường ĐH dân lập khu vực phía Nam “chật vật” trong công tác tuyển sinh. Có những thí sinh chỉ cần có tổng điểm bài thi đạt 5 điểm là có thể trúng tuyển.

Sau khi các trường ĐH công lập công bố điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 2, công việc xét tuyển ở các trường ĐH dân lập thuận tiện hơn.

 

PGS-TS Hồ Đắc Thọ, Hiệu trưởng trường ĐH dân lập Công nghệ Sài Gòn nói: “Vào thời điểm này, chúng tôi nhận gần 200 hồ sơ/ngày. Và đến 30/9 mới hết hạn nhận hồ sơ xét tuyển. Như vậy, dự kiến chúng tôi tuyển đủ chỉ tiêu”.

 

Khi được hỏi về tình hình xét tuyển nguyện vọng 3, tất cả các trường ĐH dân lập khu vực phía Nam đều trả lời như  PGS-TS Hồ Đắc Thọ.

 

Sáng 22/9, Thạc sỹ Mai Bình, Trưởng phòng Đào tạo ĐH dân lập Hùng Vương cho biết: Phát giấy trúng tuyển 38 thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 vào hệ ĐH nhưng chỉ có 20 thí sinh đến làm thủ tục nhập học; Phát giấy trúng tuyển nguyện vọng 2 hệ ĐH cho 484 thí sinh nhưng đến giờ này chỉ có 179 thí sinh đến nhập học; Phát giấy trúng tuyển nguyện vọng 2 hệ CĐ cho 560 thí sinh nhưng chỉ có 59 thí sinh nhập học.

 

Và, trong mấy ngày qua, trường đã nhận 344 hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 3 hệ ĐH, 229 hồ sơ hệ CĐ. Nhận bao nhiêu, nhà trường phát giấy mời gọi nhập học bấy nhiêu. Có nghĩa là chỉ cần đạt điểm sàn là trúng tuyển nguyện vọng 3.

 

Vậy mà, bà Mai Bình vẫn phấp phỏng không biết rốt cuộc, nhà trường có tuyển đủ chỉ tiêu (1000 sinh viên ĐH, CĐ) hay không bởi vì: Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển “ảo” quá lớn.

 

Ở trường ĐH dân lập Bình Dương, theo PGS-TS Nguyễn Hồng Đào, Trưởng phòng Đào tạo: Nhờ vận dụng Điều 33 của Quy chế tuyển sinh,  nâng mức điểm chênh lệch giữa 2 khu vực kế cạnh nhau từ 0,5 điểm lên 2 điểm nên “nguồn” tuyển được rộng mở. Những thí sinh được hưởng điểm ưu tiên tối đa (9 điểm) chỉ cần có tổng điểm bài thi đạt 5 điểm là có thể trúng tuyển vào trường này.

 

Hiện tại, mỗi ngày trường ĐH dân lập Bình Dương nhận vài mươi bộ hồ sơ xin xét tuyển nguyện vọng 3. Và như vậy, về lý thuyết, tổng hợp cả 3 nguyện vọng 1,2,3 nhà trường nhận khoảng 1400 hồ sơ xin xét tuyển (bằng chỉ tiêu tuyển sinh) nhưng thực tế thì, phải giữa tháng 11/2005 mới biết tuyển đủ hay không vì bây giờ, thí sinh đến nhập học rất thưa thớt.

 

Được biết, đến ngày 28/10/2005, trường ĐHDL Bình Dương mới tổ chức khai giảng. Các trường ĐH dân lập khác cũng tổ chức khai giảng trễ vì còn phải... đợi thí sinh.

 

Lại một lần nữa, các trường ĐH dân lập khu vực phía Nam gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Có phải các trường không có nguồn tuyển?

 

Trả lời báo chí, một cán bộ trong Ban chỉ đạo tuyển sinh quốc gia nói: Thực ra, các trường gặp khó khăn vì không phải bị “cạn” nguồn tuyển mà do thí sinh không muốn vào các trường này. Sau khi kết thúc công tác xét tuyển nguyện vọng 2, ĐH Công nghiệp TPHCM có khoảng 10.000 thí sinh bị “dạt” ra ngoài vì không trúng tuyển.

 

Về lý thuyết, chỉ riêng lượng thí sinh này đủ đáp ứng cho tất cả các trường ĐH dân lập ở khu vực phía Nam. Thực tế, thí sinh không đỗ vào các trường công lập, nhất là những thí sinh có điểm thi cao thường không thích “an phận” ở các trường dân lập.

 

Theo thăm dò của chúng tôi,  thí sinh nộp hồ sơ xin xét tuyển vào các trường dân lập đa số có điểm thi “sàn sàn” điểm sàn mà thôi.

 

Qua đó có thể thấy khoảng cách giữa 2 hệ trường dân lập và công lập ngày một rõ ràng.

 

Theo Lý Thành Tâm

 Tiền phong