5 câu hỏi của thí sinh chưa trúng tuyển

Sau khi các trường ĐH công bố điểm chuẩn tuyển sinh, rất nhiều thí sinh đã liên lạc bày tỏ những thắc mắc của mình. Chúng tôi đã tập hợp và trả lời 5 câu hỏi phổ biến dưới đây:

1. Điểm tôi cao nhưng sao tôi không trúng tuyển?

 

Trước hết, danh sách thí sinh đạt điểm cao mà báo đăng, hay theo thứ tự thống kê mà thí sinh tự tính theo danh sách điểm thi trong phạm vi chỉ tiêu của trường thật ra vẫn chỉ là một hình thức công bố điểm. Vì trúng tuyển hay không trúng tuyển còn lệ thuộc vào ngành mà thí sinh đăng ký dự thi (đối với trường lấy điểm chuẩn theo ngành) và tùy vào số lượng thí sinh được hưởng ưu tiên khu vực đối tượng.

 

Chú ý là điểm công bố chỉ là điểm 3 môn thi chưa tính các loại ưu tiên (có trường hợp được mức tối đa là 3,5 điểm).

 

2. Nếu trường lấy mức điểm chuẩn đó thì tuyển không đủ chỉ tiêu?

 

Cũng giống như câu hỏi trước, số thí sinh mà bạn xem kết quả thi đạt mức điểm chuẩn trúng tuyển, ít hơn chỉ tiêu, nhưng trên thực tế không ít thí sinh khác ít điểm hơn nhưng nhờ được hưởng ưu tiên khu vực và đối tượng nên cộng vào họ sẽ đủ điểm trúng tuyển.

 

3. Lấy điểm chuẩn theo ngành hay theo nhóm ngành?

 

Ngoại trừ những trường công bố trước việc điểm chuẩn sẽ lấy theo ngành như ĐH Kinh tế TPHCM, việc quyết định sẽ chuyển qua lấy điểm chuẩn theo nhóm ngành (sau khi có kết quả thi trường) hoàn toàn thuộc quyền của hội đồng tuyển sinh nhà trường.

 

Quy chế của Bộ GD-ĐT chỉ khuyến cáo nghiêm cấm việc lấy thấp hơn điểm sàn quy định hoặc lấy số lượng thí sinh trúng tuyển cao hơn tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường (có cho phép cao hơn một tỷ lệ nhất định), còn lấy mỗi ngành bao nhiêu thí sinh và điểm chuẩn chung hay riêng là quyền của nhà trường.

 

Phụ huynh thường bức xúc: tại sao con tôi thi vào ngành đó nếu lấy đúng chỉ tiêu đã công bố của ngành thì con tôi trúng tuyển, mà nhà trường lại lấy điểm chuẩn chung cho nhóm ngành thì con tôi không trúng tuyển, mà ngành đó cũng không đủ chỉ tiêu. Thật ra trong trường hợp này nhà trường đã sử dụng quyền điều chỉnh chỉ tiêu từng ngành để bảo đảm chất lượng.

 

Nếu muốn phụ huynh không thắc mắc, chỉ cần nhà trường làm “động tác” tâm lý: không công bố điểm theo nhóm ngành mà cứ công bố riêng từng ngành (mỗi ngành bằng điểm nhau), hoặc công bố từng ngành lệch nhau rồi cho chuyển ngành đối với thí sinh thi trong trường. Hoặc như một số ĐH khác chỉ công bố tổng chỉ tiêu tuyển chứ không công bố chỉ tiêu từng ngành cho đến khi có kết quả thi.

 

4. Thấp hơn điểm sàn của Bộ quy định là hết hy vọng?

 

Không hẳn, vì Bộ cho phép các trường ĐH ở các tỉnh như: ĐH Cửu Long, Lạc Hồng, Bình Dương... có thể vận dụng điều 33 quy chế tuyển sinh để nâng mức hưởng ưu tiên đối tượng, khu vực lên cao hơn quy định mà tất cả các trường khác đang áp dụng.

 

Thay vì bạn chỉ được hưởng ưu tiên KV2 là 0,5 điểm nhưng nếu nộp nguyện vọng 2 vào các trường này có thể được đến 1,5 điểm. Vấn đề là các trường này có quyết định vận dụng hay không, nên điều cơ bản nhất là theo dõi thông tin trên báo chí.

 

Chưa kể nhiều thí sinh quên hoặc không biết rằng điểm sàn của Bộ vẫn được tính thêm ưu tiên khu vực và đối tượng. Ví dụ thí sinh là học sinh phổ thông khu vực 2 thì chỉ cần 12,5 điểm khối A coi như đạt mức điểm sàn khối A là 13 theo quy định, vì được hưởng ưu tiên khu vực 0,5 điểm.

 

5. Nguyện vọng 2 cần lưu ý điều gì?

 

Điểm xét tuyển nguyện vọng 2 mà các trường công bố chỉ là điểm tối thiểu để nộp đơn xét nguyện vọng 2, chứ không phải cứ có mức điểm đó nộp vô là trúng tuyển. Do vậy thí sinh phải có điểm càng cao hơn mức điểm nguyện vọng 2 công bố bao nhiêu thì mới có cơ may đậu nguyện vọng 2 bấy nhiêu.

 

Tất nhiên, ngoại trừ các trường dân lập, tư thục và có thể một số ít ngành của các trường bán công thì điểm sàn xét tuyển nguyện vọng 2 công bố thường đồng thời là điểm trúng tuyển.

 

Một lưu ý khác là không nên vội vã gửi phiếu xét tuyển nguyện vọng 2 quá sớm, vì đến hết hạn nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2, hội đồng tuyển sinh mới họp và lấy từ điểm cao xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu, chứ không phải ai đến càng sớm càng được ưu tiên.

 

Nguyện vọng 3 cũng tương tự như vậy. Chưa kể gửi càng gần hạn chót (đối với nguyện vọng 2 là 10/9 và nguyện vọng 3 là 30/9) thì càng có nhiều thông tin xét nguyện vọng của các trường để lựa chọn. Tốt nhất nên gửi trước hạn chót trường thông báo 5 ngày và nhất thiết phải bằng thư phát chuyển nhanh có hồi báo. Đối với các trường ngoài công lập có thể đến tận nơi nộp cũng được nếu có điều kiện. 

Theo Trọng Phước
Thanh Niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm