400 chuyên gia, nhà khoa học dự hội thảo tại ĐH Kinh tế Quốc dân

Vừa qua, tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, khoảng 400 chuyên gia và các nhà khoa học đầu ngành đã tham dự Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Khơi thông nguồn vốn cho phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” do Viện Ngân hàng – Tài chính (Trường Đại học KTQD) phối hợp với Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước KX.01/11-15 tổ chức.

Đổi mới tư duy khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế Việt Nam

Hội thảo đã thu hút được 105 bài viết của trên 200 chuyên gia, các nhà khoa học trong cả nước. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - TS. Nguyễn Đức Kiên đã tham gia Đoàn chủ tịch điều hành Hội thảo.

400 chuyên gia, nhà khoa học dự hội thảo tại ĐH Kinh tế Quốc dân

Đoàn Chủ tịch điều hành hội thảo


Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (KTQD) đã nêu rõ tầm quan trọng của Hội thảo trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô năm 2014 được đánh giá đã ổn định và phục hồi song tăng trưởng kinh tế chưa thực sự vững chắc. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển chưa đáp ứng yêu cầu, trong đó có những khó khăn vướng mắc đối với việc chu chuyển vốn trong nền kinh tế hiện nay. Do đó, vấn đề khơi thông các nguồn động lực cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là nguồn lực về tài chính có vai trò hết sức cấp thiết.

Trong Kỷ yếu Hội thảo, TS. Lưu Bích Hồ (Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ KH&ĐT) cho rằng, hiện nay các động lực cho tăng trưởng trong bối cảnh phát triển mới của Việt Nam như nguồn vốn, con người, khoa học - công nghệ và giáo dục nếu không có những đổi mới đột phá thì sẽ khó có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch đã đặt ra cũng như kỳ vọng trong thời gian tới. Theo tác giả, vấn đề có tính bao trùm và quyết định để thực hiện sự khai thông các nguồn động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam là cần đổi mới tư duy và mô hình tăng trưởng.

Trên khía cạnh đầu tư công, TS. Trần Kim Chung (Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế TW) nhận định cần có hệ thống thể chế mới liên quan đến đầu tư công, góp phần tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam trong năm 2015 và cho giai đoạn 2015-2020 vì dường như hệ thống thể chế trong 30 năm đổi mới đã được khai thác gần cạn kiệt. Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam - GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái tham luận tại Hội thảo đã khẳng định, trong thời gian tới để phát triển bền vững, Việt Nam cần giữ vững cân đối kinh tế vĩ mô và hỗ trợ khu vực tư nhân nhiều hơn.

Nhất trí với quan điểm này, GS.TS. Nguyễn Kế Tuấn (Trường Đại học KTQD) còn nhấn mạnh thêm vấn đề cần nâng cao năng lực nội sinh và coi đó là điều kiện để phát huy vai trò động lực phát triển của kinh tế tư nhân. Trên khía cạnh khác, GS.TS. Đỗ Đức Bình (Ban Chủ nhiệm KX01/11-15) lại nhấn mạnh đến vai trò của vốn FDI đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và khuyến nghị cần điều chỉnh FDI theo hướng tập trung vào những ngành kinh doanh có giá trị gia tăng cao với hướng chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang theo chiều sâu.


Phát biểu khai mạc Hội thảo của GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học KTQD

Phát biểu khai mạc Hội thảo của GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học KTQD.

Theo nhóm nghiên cứu Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học KTQD (TS. Đặng Ngọc Đức, TS. Nguyễn Đức Hiển và cộng sự), nguyên nhân trực tiếp làm cho nền kinh tế Việt Nam bị suy giảm trong thời gian qua và có nguy cơ tái diễn trong thời gian tới là do tổng đầu tư toàn xã hội bị suy giảm kèm theo chất lượng tăng trưởng tín dụng chưa tạo động lực cho tăng trưởng bền vững khi tín dụng ngân hàng chưa được khai thông mạnh mẽ đến khu vực sản xuất, chủ yếu là tăng trưởng từ tín dụng ưu đãi, cho vay phát triển nông nghiệp - nông thôn, và tăng trưởng tín dụng ngoại tệ. Nhóm nghiên cứu và nhiều chuyên gia tại Hội thảo đã khuyến nghị cần đổi mới tư duy điều hành tăng trưởng tín dụng từ số lượng sang lấy chất lượng tín dụng làm thước đo chủ yếu, thực hiện khơi thông nguồn vốn một cách năng động, linh hoạt trên quan điểm động.

Về khơi thông vốn cho thị trường bất động sản, TS. Cao Thị Ý Nhi (Trường Đại học KTQD) và nhiều chuyên gia đều khẳng định năm 2015 sẽ có một lượng vốn đổ vào thị trường bất động sản song cần hướng dòng chảy tín dụng vào cầu bất động sản hơn là cung bất động sản. Hội thảo cũng nhận được những giải pháp mới để khơi thông nguồn vốn tín dụng như giải pháp liên kết gói hỗ trợ mua nhà ở 30.000 tỷ đồng và mô hình liên kết 4 nhà thành một gói mới của nhóm nghiên cứu Trường Đại học KTQD (TS. Nguyễn Đức Hiển và cộng sự), giải pháp gói tín dụng hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ (nhóm nghiên cứu của ThS. Đào Lê Trang Anh và cộng sự), giải pháp đẩy mạnh hoạt động M&A trong thị trường bất động sản có sự tham gia của đối tác nước ngoài (ThS. Nguyễn Thanh Lân) và vận dụng chứng khoán hóa để tái cơ cấu doanh nghiệp bất động sản của Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam của nhóm nghiên cứu ThS. Lê Phong Châu và cộng sự.

Cần sự tư vấn của các nhà khoa học

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia cũng đề cập đến yêu cầu khơi thông nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp - nông thôn Việt Nam vì hiện nay theo như đánh giá của ông Võ Văn Tuấn (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) và nhiều chuyên gia, về tổng thể tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn vẫn đối diện với khó khăn lãi suất vay cao và điều kiện vay vốn phức tạp. Vì vậy, theo PGS.TS. Ngô Thị Tuấn Nghĩa (Học viện Ngân hàng), để giảm chi phí lãi vay của các Ngân hàng thương mại đối với lĩnh vực nông nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét miễn hoặc giảm chi phí truy cập thông tin tín dụng.

Bên cạnh đó, theo TS. Lê Thanh Tâm (Trường Đại học KTQD), để tinh giản thủ tục cho vay cần có chính sách, quy trình riêng đối với đối tượng khách hàng ở khu vực nông nghiệp và nông thôn. Để thực hiện có hiệu quả hoạt động tín dụng đối với mô hình liên kết, mô hình cánh đồng mẫu lớn áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại đồng bằng sông cửu long, PGS.TS. Lý Hoàng Anh và cộng sự (Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM) kiến nghị cần có cơ chế cho phép doanh nghiệp công nghệ cao được vay vốn trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, cần thiết lập quy trình cho vay khép kín cũng như có quy định cho phép doanh nghiệp công nghệ cao được thế chấp bằng chính tài sản hình thành từ vốn vay. TS. Nguyễn Đức Hưởng (Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Liên Việt) đề xuất gói hỗ trợ 10.000 tỷ đồng cho vay hộ nông dân vùng Tây Nguyên để phát triển cây Mắc ca và kiến nghị Chính phủ bổ sung cây Mắc ca vào nhóm cây công nghiệp chiến lược phát triển trong giai đoạn tới.


400 chuyên gia, nhà khoa học dự hội thảo tại ĐH Kinh tế Quốc dân

Lãnh đạo trường Đại học Kinh tế quốc dân tặng hoa cho các đơn vị phối hợp thực hiện


Kết thúc Hội thảo, GS.TS. Trần Thọ Đạt đã khẳng định sẽ thành lập nhóm chuyên gia viết báo cáo kiến nghị của Hội thảo trên cơ sở các nội dung của các bài viết đăng Kỷ yếu và các ý kiến tham luận tại Hội thảo để gửi đến các cơ quan quản lý tham khảo trong quá trình xây dựng chính sách. Hội thảo khoa học quốc gia đã tiếp tục khẳng định tầm vóc và vị thế của Trường Đại học KTQD trong hoạt động tư vấn và phản biện chính sách phát triển kinh tế của đất nước.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm